04/01/2025

Tên lửa tư nhân qua mặt các tập đoàn truyền thống

Đây chỉ là một vụ phóng biểu diễn nhưng mở ra viễn ảnh đưa con người lên Mặt trăng và sao Hoả. Tổng thống Donald Trump phải ngợi khen sau vụ phóng tên lửa thành công của SpaceX.

 

Tên lửa tư nhân qua mặt các tập đoàn truyền thống

Đây chỉ là một vụ phóng biểu diễn nhưng mở ra viễn ảnh đưa con người lên Mặt trăng và sao Hoả. Tổng thống Donald Trump phải ngợi khen sau vụ phóng tên lửa thành công của SpaceX.



 

Tên lửa tư nhân qua mặt các tập đoàn truyền thống - Ảnh 1.

Tên lửa Falcon Heavy bắt đầu chuyến du hành lịch sử chiều 6-2 từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Mũi Canaveral, bang Florida – Ảnh: Reuters

Vụ phóng gần như thành công trọn vẹn của tên lửa Falcon Heavy lúc 15h45 ngày 6-2 (giờ địa phương) đã khiến giới hàng không không gian phải ngả mũ khen ngợi. Tên lửa ba tầng cao 70m, đường kính 12m này là tên lửa đẩy hạng nặng đầu tiên của Công ty SpaceX và được xem là tên lửa mạnh nhất hiện nay.

Tôi nghĩ rằng vụ phóng này sẽ khuyến khích các nước khác và các doanh nghiệp khác ngẩng đầu lên và nói chúng ta có thể làm tốt hơn, chúng ta có thể làm những chuyện vĩ đại hơn

Tỉ phú Mỹ Elon Musk

Tên lửa mạnh nhất

Tên lửa Falcon Heavy đã được phóng đi từ bãi phóng 39A của Trung tâm vũ trụ Kennedy gần Mũi Canaveral (bang Florida). Vụ phóng được phát trực tiếp trên mạng xã hội với hàng triệu người theo dõi.

Tên lửa chở theo một chiếc ôtô thể thao màu đỏ mui trần Tesla, thường do tỉ phú Elon Musk cầm lái. Ngồi trên ghế lái là một hình nhân mặc bộ đồ du hành. Hình nhân mang tên Starman, tên ca khúc do ca sĩ – nhạc sĩ – diễn viên người Anh David Bowie sáng tác. Tên lửa đẩy Falcon Heavy gồm tên lửa chính và hai tên lửa phụ ở hai bên. Hai phút sau khi phóng, hai tên lửa phụ tách ra rơi gần như cùng lúc xuống hai bãi đáp dự kiến tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở vị trí cách nhau chỉ vài chục mét.

 

Theo kế hoạch, tên lửa chính không rơi xuống đất liền mà sẽ rơi trên một chiếc sà lan tự hành trên Đại Tây Dương. Sà lan sẽ chạy đến địa điểm đón khớp với thời gian tên lửa chính hạ cánh. Song do chỉ có một trong ba động cơ hoạt động, cuối cùng tên lửa chính rơi chệch mục tiêu, cách sà lan khoảng 100m và bị phá huỷ. Sà lan cũng bị hư hại một phần.

Khi tầng cuối cùng của tên lửa chính khai hỏa, xe ôtô thể thao chở hình nhân Starman đã được phóng vào quỹ đạo thấp. Dự kiến chiếc xe sẽ rời quỹ đạo Trái đất đi vào quỹ đạo Mặt trời và trong tương lai có thể bay gần quỹ đạo sao Hoả. Dù có trục trặc về công đoạn tên lửa chính rơi xuống đất, vụ phóng tên lửa hạng nặng Falcon Heavy xem như thành công và dự báo sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh hấp dẫn trong lĩnh vực tên lửa phóng không gian vốn lâu nay chỉ thuộc về các tập đoàn lớn có nhà nước chống lưng.

Falcon Heavy được xem là tên lửa đẩy mạnh nhất thế giới hiện nay vì được lắp tổng cộng 27 động cơ Merlin. Lực đẩy khi tên lửa cất cánh đạt 2.500 tấn, tương đương lực đẩy của 18 máy bay Boeing 747, hơn hẳn tên lửa Ariane 5 của châu Âu hay tên lửa Delta IV Heavy của Mỹ.

Tên lửa tư nhân qua mặt các tập đoàn truyền thống - Ảnh 3.

Người dân tập trung xem cảnh tên lửa Falcon Heavy bay vào không gian hôm 6-2 – Ảnh: REUTERS

Giá rất cạnh tranh

Đây không phải lần đầu tên lửa đưa xe vào không gian vì chương trình tàu vũ trụ Apollo đã từng đưa xe tự hành lên Mặt trăng. Tuy nhiên, xe thể thao được tên lửa Falcon Heavy đưa lên không gian giờ đây chắc chắn lập kỷ lục di chuyển nhanh nhất với vận tốc 12km/giây trong quỹ đạo. Điều thú vị nữa là Falcon Heavy của Công ty SpaceX còn có thể chở 63,8 tấn hàng lên quỹ đạo thấp, 26,7 tấn lên quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh hoặc 16,8 tấn lên sao Hỏa, trong khi tên lửa Ariane 5 chỉ đưa được 11 tấn.

SpaceX còn tự tin khẳng định Falcon Heavy có thể mang trọng tải hai lần lớn hơn tên lửa Delta IV Heavy mạnh nhất hiện nay. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã triển khai phát triển hệ thống phóng tên lửa không gian SLS có trọng tải lớn hơn nhưng phải đợi đến năm 2020 mới bắt đầu thử nghiệm. Nhưng điều khiến nhiều tập đoàn tên lửa có sự chống lưng của nhà nước lo lắng chính là việc tỉ phú Elon Musk đã làm được điều mà ông thường bị cho là huênh hoang: đi vào không gian với chi phí thấp.

Chi phí cho một lần phóng tên lửa Falcon Heavy chỉ tốn 90 triệu USD, bằng 1/5 so với phóng Delta IV Heavy và chưa tới 1/10 so với phóng SLS (1 tỉ USD). Tính cụ thể giá thành 1kg hàng hóa đưa lên không gian thì giá của SpaceX chỉ vào khoảng 4.700-12.600 USD, trong khi giá của Công ty Arianespace là 8.300-18.700 USD với tên lửa Ariane 5. Thậm chí SpaceX còn dự kiến sẽ hạ giá phóng xuống còn 2.500 USD/kg.

Trong năm 2018, SpaceX dự kiến sẽ thực hiện thêm hai vụ phóng tên lửa nữa. Nhưng theo thống kê, trong năm 2017 vừa qua, SpaceX đã qua mặt được đàn anh Arianespace với 18 lần phóng trong khi đối thủ trực tiếp chỉ có 11 lần.

Tỉ phú Elon Musk đã chuẩn bị dự án phóng tên lửa Falcon Heavy từ năm 2011. Đây là chặng đầu tiên trong kế hoạch chinh phục sao Hỏa đầy tham vọng của ông. Theo kế hoạch, năm 2022 sẽ thực hiện chuyến bay không chở người đầu tiên lên sao Hoả và năm 2024 sẽ bắt đầu các chuyến bay chở khoảng 100 hành khách. Dự kiến đến năm 2060 sẽ vận chuyển khoảng 1 triệu người!

Tên lửa tư nhân qua mặt các tập đoàn truyền thống - Ảnh 4.

Tỉ phú Mỹ Elon Musk đã khiến nhiều người phải thay đổi suy nghĩ về khả năng tư duy và làm việc của ông – Ảnh: REUTERS

Ông chủ lớn về công nghệ

Elon Reeve Musk (47 tuổi) sinh ra tại Pretoria (Nam Phi), năm 17 tuổi học đại học tại Canada và năm 21 tuổi tiếp tục theo học ở Mỹ. Hiện nay ông mang quốc tịch Mỹ và Canada, cư trú tại Los Angeles.

Ông là người sáng lập, tổng giám đốc – chủ tịch và giám đốc công nghệ Công ty hàng không vũ trụ SpaceX (bang California), tổng giám đốc – chủ tịch và giám đốc thiết kế sản phẩm của Công ty sản xuất ôtô điện Tesla. Ông còn là người sáng lập nhiều công ty khác. Năm 2017, tài sản của ông trị giá 20,8 tỉ USD.

HOÀNG DUY LONG