29/11/2024

Khó tránh khỏi nghẽn mạng ATM

Vào dịp giáp Tết năm ngoái, hệ thống ATM liên tục gặp trục trặc, người rút tiền gặp rất nhiều phiền toái. Năm nay, tình hình sẽ ra sao?

 

Khó tránh khỏi nghẽn mạng ATM

Vào dịp giáp Tết năm ngoái, hệ thống ATM liên tục gặp trục trặc, người rút tiền gặp rất nhiều phiền toái. Năm nay, tình hình sẽ ra sao?



Có thể xảy ra sự cố

Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – Trưởng phòng thẻ Vietcombank (ngân hàng có mạng lưới ATM lớn nhất) – cho biết, năm nay nhờ hệ thống máy ATM của các ngân hàng thương mại đã được kết nối với nhau, khách hàng sẽ bớt phiền phức hơn trước đây vì nếu máy ATM của ngân hàng này hết tiền thì có thể sang máy của ngân hàng khác. Việc kết nối này sẽ góp phần giảm tải cho máy ATM của từng ngân hàng và giúp khách hàng thuận tiện hơn khi rút tiền.

Bà Hằng cũng nói thêm: “Cũng như các mạng điện thoại di động thôi, nếu vào lúc cao điểm tất cả các máy ATM đều có người rút tiền thì việc có thể nghẽn mạng ATM cũng là điều có thể xảy ra”. Bà Hằng giải thích, nghẽn mạng ATM do quá tải cũng tương tự như nghẽn mạng di động vào thời điểm giao thừa khi lượng giao dịch trên các máy ATM tăng đột biến.

Nguồn tin từ Smartlink – công ty làm nhiệm vụ kết nối các máy ATM của 21 ngân hàng tại Việt Nam, đồng thời kết nối với các máy ATM của các ngân hàng thuộc hệ thống Banknet – cho biết, hệ thống của Smartlink có thể đáp ứng việc xử lý vài triệu giao dịch một ngày. Tuy nhiên, hệ thống này cũng khó có thể vận hành hoàn toàn thông suốt nếu khách hàng đến rút tiền đồng loạt tại tất cả các máy ATM.

 

Theo dự kiến, kể từ đầu tuần sau, các giao dịch rút tiền trên hệ thống ATM của tất cả ngân hàng sẽ tăng rất mạnh. Theo khuyến cáo của các ngân hàng, trong trường hợp máy ATM bị quá tải, kể cả với các máy ATM của các ngân hàng liên kết, khách hàng nên đến ngân hàng nơi mình mở tài khoản ATM để rút tiền (các ngân hàng đều mở cửa đến tận ngày 30 Tết).

 

Khi được hỏi về khả năng xảy ra sự cố với các máy ATM dịp giáp Tết khi số lượng khách hàng đến rút tiền tại hệ thống ATM tăng đột biến, tất cả các ngân hàng được hỏi đều khẳng định: Khách hàng sẽ được đảm bảo an toàn và thuận tiện ở mức cao nhất. Tuy nhiên, điều mà các ngân hàng đều thừa nhận là có thể xảy ra những “trục trặc nhỏ” do ATM hết tiền hoặc bị “out of service”… trong một vài thời điểm khi số lượng giao dịch tăng quá lớn.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của Thanh Niên, năm 2009 – 1 năm kể từ thời điểm nhiều công ty, đơn vị hành chính, sự nghiệp trả lương đồng loạt qua ATM – số lượng thẻ ATM mới tăng cực mạnh. Tính đến cuối năm 2008, tổng số lượng thẻ ATM của các ngân hàng trên toàn quốc vào khoảng 14 triệu, trong khi đó thì số lượng máy ATM chỉ vào khoảng 7.000 chiếc.

Với việc số thẻ tăng quá nhanh trong khi số lượng máy ATM tăng không tương xứng, các sự cố về ATM trong dịp Tết sắp đến là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trao đổi với Thanh Niên chiều 14.1, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về thẻ ATM tại Việt Nam thừa nhận: “Đầu tư mở rộng hệ thống ATM của các ngân hàng chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của số lượng thẻ”.    

“Ứng cứu” các điểm nóng

Do không thể gấp rút đầu tư lắp đặt thêm máy ATM mới, các ngân hàng tập trung chủ yếu vào việc làm cho hệ thống ATM vận hành tốt hơn vào dịp giáp Tết. Các biện pháp phổ biến được áp dụng là chuẩn bị nhiều xe nạp tiền hơn, cử thêm nhiều nhân viên ứng trực 24/24 giờ để đề phòng các sự cố có thể xảy ra cũng như xử lý các sự cố nhỏ.

Tất cả ngân hàng đều chuẩn bị các đội lưu động để nạp tiền liên tục cho các điểm nóng ATM (địa điểm thường có nhiều người rút tiền) để tránh tình trạng máy ATM hết tiền. Riêng Ngân hàng cổ phần Đông Á còn đưa vào hoạt động 2 xe ATM lưu động để “ứng cứu”. Trên mỗi xe chuyên dụng chở máy ATM, Ngân hàng Đông Á bố trí 4 máy ATM được kết nối không dây qua hệ thống mạng của EVN Telecom. Hai xe này sẽ được dùng phục vụ chủ yếu tại các khu công nghiệp lớn ở Hà Nội và TP.HCM, vào các thời điểm công nhân đồng loạt đi rút tiền từ máy ATM để về quê ăn Tết.

 

Hồng Minh – Hoàng Ly