10/01/2025

Thuế ‘thổi bay’ thưởng tết

Trong khi các doanh nghiệp chỉ phải nộp thuế 20%, người trúng vé số triệu USD 10%, thì cán bộ công chức, người làm công ăn lương… đang hoa mắt, ù tai, méo mặt phải nộp thuế thu nhập cá nhân quá nhiều, quá dày, quá cao.

 

Thuế ‘thổi bay’ thưởng tết

Trong khi các doanh nghiệp chỉ phải nộp thuế 20%, người trúng vé số triệu USD 10%, thì cán bộ công chức, người làm công ăn lương… đang hoa mắt, ù tai, méo mặt phải nộp thuế thu nhập cá nhân quá nhiều, quá dày, quá cao.




Thuế suất thu nhập cá nhân quá cao sẽ vắt kiệt sức của người dân
 /// Ảnh: Ngọc Thắng

Thuế suất thu nhập cá nhân quá cao sẽ vắt kiệt sức của người dânẢNH: NGỌC THẮNG
Niềm vui ngắn chẳng tày gang
Chị N.T.H (ngụ Q.3, TP.HCM), cán bộ một đơn vị sự nghiệp có thu của nhà nước khu vực phía nam, cho biết thứ sáu tuần trước cơ quan gửi email (hộp thư) thông báo thưởng tết. Năm nay doanh số, lợi nhuận tăng mạnh nên thưởng có khá hơn, gấp đôi năm ngoái. Liếc qua mấy cột thưởng đầu tên, thấy mình xếp loại A, được thưởng khoảng 30 triệu đồng, chị H. cười tươi như đi hội.
Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, vừa kéo chuột xuống dưới thì ô khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đập thẳng vào mắt. Chị bị khấu trừ 50%, mất 15 triệu đồng. Quá sốc và choáng, bấm máy gọi điện thoại cho phòng kế toán hỏi thì được phản hồi do thu nhập ở mức 10 – 18 triệu đồng/tháng, phải chịu thuế suất 15%. Trong năm khấu trừ chưa đủ nay phải khấu trừ vào tiền thưởng để bù lại. Khấu trừ ở đây là số tiền tạm thu theo quy định để đến mùa quyết toán (thường vào tháng 3 hằng năm) các cá nhân sẽ ra làm thủ tục. Nếu thiếu thì phải nộp thêm, còn thừa thì được nhận lại. “Làm quần quật cả năm, hy vọng nhận được ít tiền thưởng lại bị trừ thuế mất một nửa. Thế này thì còn nuôi dưỡng, khích lệ với động viên người ta lao động, sáng tạo gì nữa”, chị H. chán nản.
Dự định năm nay nhận ít tiền thưởng tết rồi bố trí cho cả nhà đi du xuân, nhưng cô Nguyễn Thị Huệ (ngụ Q.Cầu Giấy, Hà Nội), có thu nhập bình quân 100 triệu đồng/tháng, sau khi trừ đi các khoản giảm trừ cô phải đóng thuế khoảng 25 triệu đồng/tháng. Tháng nào nhận lương cũng bị khấu trừ mất 10 – 15 triệu đồng để tạm ứng.
“Năm nay các dự án làm ăn của viện cũng có khởi sắc nên thưởng tết khá hơn, nhưng hôm rồi nhận bị trừ đến 70%. Họ nói tôi phải nộp gần hết số thưởng vì còn đang nợ thuế gần 100 triệu đồng trong cả năm 2016”, cô Huệ sầu não.
Một tay cầm tờ xổ số “triệu USD” Vietlott trên tay, tay còn lại vê vê mấy đồng thưởng tết, anh Phương (ngụ Hà Nội) ngán ngẩm ngửa cổ than trời về sự bất công. Trong khi người trúng Vietlott 90 tỉ nộp thuế 9 tỉ, 50 tỉ nộp thuế có 5 tỉ đồng… tức tỷ lệ chỉ 10% thì anh Phương cho biết một nhân viên viết phần mềm trên mạng như anh cứ làm được đồng nào bị “vét” sạch đồng đó. “Người ta trúng số cả trăm tỉ đồng nộp có chục tỉ, mình đây làm được chục triệu đồng tháng cũng phải è cổ ra đóng thuế. Đó là chưa kể còn phải nuôi con, ăn uống, sinh hoạt, khám bệnh”, anh Phương nói.
Doanh nghiệp đóng ít hơn cá nhân
 
 
Thuế 'thổi bay' thưởng tết - ảnh 1
Tập trung điều tiết vào người có thu nhập cao thôi, còn bậc thấp thu không đáng là bao nên giảm để có thể khuyến khích, động viên được người làm công ăn lương

Thuế 'thổi bay' thưởng tết - ảnh 2
 
TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế
 

Mức thuế suất Thuế TNCN quá cao, quá dày và khấu trừ thuế quá khủng khiếp, trong khi chi phí giảm trừ gia cảnh (9 triệu đồng cá nhân người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/người phụ thuộc) không đáng là bao, khiến sắc thuế này đang trở thành gánh nặng thực sự của nhiều người làm công ăn lương, nhiều gia đình.

Đóng thuế là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân, nhưng theo PGS-TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế, nếu cứ điều tiết kiểu tận thu như hiện nay thì chẳng mấy chốc người dân sẽ kiệt sức. Kể từ năm 1999 – 2016, theo ông Long, nếu như thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được điều chỉnh giảm từ mức 32% xuống chỉ còn 20% thì thuế TNCN tăng vọt. Mức tăng có thể nhìn thấy ngay khi thuế suất trước khi luật Thuế TNCN ra đời (2009) đối với người thu nhập trung bình hầu như không đáng kể thì nay đang chia làm 7 bậc, với thuế suất cao nhất lên tới 35%.
Chính vì vậy, trong khoảng 6 năm trở lại đây, tỷ trọng thu ngân sách thuế TNDN tăng thì thuế TNDN có bước nhảy vọt. Cụ thể, theo Bộ Tài chính, số thu ngân sách năm 2010 khoảng 26.000 tỉ đồng thì năm 2016 đã tăng gấp hơn hai lần, khoảng 57.000 tỉ đồng. Nhìn sang phía khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng vậy, các “ông lớn” ngoại quốc này được ưu đãi đủ thứ từ miễn tiền thuê đất, miễn thuế trong các năm đầu, giảm thuế những năm sau, xây dựng hạ tầng… còn các cá nhân thì trong suốt chục năm qua chưa năm nào được giảm thuế, dù chỉ là ý tưởng của người làm chính sách.
 
Chưa hết, hiện nay không có quốc gia nào đánh thuế kiểu tận thu “sát sàn sạt”, lại còn rối tinh rối mù như của VN. Thuế chia 7 bậc, thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng thuế suất 5%; trên 10 – 18 triệu đồng thuế suất 10%; 18 – 32 triệu đồng thuế suất 20%… tương tự cho đến bậc cao nhất trên 80 triệu đồng thuế 35%.
Mức đánh thuế quá dày ở các bậc bên dưới, theo ông Long, đang khiến người làm công ăn lương, sau khi trừ đi chi phí nuôi con ăn học, sinh hoạt, khám chữa bệnh… thì gần như chẳng còn là bao. Thạc sĩ Trần Quốc Hùng (Trường đại học Hùng Vương), trong một nghiên cứu gần đây, cũng chỉ ra rằng mức thuế suất cao nhất 35% hiện nay là cao. Cùng với khoảng cách thu nhập giữa các bậc thuế còn dày dẫn đến mức điều tiết thuế tăng nhanh ở các bậc thuế sau, nên những người nộp thuế ở bậc 6, bậc 7 cho rằng chưa khuyến khích người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành giỏi ra sức lao động.
Theo ông Hùng, hiện có rất ít người nộp thuế ở bậc thuế cao nhưng đóng góp số thuế rất lớn: 0,18% số người nộp thuế ở bậc 7 đóng góp số thuế là 17,3%; trong khi 73,32% số người nộp thuế ở bậc 1 nhưng số thuế chỉ chiếm 10,06% tổng số thuế. Mức thuế cao sẽ làm giảm tính cạnh tranh nội bộ quốc gia và quốc tế trong thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, nhân lực, lao động có tay nghề cao vào VN làm việc.
Thiếu bình đẳng
Thuế cao, dày, cách tính rối rắm đã đành nay lại còn bất bình đẳng càng khiến nhiều người bức xúc. Nếu các chuyên viên viết phần mềm, kỹ sư đến cán bộ công chức, viên chức… bị kiểm soát chặt thu nhập, đánh thuế tận răng thì không ít ngôi sao giải trí hạng A “chạy sô” mỗi đêm hàng trăm triệu đồng mà thuế không nộp đồng nào, nếu có cũng chỉ là “đếm trên đầu ngón tay”. Nhìn rộng hơn, cách đánh thuế hiện nay rất lắt nhắt, kiểu nhặt bạc cắc và túm người có tóc, không túm được kẻ trọc đầu.
Theo các chuyên gia kinh tế, ngành thuế đang có vẻ như chọn chỗ dễ, nhưng ít tiền thu cho nhanh hơn là đi vào chỗ khó, thu được nhiều. Google, Facebook, Coca Cola, Pepsi, Keangnam… một loạt ông lớn ưu đãi tràn ngập nhưng không nộp thuế, nộp thuế ít ỏi thì ta không tập trung vào đánh thuế. Đằng này cứ áp thuế suất cao, nhè người dân ra để tận thu. Là năng lực yếu kém không thu được hay vì chính sách của chúng ta chọn chỗ dễ, bỏ chỗ khó?
Nhìn sang các nước, Malaysia hiện nay chính sách thuế rất khoan sức dân, họ chỉ áp mức thấp nhất 1% và cao nhất 28%. Thái Lan chỉ chia thuế làm 3 bậc rất dễ hiểu, dễ áp dụng và hợp lý, trong đó mức thấp nhất 5% và cao nhất 37%. Ở mức 5% Thái Lan đánh thuế rất thấp, thu nhập đến 2.000 USD mới phải nộp, còn với mức 37% dồn vào đánh thuế người có thu nhập cao. Hàn Quốc, Nhật Bản cũng chỉ áp 3 và 4 bậc thuế, ở bậc thấp 5 – 10% mức thu không đáng kể, số thu chủ yếu điều tiết từ những người ở bậc trên.
“Xu hướng chung của các nước là để mức thuế suất cao nhất trong biểu thuế TNCN gần sát với mức thuế TNDN phổ thông (hiện 20% – PV). Điều này nếu làm được thì cũng tốt, nhưng quan điểm của tôi thuế ở ta cũng chỉ nên có 3 – 4 bậc. Tập trung điều tiết vào người có thu nhập cao thôi, còn bậc thấp thu không đáng là bao nên giảm để có thể khuyến khích, động viên được người làm công ăn lương”, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, khuyến nghị.

 

Tiêu Phong