Ngày càng có nhiều bạn trẻ phương Tây dành hẳn một năm đi chơi sau các bậc học để có những trải nghiệm quý giá và có thêm “điểm cộng” với nhà tuyển dụng.
Học nhiều từ một năm đi chơi
Ngày càng có nhiều bạn trẻ phương Tây dành hẳn một năm đi chơi sau các bậc học để có những trải nghiệm quý giá và có thêm “điểm cộng” với nhà tuyển dụng.
“Gap year” với các nước nói tiếng Anh, “année sabbatique” trong cộng đồng Pháp ngữ hay sabbatår trong tiếng Đan Mạch… đều dùng để chỉ khoảng thời gian, thường là một năm mà các bạn trẻ dành để thực hiện các kế hoạch riêng sau một bậc học.
Năm đặc biệt này thường được chọn sau khi tốt nghiệp phổ thông hoặc đại học, chuẩn bị đi làm hay học tiếp ở bậc cao hơn. Và cách sử dụng năm đi chơi này cũng rất đa dạng: du lịch thật nhiều nơi rồi về viết sách, blog du ký; chọn một đất nước muốn khám phá toàn diện để ở trọn một năm; học những thứ mình thích mà thời gian bận bịu bài vở trước đây chưa cho phép…
Va chạm thực tế
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Sidonie Bertrand-Shelton tạm biệt gia đình ở thành phố Brighton, miền nam Anh đến sống tại thủ đô Paris của Pháp trong một năm. Tại đây, chị làm việc bán thời gian cho một tiệm thời trang, vừa có thu nhập, vừa luyện thêm tiếng Pháp. Thời gian rảnh được chị dành phần lớn để khám phá “kinh đô ánh sáng”. Thay vì chỉ cưỡi ngựa xem hoa như khi đi du lịch ngắn ngày, Sidonie có thể dành nhiều ngày chỉ để xem thật kỹ các bảng ghi chú hiện vật trong những bảo tàng yêu thích.
Trả lời phỏng vấn báo L’Etudiant, Sidonie cho biết: “Tại Anh, để được nhận vào đại học, ngoài điểm số, thường bạn sẽ phải trải qua một cuộc phỏng vấn. Và hầu hết các trường của chúng tôi đều thích sinh viên tương lai dành một năm tạm rút lui khỏi chuyện học hành sau khi tốt nghiệp phổ thông. Một năm này chứng tỏ được nhiều thứ: độc lập hơn, trưởng thành hơn, học thêm được nhiều điều từ cuộc sống…”.
Năm học cuối trước khi tốt nghiệp phổ thông thường đầy áp lực, bài vở nhiều, thi cử liên tục. Giữa bộn bề căng thẳng đó, xác định đúng ngành nghề phù hợp sẽ gắn bó với mình để học tiếp không phải là điều dễ dàng. Để tránh lựa chọn sai ngành học ở bậc cao hơn thì một năm đi chơi sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất.
Gọi là “đi chơi” nhưng trên thực tế, tuy không đi học nhưng do sống xa nhà, để tự trang trải cuộc sống, hầu hết các bạn trẻ đều kiếm việc làm thêm. Đi làm, va chạm với cuộc sống sẽ giúp họ hiểu hơn về năng lực của bản thân và có cái nhìn thực tế hơn để nhận định thật sự nghiêm túc về tương lai. Đây cũng là thời gian để những bạn còn do dự có thể suy nghĩ kỹ càng để quyết định ngành học.
Malia Obama, con gái lớn của Tổng thống Mỹ Barack Obama, sẽ tiếp bước cha mẹ để trở thành sinh viên Đại học Harvard.
Năm trải nghiệm của con gái ông Obama
Malia Obama, con gái lớn của cựu tổng thống Mỹ Obama cũng dành ra một năm tạm rời xa bài vở sau khi tốt nghiệp phổ thông để có được trải nghiệm thực tế, theo báo mạng The Huffington Post. Hồi tháng 5.2016, khi ông Obama vẫn còn đương nhiệm, Nhà Trắng ra thông cáo cho biết: “Vợ chồng tổng thống thông báo con gái họ là cô Malia sẽ theo học tại Đại học Harvard từ mùa thu năm 2017. Trước khi nhập học, cô Malia sẽ dành một năm cho các kế hoạch riêng”.
Điểm quan trọng là phần lớn thanh niên phương Tây đều chọn dành gap year ở nước có ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ. Sau khi “lăn lộn” xứ người, các bạn trở về với trình độ ngoại ngữ được nâng cao hơn hẳn. Charlotte Barthe nhận định với tờ Le Monde rằng chính vốn tiếng Anh có được sau một năm ở Mỹ đã giúp bạn vượt qua kỳ thi để được nhận vào một trường danh tiếng về nhà hàng – khách sạn tại Pháp.
“Đùng một cái” rời xa gia đình, lại còn phải sống ở đất khách, quê người, khác biệt hoàn toàn về văn hóa, điều kiện xã hội là thách thức không nhỏ. Vì vậy, việc “đi chơi dài hạn” được chuẩn bị rất kỹ lưỡng bằng cách tham khảo sách báo, thông tin trên internet… Ở nhiều nước còn có các công ty chuyên tư vấn, mở khoá học về cuộc sống ở nước ngoài để các bạn đỡ bỡ ngỡ.
Nhà tuyển dụng xem trọng
Với nhiều bạn vừa lấy bằng cử nhân, gap year vừa giúp thoả mãn sở thích và đam mê, vừa được xem là “học phần” cuối cùng để bổ sung vào chương trình học vừa hoàn tất trên ghế nhà trường. Jérémy A., bạn của người viết, sống tại vùng ngoại ô Maisons-Alfort của Paris và chơi judo từ nhỏ, từng vô địch quốc gia. Sau khi tốt nghiệp ngành giáo dục thể chất, Jérémy dành hẳn một năm tại Nhật Bản để tập luyện và tìm hiểu đến nơi đến chốn về quê hương môn võ mà anh yêu thích. Để có tiền trang trải, anh làm thêm nhiều việc, bao gồm dạy kèm tiếng Pháp. Ngoài ra, do tập judo trong một câu lạc bộ của đại học nên Jérémy có dịp học hỏi thêm về hệ thống giáo dục thể chất ở Nhật.
Tương tự, do karate và judo là 2 môn rất phổ biến ở Pháp nên nhiều sinh viên ngành kinh tế, thương mại ở nước này sau khi tốt nghiệp thường chọn trải qua gap year tại Nhật. Ngoài võ thuật, thường chương trình của họ sẽ bao gồm là học tiếng Nhật và kiếm việc làm thêm. Sau một năm, không chỉ… giỏi võ, giỏi ngoại ngữ, họ còn nắm rõ đặc thù của thị trường Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Đây là ưu thế rất lớn khi xin việc, đặc biệt tại các hãng có liên quan đến nước này.
Trên thực tế, rất nhiều nhà tuyển dụng tại các nước Âu – Mỹ quan tâm đến năm đi chơi của ứng viên. Le Monde dẫn lời bà Laurence Charneau, chuyên gia về việc làm cho giới trẻ, nhận định: “Sau một năm xa nhà, các bạn trẻ đều trở nên trưởng thành, chín chắn, tự tin và có trách nhiệm hơn. Việc chấp nhận sống ở một đất nước xa lạ cũng sẽ giúp bạn trở nên cởi mở và đương nhiên, trình độ ngoại ngữ được nâng cao. Nếu biết lên kế hoạch trước để chọn những hoạt động liên quan đến nghề nghiệp sau này thì lại càng là lợi thế. Đây chính là những lý do làm các công ty xem một năm “đi chơi” của ứng viên là điểm cộng trong hồ sơ xin việc”.