Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị quỵt tiền
Không trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức thương mại điện tử; không tìm hiểu kỹ thị trường, năng lực đối tác… nên nhiều doanh nghiệp Việt bị “bạn hàng” nước ngoài lợi dụng gài bẫy, lừa đảo, quỵt tiền.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị quỵt tiền
Không trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức thương mại điện tử; không tìm hiểu kỹ thị trường, năng lực đối tác… nên nhiều doanh nghiệp Việt bị “bạn hàng” nước ngoài lợi dụng gài bẫy, lừa đảo, quỵt tiền.
Hàng đã nhận, tiền không trả
Công ty CP Vĩnh Hoàn (Vinh Hoan Corp) tại Đồng Tháp vừa trở thành nạn nhân mới nhất bị quỵt tiền khi xuất lô hàng cá tra phi lê đông lạnh từ VN sang thủ đô Cairo, Ai Cập cho Công ty Al-Reda Group For Trading and Development. Vĩnh Hoàn cho biết, Al-Reda mua hàng từ tháng 6.2015 với tổng giá trị đơn hàng hơn 58.800 USD. Mặc dù từ thời điểm đó đến tháng 12.2016, công ty nhiều lần gửi thư yêu cầu thanh toán nhưng Al-Reda luôn lẩn tránh với nhiều lý do. Ngày 12.1.2017, Hiệp hội Thuỷ sản VN (VASEP) đã đăng cảnh báo: “Các doanh nghiệp (DN) hội viên khi giao dịch với khách hàng này và cẩn trọng hơn khi kinh doanh với đối tác nước ngoài nhằm tránh rủi ro trong việc thanh toán”.
Vĩnh Hoàn chỉ là một trong số rất nhiều DN gặp nạn. Ngày 26.12.2016, vẫn VASEP cho biết, đã có một vài DN thủy sản đứng trước nguy cơ mất hàng trăm nghìn USD với khách hàng ECHOPACK INC, đại diện bởi người có tên Jason Brown, có địa chỉ tại: 5084 Francois, Cusson Lachine, Quebec, Canada. Các lô hàng xuất khẩu đều được sử dụng thanh toán qua Ngân hàng General Equity (đại diện cho Công ty Echopack tại Level 4, General Equity house, 17 Albert street, Auckland 1010, New Zealand), bằng hình thức L/C (chứng thư bảo lãnh) 60 ngày từ ngày Bill of Lading (vận đơn) và có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của CFIA (Cơ quan Kiểm soát thực phẩm của Canada).
Thủ đoạn của đối tác Canada này tinh vi, làm sai lệch chữ ký ngay từ khi ký hợp đồng. Sau đó, cài vào điều khoản chỉ cho ngân hàng đại diện phía Canada chuyển tiền khi chữ ký tại hợp đồng trùng khớp với chữ ký tại vận đơn. VASEP nhận định, cả ngân hàng và đối tác Canada đã liên kết với nhau để cố tình không trả tiền cho các DN VN. Bên cạnh đó, có thông tin rằng, Ngân hàng General Equity tại New Zealand đã đóng cửa từ năm 2014 nhưng vẫn mở được L/C và chuyển điện về VN.
Chọn bạn làm ăn, “soi” kỹ hợp đồng
Ông Keith Stillings, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn tài chính Assurance Global (Mỹ), cho biết trước áp lực của việc mở rộng thị trường, gia tăng doanh số, các DN xuất khẩu thường tìm đến những khách hàng mới khi chưa nắm rõ thông tin. Điều này có thể mang đến những rủi ro về tín dụng hoặc bị lừa đảo nếu DN không điều tra thông tin rõ ràng. Chỉ tính riêng trong năm 2015, xuất khẩu của VN đã mất khoảng 8 tỉ USD từ các công ty nước ngoài do không thu hồi được nợ, hoặc bị lừa đảo.
Để tránh rơi vào bẫy của các DN nước ngoài, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đề nghị Hiệp hội Thủy sản đặt ưu tiên hàng đầu việc tìm hiểu thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài, đặc biệt các đối tác với giao dịch, đối tác tìm được qua kênh trung gian. Đồng thời, cũng lưu ý DN xuất khẩu trong quá trình thực hiện giao dịch có thể cân nhắc việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng (như xác nhận thư tín dụng, chiết khấu miễn truy đòi, bao thanh toán XK…) để có thêm sự đảm bảo cho khả năng đòi tiền từ phía ngân hàng cung cấp dịch vụ, cũng như hỗ trợ DN tìm hiểu đánh giá các thông tin về đối tác nhập khẩu, đơn vị phát hành thư tín dụng.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) đã gửi công văn đến VASEP đề nghị cùng phối hợp hỗ trợ DN. BIDV cho rằng, hợp đồng mua bán luôn là cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa các bên, do đó các DN cần quy định chặt chẽ các điều khoản bảo vệ quyền lợi của mình (đặc biệt là điều khoản về cơ quan giải quyết tranh chấp, khiếu nại), tránh các trường hợp bất lợi cho DN khi phát sinh tranh chấp. “Đối với khâu thanh toán, lưu ý tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, qua đó xem xét lựa chọn các phương thức và điều kiện thanh toán hợp lý, đảm bảo lợi ích cho DN”, BIDV khuyến nghị.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC), cho rằng các DN xuất khẩu nên biết lựa chọn đâu là bạn, đâu là đối tác và phải soi kỹ hợp đồng. Trong giao dịch thương mại quốc tế và kể cả giữa các DN trong nước với nhau, các DN không thể chủ quan và quá vội vàng vì bất kỳ lý do nào. Những nguyên tắc cơ bản như tính pháp lý của các hợp đồng, tìm hiểu đối tác, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, dịch vụ, cách thức chi trả, cơ quan giải quyết tranh chấp… đều phải tính đến từ trước. Chỉ cần một sơ sót nhỏ trong giai đoạn tiền giao dịch thương mại, hậu quả có thể sẽ vô cùng lớn.
Đồng thời, phải chú ý hơn đối với những thương nhân giao dịch lần đầu. Bên cạnh đó, DN cần cảnh giác với yếu tố “giá bất thường” so với cung – cầu thị trường, vì đây là những cái bẫy mà các DN nước ngoài chuyên lừa đảo tạo ra ngày càng nhiều khi VN tham gia các hiệp định thương mại tự do.
Trước đó, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Vecita), Bộ Công thương cho biết đã tiếp nhận thông tin về trường hợp DN VN bị lừa đảo tài chính trong quá trình giao dịch với đối tác tại nước ngoài. Cụ thể, tháng 6.2016, một DN tại TP.HCM ký hợp đồng mua bán nguyên liệu hạt nhựa với đối tác tại Singapore. Hai bên là đối tác thường xuyên, đã nhiều lần thanh toán qua ngân hàng tại Singapore.
Trong tháng 6, DN Việt nhận được email từ đối tác Singapore thông báo lý do công ty đang bị kiểm toán nên yêu cầu đơn vị này thanh toán qua tài khoản ngân hàng tại Cộng hòa Czech (kèm theo là chứng từ ủy quyền). Tên tài khoản tại ngân hàng này cũng là tên DN đối tác. 2 ngày sau, DN Việt thực hiện chuyển tiền. Tuy nhiên một tuần sau, công ty liên lạc với đối tác tại Singapore thì họ cho biết không có yêu cầu như vậy và không có ngân hàng tại Cộng hòa Czech.
|
Anh Vũ