28/11/2024

Chúa Nhật 3 TN – A – 2017: Trở thành ánh sáng trần gian

Khi tin theo Đức Giêsu Kitô, người tín hữu chúng ta được tự do chọn lựa hai thái độ: hoặc là chúng ta dấn thân theo Chúa Giêsu để cứu độ thế giới, hoặc là chúng ta sống an thân xa lánh cuộc đời để cứu rỗi chính mình.

 

 Trở thành ánh sáng trần gian

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần vừa qua chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu sứ mạng xoá tội trần gian của Chúa Giêsu và của chúng ta. Tuần này Giáo Hội mời gọi chúng ta bước theo Chúa Giêsu dấn thân vào trần thế để rao giảng Tin Mừng Nước Trời.

Bài đọc I (x. Is 8,23-9,3) và bài Tin Mừng (x. Mt 4,12-17) đều nhắc đến việc Đức Giêsu đến ở Caphanaum và rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia rằng: “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được thấy ánh sáng bừng lên chiếu rọi”.

1. Hai thái độ được tự do chọn lựa

Khi tin theo Đức Giêsu Kitô, người tín hữu chúng ta được tự do chọn lựa hai thái độ: hoặc là chúng ta dấn thân theo Chúa Giêsu để cứu độ thế giới, hoặc là chúng ta sống an thân xa lánh cuộc đời để cứu rỗi chính mình. Lịch sử của Giáo Hội đã chứng tỏ những chọn lựa ấy.

Trong một hai thế kỷ đầu tiên thời Giáo Hội sơ khai, các tông đồ và các môn đệ của Chúa Giêsu đã bắt chước Người dấn thân vào mọi lĩnh vực của xã hội. Họ làm đủ nghề nghiệp khác nhau. Nhờ Chúa Thánh Thần thôi thúc, họ đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Với quyền năng Chúa ban và ân sủng của Chúa Thánh Thần, họ chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm nhiều dấu lạ để minh chứng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Họ không tập trung vào đời sống bí tích và cầu nguyện, cũng không tập trung vào những lĩnh vực mà bây giờ gọi là bác ái xã hội. Nhưng họ tập trung vào việc làm thế nào cho người khác thấy cung cách sống Tin Mừng của mình để làm chứng cho Chúa Giêsu. Chúng ta vừa nghe bài đọc II thánh Phaolô đã xác định: “Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu” (1Cr 1,17).

Nhưng từ thế kỷ thứ IV trở đi, khi vua Constantinô, hoàng đế của đế quốc Rôma, đã chính thức công nhận đạo Công giáo là đạo thật, toàn đế quốc phải theo, và tạo rất nhiều quyền lợi để đạo Công giáo có thể phổ biến, thay vì bách hại như các hoàng đế trước đây, thì lúc đó những người tín hữu bắt đầu không còn hoà nhập vào xã hội nữa. Cộng đoàn tín hữu được chia thành những giáo phận, giáo xứ cho dễ quản lý; người ta tập trung mọi nỗ lực vào việc xây dựng những thánh đường nguy nga, những nhà sinh hoạt rộng lớn, tập trung vào nghi lễ, phụng tự, bí tích… và ngừng việc đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Khi tập trung vào những hoạt động cố định như thế, người ta cũng đánh mất tính năng động của Tin Mừng, không còn vận dụng được quyền năng của Đức Giêsu và ân sủng của Thánh Thần để chữa bệnh, trừ quỷ hay làm các dấu lạ để làm chứng cho Chúa Giêsu.

2. Ảnh hưởng của thuyết Nhị Nguyên

Hơn nữa, hoạt động của Giáo Hội còn bị ảnh hưởng của thuyết Nhị nguyên (nhị là hai, nguyên là nguồn). Thuyết này được các triết gia của Hy Lạp và Rôma phổ biến từ trước Công Nguyên và ảnh hưởng rất mạnh mẽ trong đạo Công giáo mãi cho đến thế kỷ XX. Thuyết này quan niệm rằng thế giới và nhân loại bị ảnh hưởng bởi hai nguồn thiện và ác. Nguồn ác là ma quỷ (các thần dữ) chi phối những vùng tối tăm, sự chết và những gì tiêu cực, còn nguồn lành là thần linh tốt (hay Thiên Chúa) chi phối những gì tốt đẹp thuộc vùng ánh sáng, sự sống và những giá trị tích cực.

Người tín hữu Công giáo bị ảnh hưởng bởi thuyết nhị nguyên này cho rằng thể xác, trần thế thuộc về ma quỷ còn linh hồn, thiên đàng thuộc về Thiên Chúa. Cho đến đầu thế kỷ XX chúng ta vẫn còn đọc thấy những luận điệu: con người có 3 kẻ thù: ma quỷ – thế gian – xác thịt. Thân xác là phương tiện của ma quỷ, nên càng ăn uống khem khổ, hãm mình ép xác thì người ta càng làm cho linh hồn dễ dàng bay bổng lên gần Thiên Chúa. Còn chiều chuộng thân xác theo những khoái cảm, sống trong cảnh giàu có thì càng dễ mất linh hồn. Về phương diện xã hội, người ta cho rằng xã hội trần thế này thuộc về ma quỷ nên cần phải xa lánh việc đời, bỏ tất cả những hoạt động của trần thế như chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. “Đường trọn lành” chính là bỏ trần thế để đi tu, sống đời cầu nguyện và chiêm niệm.

Vào thế kỷ XII, chính người Công giáo lập nên các đại học và thôi thúc việc học hành để khám phá ra sự thật ẩn chứa trong sự vật, trong con người, trong cộng đoàn xã hội và trong vũ trụ. Những đại học Công giáo đầu tiên đều do các dòng tu điều khiển. Nhưng khi phát triển các lĩnh vực của tri thức, người ta lại thấy rằng các khoa như vật lý, hoá học, thiên văn học… lấy đối tượng là vật chất thì chúng cũng thuộc về trần thế, không nên theo học. Y khoa thuộc về con người, nghiên cứu về thể xác con người cũng không nên học. Người ta chỉ tập trung vào triết học và thần học, coi thường những khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Các linh mục, tu sĩ chỉ chuyên lo học triết học, thần học, cử hành các bí tích, không mấy quan tâm đến những lĩnh vực thể xác cũng như lĩnh vực trần thế.

3. Ánh sáng của Chúa Giêsu và giáo huấn của Giáo Hội

Công đồng Vaticanô II (1962-1965) đã mang đến một luồng ánh sáng mới chiếu rọi vào mọi lĩnh vực của khoa học và đời sống. Công đồng nhắc nhở chúng ta rằng: tất cả những quan niệm bị ảnh hưởng bởi thuyết Nhị nguyên như trên đều sai lầm. Chúa Giêsu không dạy chúng ta như vậy. Người là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người, mặc lấy thân xác của chúng ta và xuống trần gian này để mang lại ơn cứu độ cho toàn thể vũ trụ nên thân xác và thế giới vật chất cũng đều là những thụ tạo tốt lành. Hiến chế Gaudium et Spes nhắc nhở “Con người là một với thể xác và tinh thần” nên tất cả những gì liên can đến thể xác đều được Chúa đón nhận và thánh hoá. Vì thế chúng ta cần phát triển những lĩnh vực thể xác, làm cho thể xác tươi đẹp, khoẻ khoắn, biểu lộ những vẻ đẹp tốt lành của Thiên Chúa. Từ đó chúng ta mới thấy nhiều người Công giáo để ý đến việc ăn mặc cho đàng hoàng tốt đẹp hơn; các linh mục, tu sĩ không còn đeo dây đánh tội, ăn uống kham khổ, đến nổi nhiều tu sĩ không sống quá 40 tuổi.

Công đồng cũng khuyến khích người tín hữu dấn thân vào mọi lĩnh vực tri thức thuộc các khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học siêu nhiên, vì Chúa Giêsu Kitô là sự thật toàn diện. Do đó càng khám phá vạn vật bằng những khoa học người ta càng cảm nghiệm được tình yêu và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Hàng trăm linh mục, tu sĩ Hàn Quốc đang giảng dạy trong các giảng đường đại học là bằng chứng cụ thể cho người ngoài Công giáo biết Chúa là nguồn mọi sự khôn ngoan. Trong khi Giáo Hội Công giáo Việt Nam với số lượng trên 30.000 linh mục, tu sĩ, chủng sinh lại thu hẹp hay đóng kín tầm nhìn tri thức thì làm sao loan báo Tin Mừng cách hiệu quả được!

Hơn nữa, tất cả mọi loài thụ tạo được dựng nên nhờ Người và cho Người, đều được Chúa Cha yêu thương đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, nên thế gian, thân xác và thậm chí ma quỷ không còn là kẻ thù. Chúa Giêsu không tiêu diệt ma quỷ, không xoá bỏ sự hiện hữu của chúng khi Người cho chúng nhập vào đàn heo (x. Mt 8,28-34; Mc 5,1-20; Lc 8,26-39), Người chỉ xua đuổi chúng ra khỏi con người để giải thoát con người khỏi lệ thuộc vào chúng khi họ chiều theo những tham vọng và dục vọng của mình.

Đó là những quan niệm mới mẻ nhưng rất nhiều người chúng ta lại chưa đón nhận nên chúng ta không dám bước theo Chúa Giêsu hoà nhập vào trong xã hội hôm nay. Vì thế cuốn Giáo lý Hội Thánh Công giáo năm 1992 và cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo năm 2004 thôi thúc mọi người tín hữu chúng ta, nhất là các linh mục và tu sĩ, phải dấn thân đi theo Chúa Giêsu để mang Tin Mừng cứu độ của Chúa cho tất cả mọi người. Có lẽ nhận thấy người tín hữu chưa ý thức đủ nên năm 2016   ĐTC Phanxicô lại gửi cho các bạn trẻ cuốn Docat để thôi thúc chúng ta hoà nhập vào mọi lĩnh vực xã hội mà hành động, mang lại ơn cứu độ, niềm vui, hạnh phúc cho mọi người mọi vật quanh ta.

Lời kết

Hôm nay chúng ta bước theo Chúa Giêsu để mang lại ánh sáng cho những con người ngồi trong bóng tối sự chết, ngồi trong bóng tối của những gì là tiêu cực, bệnh tật, khó nghèo, nô lệ, khốn cùng, để cho họ cảm nghiệm được niềm vui, bình an và ơn cứu độ của Người. Chúng ta chắc chắn Đức Giêsu sẽ ban cho ta quyền năng và ơn phúc của Thánh Thần để chúng ta mạnh dạn bước theo Người, trở thành những Tin Mừng sống động của Chúa Giêsu cho trần thế hôm nay.