Chinh phục đất nhiễm phèn thu nhập hàng trăm triệu đồng
Ông Dương Văn Dóc (66 tuổi, quê gốc ở Bến Tre) đã ‘bỏ xứ’ đến vùng đất phèn H.Tân Phước (Tiền Giang) lập nghiệp với nghề trồng mai trên liếp khóm, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chinh phục đất nhiễm phèn thu nhập hàng trăm triệu đồng
Ông Dương Văn Dóc (66 tuổi, quê gốc ở Bến Tre) đã ‘bỏ xứ’ đến vùng đất phèn H.Tân Phước (Tiền Giang) lập nghiệp với nghề trồng mai trên liếp khóm, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Quê gốc ở xã An Thới, H.Chợ Lách (Bến Tre), nơi được mệnh danh là vương quốc hoa kiểng và trái cây với nhiều tỉ phú, nhưng ông Dương Văn Dóc (66 tuổi) lại “bỏ xứ” đến vùng đất phèn H.Tân Phước (Tiền Giang) lập nghiệp với nghề trồng mai trên liếp khóm, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Dóc kể trước đây nhà ông nghèo, đông anh em, lại chỉ có 2.700 m2 đất. Vì vậy, ông quyết định bỏ quê, đưa gia đình tới ấp Hưng Quới, xã Hưng Thạnh, H.Tân Phước (Tiền Giang), nơi nổi tiếng là thiên nhiên khắc nghiệt vì đất bị nhiễm phèn, để lập nghiệp.
Trên diện tích 1,8 ha, ông trồng rừng dầu gió, sau đó chuyển 1,5 ha sang trồng khóm. Nhưng trồng khóm nhiều năm mà vẫn không giàu được vì thị trường tiêu thụ bấp bênh. Mỗi lần thu hoạch gần 20 tấn nhưng giá nào cũng phải bán, không bán thì bỏ. Trồng khóm 17 năm, nhiều năm trúng mùa, nhưng chỉ mới 2 năm 2015 và 2016 bắt đầu… trúng giá.
Cách đây 10 năm, khi về Chợ Lách thấy người ta tìm mua cây mai vàng nhỏ đem về thuần dưỡng, cắt gốc rồi đem ghép với mai nhiều cánh để bán, ông Dóc nghĩ đất của mình còn quá rộng nên mua hạt mai đem lên Tân Phước ươm, rồi vô bầu xong đem ra trồng xen trên liếp khóm. Chỉ mới học xong lớp 8 nhưng ông Dóc phân tích giống như là kỹ sư trồng trọt: “Cây mai nuôi cứ 10 bữa cho ăn (bón phân) một lần. Nước thì không để thiếu cũng không để ngập nước.
Thiếu nước chỉ làm cho cây bị suy, nhưng ngập nước có thể khiến cây mai chết. Bón phân cho mai cũng giống như ăn cơm lường. Ví dụ cây cao 5 tấc, cần tưới 5 gr phân bón thì phải có dụng cụ để lường, đếm rồi đem ngâm, pha loãng ra để tưới. Chẳng hạn 1 kg phân ngâm với 5 lon nước thì 1 lon chứa 200 gr phân. 200 gr đổ vào xô nước 16 lít tương đương 40 lon tưới. Vậy thì 1 lon tưới bằng 5 gr phân bón cho một gốc mai. Chậu 4 tấc thì tưới 1 lon, chậu 6 – 7 tấc thì tưới 2 lon”.
Theo ông Dóc, mai từ khi ghép đến ít nhất 2 năm sau mới bán được. Vì vậy, để có một gốc mai vừa ý, bán được giá, phải tốn thời gian và rất nhiều công sức. Cây mai mới ghép năm đầu thường chỉ ra 9 – 10 cánh. Chừng 5 – 7 năm sau mới ra được 12 cánh hoặc nhiều hơn. Ghép xong còn phải chăm sóc, tạo dáng cho cây. Dáng càng đẹp thì giá càng cao. “Trồng mai là nghề phụ, khóm mới là chính. Nhưng năm 2014 tui bán hơn 100 gốc mai, kiếm được chừng trăm triệu đồng”, ông Dóc cho biết.
Tết Đinh Dậu này, ông Dóc chuẩn bị khoảng 600 gốc mai, nhưng đợt nước mặn hồi đầu năm đã làm rụi hết 160 gốc. Ngoài ra, sau những cơn mưa trái mùa kéo dài, nhiều cây mai đã trổ bông lác đác. Để đối phó với những cơn mưa trái mùa, ông Dóc cho biết thường sau khi mưa ông phải kéo ống tưới xả ngập lênh láng toàn bộ vườn mai, để tránh cho cây bị… stress, vì nhiệt độ thay đổi đột ngột. “Con người còn thấy khó chịu vì trời đang nắng đổ mưa, trong khi cây mai rất mẫn cảm với nhiệt độ cao. Càng nóng mai trổ càng sớm. Nhưng có người không hiểu nói tui bị… khùng. Trời vừa mưa lại còn kéo ống tưới”, ông Dóc cười.
Ngoài 3.000 m2 trồng tập trung, ông Dóc còn trồng xen mai ở rìa liếp khóm. Theo ông, lợi thế trồng xen là nhẹ công chăm sóc. Vì khi chăm sóc khóm thì coi như chăm sóc mai. Chu kỳ của cây khóm khoảng 3 năm thì phá bỏ. Lúc đó cây mai đã lớn, có thể cắt để ghép. “Quan trọng nhất là khâu tưới. Tưới nhiều quá hoặc ít quá đều không tốt. Ví dụ cây mai đang sung, tưới thừa nước sẽ làm suy cây hoặc gây sốc, trổ bông sớm. Còn tưới ít thì cây mất sức, trổ không nổi hoặc rụng lá”, ông Dóc chia sẻ.
Bạn đọc quan tâm đến nghề trồng mai, có thể liên hệ ông Dóc qua số điện thoại 01673077473 để được tư vấn.
|
Hoàng Phương