Mỹ và Nhật Bản vừa hợp tác thử thành công tên lửa đánh chặn mới, được kỳ vọng sẽ trở thành vũ khí chủ chốt của một hệ thống phòng thủ tối tân.
Sức mạnh phòng thủ tương lai của Mỹ, Nhật
Mỹ và Nhật Bản vừa hợp tác thử thành công tên lửa đánh chặn mới, được kỳ vọng sẽ trở thành vũ khí chủ chốt của một hệ thống phòng thủ tối tân.
Trong cuộc thử nghiệm mới đây tại vùng biển bang Hawaii (Mỹ), một tên lửa đạn đạo tầm trung được phóng từ cơ sở trên đảo Kauai và lập tức bị radar AN/SPY-1D(V), với khả năng truy tìm 100 mục tiêu cùng lúc, gắn trên khu trục hạm USS John Paul Jones phát hiện. Sau đó, binh sĩ trên tàu cho phóng một tên lửa SM-3 Block IIA bắn nổ tung tên lửa mục tiêu. Đáng chú ý, SM-3 Block IIA đã thành công ngay trong lần đầu tiên được thử nghiệm khả năng đánh chặn, theo thông cáo từ Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA).
Đây cũng là lần đầu tiên SM-3 Block IIA được phóng từ khu trục hạm thuộc nhóm trang bị hệ thống phòng thủ Aegis Baseline 9.C2, chuyên dụng để đánh chặn tên lửa đạn đạo.
“Cuộc thử nghiệm cho thấy một bước ngoặt quan trọng trong chương trình phát triển tên lửa SM-3 Block IIA dựa trên hợp tác Mỹ – Nhật. Tên lửa được phát triển bởi một đơn vị hỗn hợp của 2 nước và đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với cả hai quốc gia, giúp cải thiện khả năng phòng thủ của chúng ta đối với mối đe doạ tên lửa đạn đạo ngày càng gia tăng trên thế giới”, Giám đốc MDA Jim Syring nhấn mạnh trong thông cáo.
Năng lực vượt trội
SM-3 Block IIA là thành quả từ chương trình phát triển chung của Mỹ và Nhật Bản, bắt đầu vào năm 2006 nhằm tạo ra loại hoả tiễn có thể đánh bại những tên lửa đạn đạo tầm trung của đối phương. Tính đến nay, Mỹ đã chi 2,3 tỉ USD cho dự án chung này, còn Nhật bỏ ra 1 tỉ USD. Tập đoàn công nghệ quốc phòng Mỹ Raytheon được ký hợp đồng sản xuất 22 quả SM-3 Block IIA cho việc thử nghiệm, trong khi Công ty công nghiệp hạng nặng Mitsubishi (Nhật) chịu trách nhiệm sản xuất động cơ cho tầng 2 và 3 cũng như chóp hình nón của đầu tên lửa, theo chuyên san The Diplomat.
SM-3 Block IIA được phát triển từ phiên bản SM-3 IB mà Raytheon đã chế tạo cho hải quân Mỹ trước đây. “Tên lửa SM-3 Block IIA là phiên bản lớn hơn của SM-3 Block IB về khía cạnh động cơ đẩy và đầu đạn động năng, giúp gia tăng thời gian hoạt động cũng như sức mạnh công phá”, chuyên trang Scout Warrior dẫn lời phát ngôn viên MDA Christopher Szkrybalo cho hay.
Đầu đạn động năng của tên lửa có thể phóng đi với tốc độ hơn 965 km/giờ, không mang chất nổ mà dựa vào lực tác động khi va chạm để phá huỷ mục tiêu. Ngoài ra, theo các chuyên gia của Raytheon, SM-3 Block IIA có khả năng bao phủ khu vực lớn hơn và phát hiện mục tiêu từ khoảng cách xa hơn so với SM-3 Block IB. Sau khi được chính thức triển khai từ năm 2018, tên lửa này sẽ là thành tố chủ chốt trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis (ABMD), phóng từ tàu chiến hoặc các đơn vị Aegis lắp đặt trên bờ.
Nga vừa khoe hỏa lực mới khi tung clip ghi lại hình ảnh một hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2 lắp trên xe bánh xích đủ sức bắn hạ các tên lửa của Mỹ và NATO.
Sức mạnh ABMD của Mỹ
Nỗ lực phát triển ABMD được bắt đầu giữa thập niên 1980, trong khuôn khổ Sáng kiến phòng thủ chiến lược của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, và đến tháng 9.2009 thì được Tổng thống Barack Obama xác định là yếu tố quan trọng trong chiến lược bảo vệ quốc gia. Khi đó, ông Obama tuyên bố hủy bỏ kế hoạch thiết lập cơ sở phòng thủ tên lửa ở Ba Lan của chính quyền tiền nhiệm và thay bằng phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa dựa trên chiến hạm. Hai năm sau, tuần dương hạm USS Monterey mang tên lửa đánh chặn SM-3 Block IA và trở thành khu trục hạm ABMD đầu tiên được triển khai luân phiên đến Địa Trung Hải cho kế hoạch lập lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo năng động của Mỹ ở châu Âu.
Tính đến nay, có khoảng 5 tuần dương hạm và 28 khu trục hạm của hải quân Mỹ được trang bị ABMD. Trong đó có tới 16 chiếc được triển khai cho Hạm đội Thái Bình Dương. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng để đáp ứng các biến động chiến lược và an ninh trong khu vực lẫn trên thế giới. Theo kế hoạch của MDA, số tàu Aegis có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo sẽ tăng lên 43 chiếc vào cuối năm 2019 và mục tiêu cuối cùng là 97 tàu vào năm 2045.
Song song đó, Mỹ cũng đang đẩy mạnh việc triển khai hệ thống Aegis Ashore đặt trên bờ. Theo Scout Warrior, Aegis Ashore sẽ bao gồm radar SPY-1 và khẩu đội tên lửa đánh chặn SM-3. Chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Obama đã thiết lập Aegis Ashore tại Romania vào tháng 5.2015 và có kế hoạch đặt hệ thống tương tự tại Ba Lan vào năm 2018. Nếu Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục thực hiện dự định này thì Aegis Ashore ở Ba Lan sẽ sử dụng tên lửa đánh chặn thế hệ mới SM-3 Block IIA.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ đề xuất cơ chế đàm phán cấp nội các mới tại cuộc gặp chính thức đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Lá chắn Nhật Bản
Không chỉ là thành phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Mỹ, SM-3 Block IIA còn được thiết kế để cho phép Nhật ứng phó nguy cơ tấn công từ CHDCND Triều Tiên và cả Trung Quốc, mà không cần phải sử dụng quá nhiều tàu chiến. Theo Bộ Quốc phòng nước này, những đợt phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng gây ra “mối đe dọa thật sự” và Tokyo liên tục nâng cấp năng lực lá chắn tên lửa. Trong đó, các khu trục hạm trang bị hệ thống Aegis chuyên đánh chặn tên lửa đạn đạo ở độ cao 600 km, còn hoả tiễn Patriot PAC-3 có khả năng ngăn chặn tên lửa ở độ cao 15 km. Ngoài ra còn có giàn cảm biến tối tân để phát hiện, theo dõi tên lửa phối hợp cùng hệ thống liên lạc, kiểm soát và chỉ huy.
Hiện nay, Nhật có 4 khu trục hạm Aegis lớp Kongo và 16 đơn vị phòng không được bổ sung Patriot PAC-3. Theo kế hoạch, Tokyo sẽ đưa vào biên chế 2 khu trục hạm Aegis lớp Atago vào năm 2020 – 2021 và nâng tầm hoạt động cũng như độ chính xác của các đơn vị PAC-3. Chính phủ Nhật cũng đang cân nhắc thiết lập Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD, do Mỹ chế tạo), với khả năng đánh chặn tên lửa ở độ cao khoảng 150 km, để lấp khoảng trống giữa Aegis và Patriot. Theo The Diplomat, Bộ Quốc phòng Nhật còn tuyên bố “sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác phát triển SM-3 Block IIA để ứng phó những mối đe doạ tiềm tàng và nâng cao khả năng của tên lửa đánh chặn tương lai”.
Mỹ – Nhật kêu gọi không leo thang ở Biển Đông
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe sau cuộc họp báo chung tại Nhà TrắngAFP
Sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng chiều 10.2 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đưa ra tuyên bố chung về an ninh và kinh tế. Đài NHK trích nội dung tuyên bố chung cho hay 2 nhà lãnh đạo kêu gọi “các nước liên quan” tránh những hành động làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông như quân sự hóa các tiền đồn. Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự biển dựa trên luật pháp quốc tế, đồng thời phản đối ý đồ củng cố tuyên bố chủ quyền bằng hăm doạ, ép buộc hoặc vũ lực.
Cũng theo tuyên bố chung, 2 nhà lãnh đạo tái khẳng định điều 5 của Hiệp ước an ninh song phương có nội dung bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và họ phản đối mọi hành động đơn phương về vấn đề này. Tuyên bố chung còn xác định liên minh Mỹ – Nhật góp phần vào hòa bình, phồn thịnh và tự do ở châu Á – Thái Bình Dương.
Về kinh tế, Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe tái khẳng định tầm quan trọng của tăng cường quan hệ đầu tư và thương mại cũng như nỗ lực liên tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương. Theo tuyên bố chung, 2 nhà lãnh đạo nhất trí sẽ thảo luận về một hiệp định thương mại song phương sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhân dịp này, Thủ tướng Abe mời Tổng thống Trump thăm Nhật trong năm nay và ông Trump đã nhận lời.
Ngày 11.2, Tổng thống Trump mời Thủ tướng Abe lên chuyên cơ, chiếc Không lực 1, để đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump tại bang Florida. Theo dự kiến, thủ tướng Nhật sẽ chơi golf với tổng thống Mỹ và trải qua 2 đêm ở Mar-a-Lago. Tờ Asahi Shimbun dẫn lời giới chức Nhật cho hay Thủ tướng Abe hy vọng sau cuộc hội đàm chính thức ở Nhà Trắng, các cuộc thảo luận mang tính cởi mở và gần gũi hơn tại Florida sẽ giúp thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương. Dự kiến, ông Abe sẽ về nước vào tối 13.2.