Bóng ma chia rẽ dưới thời ông Trump
Cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và nghị sĩ da màu John Lewis báo hiệu nguy cơ chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ.
Bóng ma chia rẽ dưới thời ông Trump
Cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và nghị sĩ da màu John Lewis báo hiệu nguy cơ chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ.
Khi chỉ còn vài ngày nữa diễn ra lễ nhậm chức, ông Trump đã liên tiếp chỉ trích nghị sĩ đảng Dân chủ đại diện cho bang Georgia – John Lewis, dẫn đến làn sóng phản đối và tẩy chay của nhiều nghị sĩ. Ngày 15.1, ông Trump viết trên Twitter: “Nghị sĩ John Lewis rốt lại nên tập trung vào các thành phố có nhiều vụ đốt phá và tội phạm”. Đây là lời đáp trả sau khi ông Lewis cho rằng ông Trump không phải là “tổng thống hợp pháp” của Mỹ.
Trả lời phỏng vấn NBC News, ông Lewis cho rằng ông Trump đắc cử nhờ phía Nga tấn công mạng và can thiệp vào cuộc bầu cử. “Bạn không thể thoả hiệp với điều bạn thấy sai”, ông Lewis nói.
Làn sóng tẩy chay
Thái độ “ăn thua đủ” của ông Trump gây nên phản ứng dây chuyền khi ông Lewis và hàng loạt nghị sĩ khác tuyên bố sẽ tẩy chay lễ nhậm chức vào ngày 20.1. Danh sách này không ngừng tăng lên và đến hôm qua, ít nhất 18 nghị sĩ đảng Dân chủ đã tuyên bố không tham dự. Con số 18 nghị sĩ tẩy chay không nhiều so với 535 thành viên lưỡng viện quốc hội nhưng đây lại là sự phá vỡ truyền thống.
Nghị sĩ New York – Yvette Clarke xác nhận bà sẽ không tham dự lễ nhậm chức vì “xúc phạm John Lewis là xúc phạm cả nước Mỹ”. Nghị sĩ bang Arizona – Raul Grijalva thì cho rằng ông sẽ vắng mặt nhằm “bảo vệ hàng triệu người Mỹ trước sự thiếu tôn trọng của chính quyền sắp tới”. Thậm chí bà Nydia Velazquez, một nghị sĩ khác ở New York, tuyên bố sẽ tham gia cuộc đại biểu tình ngày 21.1 để phản đối chính sách gây bất lợi cho phụ nữ, còn nghị sĩ bang California – Barbara Lee cho biết bà sẽ “chuẩn bị và tổ chức cho sự phản kháng”. Trong khi đó, ca sĩ Jennifer Holliday khẳng định sẽ rút lui khỏi buổi diễn mừng lễ nhậm chức diễn ra tại Washington vào đêm 19.1 để tránh bị hiểu lầm là ủng hộ ông Trump.
Phản ứng của ông Trump đối với ông Lewis cũng đã kích động cuộc biểu tình của khoảng 2.000 người, phần lớn là người da màu, diễn ra tại gần đài tưởng niệm nhà hoạt động Martin Luther King Jr. ở Washington hôm 13.1. Nhiều người da màu cũng tham gia biểu tình tại Tháp Trump ở New York.
Theo Reuters, có khoảng 30 nhóm phản đối ông Trump đã được cấp phép biểu tình trong dịp lễ nhậm chức và những ngày sau đó. Hàng ngàn người cũng đã tuyên bố sẽ can thiệp khiến lễ nhậm chức không thể diễn ra. Cuộc biểu tình lớn nhất do Tổ chức Women’s March khởi xướng dự kiến diễn ra vào ngày 21.1 với khoảng 200.000 người tham gia. Cảnh sát Washington và mật vụ đã lên kế hoạch điều thêm 3.000 nhân viên và 5.000 vệ binh quốc gia trước nguy cơ đe doạ an ninh gia tăng.
TIN LIÊN QUAN
Mỹ đề phòng nguy cơ tấn công trong ngày ông Trump nhậm chức
Mỹ cảnh giác trước nguy cơ các phần tử cực đoan dùng xe tải hoặc máy bay không người lái (UAV) để tấn công khủng bố trong ngày ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống (20.1).
Tỷ lệ ủng hộ thấp
Theo nhiều cuộc thăm dò dư luận mới đây, ông Trump là tổng thống đắc cử ít được quần chúng ủng hộ nhất trong các đời tổng thống đắc cử Mỹ gần đây. Tờ International Business Times dẫn khảo sát của tổ chức thăm dò dư luận Gallup cho biết chỉ 44% người dân ủng hộ chính quyền mới của ông Trump, 51% phản đối. Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama lúc vừa đắc cử năm 2008 đã nhận được sự ủng hộ của 83% người dân Mỹ và tỷ lệ ủng hộ đối với ông George W.Bush lúc vừa đắc cử cũng đạt 61%.
Theo Gallup, người Mỹ ít ủng hộ ông Trump một phần là do các vị trí nội các ông đề xuất. Khảo sát được thực hiện trên 1.032 người dân Mỹ cho thấy 44% người xếp hạng các thành viên nội các sắp tới dưới trung bình hoặc kém. “Cách biệt lớn trong quan điểm tích cực và tiêu cực về sự lựa chọn các vị trí nội các của ông Trump cho thấy sự phân cực cao độ khi ông Trump nhậm chức”, Gallup nhận định.
Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew có trụ sở ở Washington cho thấy 55% phản đối chính sách của ông Trump, trong khi một khảo sát khác của Đại học Quinnipiac thực hiện cho thấy 53% người được hỏi nhận định ông Trump “thiếu trung thực”.
Hiểm hoạ khủng bố xe tải
Tờ USA Today đưa tin chính quyền Mỹ đang ráo riết chuẩn bị các kế hoạch tăng cường an ninh tại toà nhà quốc hội Mỹ, nơi ông Trump sẽ tuyên thệ và đọc diễn văn nhậm chức. Các lãnh đạo sẽ được bảo vệ bởi hệ thống khiên chắn bằng kính chống đạn, lực lượng bắn tỉa bảo vệ cũng được triển khai tại các toà nhà xung quanh. FBI cũng sẽ lắp đặt các máy dò sinh học, hoá học và bức xạ quanh khu vực này.
Bộ trưởng An ninh nội địa Jeh Johnson cho biết dù chưa có “mối đe doạ cụ thể hay rõ ràng” nào, lực lượng an ninh đang tăng cường khả năng ứng phó với nguy cơ xảy ra các vụ tấn công bằng xe tải tương tự vụ tấn công tại Berlin (Đức) vào tháng trước hay vụ xe tải lao vào đám đông khiến 86 người chết tại Nice (Pháp) vào năm ngoái. Cảnh sát Washington cũng cho biết họ đã nắm được thông tin về một số người tuyên bố sẽ cản trở các sự kiện tại buổi lễ.
Cũng trong ngày 15.1, tờ Sunday Times đưa tin ông Trump dự kiến sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, dự kiến diễn ra tại Iceland vài tuần sau lễ nhậm chức. Tuy nhiên hai phụ tá giấu tên của ông Trump đã bác bỏ thông tin này, theo Reuters.
|
TIN LIÊN QUAN
Điện Kremlin bác bỏ tin ông Putin sẽ gặp ông Trump tại Iceland
Điện Kremlin và người phát ngôn của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đều bác bỏ thông tin ông Trump sẽ có cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin trong chuyến công du đầu tiên đến Iceland ngay sau khi nhậm chức.
Khánh An