30/11/2024

Chống Hồi giáo cực đoan: Mỹ – Nga gặp nhau

Còn quá nhiều bất định trong quan điểm quốc tế của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng riêng đối với Hồi giáo cực đoan thì rất rõ ràng: bị cấm cửa vào nước Mỹ và sẽ bị chống trả quyết liệt tại Trung Đông – Bắc Phi.

 

Chống Hồi giáo cực đoan: Mỹ – Nga gặp nhau

 Còn quá nhiều bất định trong quan điểm quốc tế của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng riêng đối với Hồi giáo cực đoan thì rất rõ ràng: bị cấm cửa vào nước Mỹ và sẽ bị chống trả quyết liệt tại Trung Đông – Bắc Phi.

 

 

 

Chống Hồi giáo cực đoan: Mỹ - Nga gặp nhau
Từng bất đồng, giờ đây Mỹ và Nga đang hợp tác trong cuộc chiến chống IS tại Syria. Trong ảnh: một người Syria ẵm con chạy khỏi đống đổ nát sau trận không kích của quân đội chính phủ vào khu vực chiếm đóng của IS ở thành phố Aleppo hồi tháng 7-2016 – Ảnh: AFP

Thời còn tại vị, cựu tổng thống Barack Obama không dám động đến từ “Hồi giáo”, chỉ dùng từ “cực đoan” và “khủng bố” chung chung. Nhưng tổng thống kế nhiệm Donald Trump thì khác, ông gọi đích danh là “Hồi giáo cực đoan” và “khủng bố Hồi giáo”.

Không né tránh

Với cách nhìn thận trọng, thời Obama, chỉ có Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và al-Qa’eda cùng một vài tổ chức đồng minh của hai thực thể khủng bố quốc tế khét tiếng này bị xếp vào danh sách “khủng bố”.

Nay chính quyền của Tổng thống Trump đang xem xét để mở rộng danh sách đen này, không chỉ là các nhóm theo dòng Hồi giáo Sunni, mà cả các nhóm thuộc dòng Shiite nữa.

Cụ thể, tổ chức Phong trào anh em Hồi giáo (AEHG) có thể sẽ bị Mỹ liệt vào loại khủng bố.

Mặt khác, lực lượng Vệ binh cách mạng Iran cũng đang nằm trong tầm ngắm: hoặc toàn bộ cơ chế quân sự giáo quyền này bị coi là khủng bố, hoặc một lực lượng chủ công của nó – Faylaq al-Qods (chuyên trách hoạt động quân sự ở nước ngoài) – sẽ bị chỉ đích danh.

Về đối tác chống Hồi giáo cực đoan trong khu vực, ông Trump rất khác với ông Obama. Tổng thống vừa mãn nhiệm coi việc Ai Cập, Saudi Arabia xếp phong trào AEHG vào “khủng bố” là vi phạm nhân quyền, bởi ông Obama đánh giá AEHG là tổ chức đối lập chính trị.

Ông Obama cũng do dự khi phải quan hệ với chính quyền Ai Cập của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi, bởi lo ngại tái diễn tình trạng độc tài chuyên chế như thời Hosni Mubarak.

Ngược lại, ngay sau khi vào Nhà Trắng, ông Trump đã điện đàm với ông el-Sisi để thể hiện ủng hộ tổng thống Ai Cập nghiêm trị Hồi giáo cực đoan.

Lập trường của ông với chính quyền Ai Cập rất tương đồng với quan điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga đã khôi phục và tăng cường quan hệ với chính quyền el-Sisi sau khi ông tướng quân đội này dùng “áp lực quần chúng” lật đổ chế độ AEHG, mà đại diện là Mohamed Morsi, hồi tháng 7-2013.

Hiện nay trong thế giới Ả Rập, chính quyền của tổng thống Ai Cập có quan hệ thân thiện với Nga ở mức chỉ sau Tổng thống Bashar al-Assad của Syria.

Từ đối thủ thành đối tác

Thời Obama, Mỹ và Nga là đối thủ tại Syria. Nhưng nay ông Trump dường như có lập trường khá tương đồng với ông Putin về nhiều khía cạnh.

Ông Trump đặt ưu tiên cho mục tiêu xoá sổ IS, chứ không phải là thay đổi chế độ ở Syria. Nếu Nga và chính quyền của Tổng thống al-Assad cùng chống IS thì Mỹ sẽ hợp tác chứ không đối đầu.

Hiện tượng cụ thể nhất đang diễn ra tại mặt trận đánh IS ở thành phố al-Bab (vùng nông thôn phía bắc thành phố Aleppo). Tại đây, lần đầu tiên cả Mỹ và Nga đều dùng không quân đánh phá IS, yểm trợ lực lượng “quân đội tự do Syria” được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Trong khi Nga yểm trợ quân đội Syria tiến lên từ phía nam al-Bab, thì Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ “quân đội tự do” đánh vào al-Bab từ các phía còn lại.

Cũng tại đây, lần đầu tiên Nga điều phối nhằm tránh xảy ra đụng độ giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với quân đội của al-Assad.

Thời Obama, Mỹ hoàn toàn dựa vào người Kurd Syria để đánh IS ở khu vực đông bắc Syria. Mỹ đã bảo trợ việc hình thành lực lượng “quân đội dân chủ Syria” mà người Kurd làm nòng cốt. Nhưng ông Trump đang có động thái không tiếp tục hướng này.

Tân tổng thống đã ra lệnh ngưng cung cấp vũ khí hạng nặng mà ông Obama đã hứa dành cho “quân đội dân chủ”.

Thời Obama, Mỹ chủ trương để người Kurd làm chủ công trong kế hoạch giải phóng thành phố Reqqa khỏi IS.

Nhưng ngày 8-2 tại Ankara, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nước này sẽ phối hợp với Saudi Arabia và sẵn sàng hợp tác với Mỹ – Nga để giải phóng Reqqa, ngăn chặn “tham vọng của người Kurd”!

Có thể nói, Nga và Mỹ hiện nay gặp nhau tại Trung Đông – Bắc Phi ở sự tương đồng trong lập trường cùng đặt ưu tiên hàng đầu vào chống Hồi giáo cực đoan – Hồi giáo khủng bố.

Để tập trung mọi nỗ lực loại trừ khủng bố khỏi khu vực rất phức tạp này, ông Trump và ông Putin đồng quan điểm thà chấp nhận thế tục độc tài còn hơn là Hồi giáo cực đoan!

Điểm hội tụ

Một địa bàn khác đang có những chỉ dấu về sự tương đồng quan điểm giữa Mỹ với Nga, đó là Libya.

Chính quyền Obama ủng hộ nỗ lực của EU và Liên Hiệp Quốc dựng lên một “chính phủ đoàn kết” do Fa’iz Sarraj làm thủ tướng. Nhưng Nga cho rằng chính phủ của Sarraj đang bị Hồi giáo cực đoan khống chế.

Nga lại ủng hộ lực lượng gọi là “quân đội quốc gia” do tướng Khaleefa Hafta’r đứng đầu, khi tướng này “không đội trời chung với Hồi giáo cực đoan”.

Tướng Hafta’r từng là người của Gaddafi, nhưng đã ly khai và sang định cư tại Mỹ từ hơn 20 năm trước.

Ông Hafta’r được Nga đón tiếp trọng thị tại Matxcơva hồi tháng 11-2016. Ông Hafta’r cũng tổ chức ăn mừng khi ông Trump trúng cử tổng thống Mỹ.

Ngày 5-2, tướng Hafta’r tuyên bố “sẵn sàng liên minh với Mỹ và Nga” chống khủng bố. Với lập trường như vậy, tướng thế tục này có thể trở thành điểm hội tụ Nga – Mỹ tại Libya.

Hồi giáo thế tục là đồng minh

Những người cầm quyền hiện nay tại Ai Cập, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và hầu hết các quốc gia Ả Rập đều là tín đồ Hồi giáo, nhưng có thể coi là những người “Hồi giáo thế tục”. Họ đều là nạn nhân của Hồi giáo cực đoan, Hồi giáo khủng bố.

Trong cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan, Hồi giáo khủng bố, Mỹ và Nga đều có thể coi các thế lực Hồi giáo thế tục này là đồng minh.

NGUYỄN NGỌC HÙNG