Dừng cho vay ngoại tệ trung dài hạn
Các ngân hàng sẽ chấm dứt cho doanh nghiệp vay ngoại tệ trung dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ…
Dừng cho vay ngoại tệ trung dài hạn
Các ngân hàng sẽ chấm dứt cho doanh nghiệp vay ngoại tệ trung dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ…
Ngân hàng dừng cho vay ngoại tệ trung dài hạn nhập khẩu hàng tiêu thụ trong nước THANH XUÂN
Hôm nay 1.10, các ngân hàng sẽ chấm dứt cho doanh nghiệp vay ngoại tệ trung dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước, ngay cả khi khách hàng có nguồn ngoại tệ thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đây là một trong những nội dung Thông tư 42/2018 sửa đổi, bổ sung Thông tư 24/2015 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong lộ trình siết hoạt động cho vay ngoại tệ, chống tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần sang quan hệ huy động – cho vay sang quan hệ mua – bán ngoại tệ. Trước đó, ngày 31.3.2019, các NH đã dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn.
Doanh nghiệp kêu khó, Ngân hàng kêu không
Đứng ở góc độ là doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty thủy sản Cafeftex, cho biết không DN nào muốn NH dừng cho vay ngoại tệ, bởi vay USD lãi suất thấp hơn so với tiền đồng. Khi DN nhập khẩu không được vay USD với lãi 4%/năm mà phải chuyển qua vay VND lãi suất 8 – 9%/năm, chi phí vay tăng gấp đôi. Lúc này các DN nhập khẩu hàng sẽ phải tính lại giá thành sản phẩm hàng hóa bán ra, khiến nguy cơ hàng nhập tăng giá. Thừa nhận quy định về dừng cho vay ngoại tệ đã được đề cập từ nhiều năm nay, NHNN cũng đã gia hạn nhiều lần, nhưng ông Nguyễn Văn Kịch vẫn mong mỏi việc thực hiện quy định này phải cân nhắc thời điểm phù hợp. Trong bối cảnh lãi suất các nước đang ở mức thấp, nhiều hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào rẻ hơn hàng sản xuất trong nước, các DN phải vay tiền đồng lãi suất cao hơn rất khó có thể cạnh tranh.
Thế nhưng ở góc độ NH, bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc phụ trách khối khách hàng DN khu vực phía nam, NH HSBC VN cho rằng quy định này có hiệu lực sẽ hạn chế việc vay ngoại tệ của các DN nhập khẩu phục vụ nhu cầu trong nước. Mặc dù lãi suất vay vốn VND hiện nay cao hơn lãi suất vay USD khoảng 2 – 3%. Tuy nhiên, với việc DN có thể bán ngoại tệ kỳ hạn để lấy VND và dự kiến biến động VND khoảng 1 – 2% như vậy chi phí vay vốn bằng VND của DN sẽ tăng nhưng không nhiều. “Quan sát của chúng tôi từ đầu năm đến nay, việc triển khai lộ trình hạn chế vay ngoại tệ không ảnh hưởng nhiều đến các DN nhờ vào việc lộ trình rõ ràng giúp các DN điều chỉnh kế hoạch”, bà Oanh nói.
Thực tế, tốc độ cho vay ngoại tệ của các NH từ đầu năm đến nay tăng khá nhanh. Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, dư nợ tín dụng trong 9 tháng qua tăng nhanh hơn so với tổng dư nợ tín dụng, chiếm 7,8% tổng dư nợ tín dụng, tương đương 172.900 tỉ đồng. Do đó, lãi suất cho vay USD của các NH trên địa bàn hiện tăng khoảng 0,16 – 0,57%/năm so với cuối năm 2018. Dù rằng lãi suất huy động USD bằng 0% nhưng tốc độ tăng trưởng huy động ngoại tệ của các NH tăng nhanh hơn so với tiền đồng, nguyên nhân chính do tiền gửi ngoại tệ thanh toán tăng. Điều này theo đánh giá của NHNN là phù hợp với tình hình thanh toán và hoạt động xuất nhập khẩu của DN.
Chuyển sang mua – bán
Mặc dù dừng cho DN nhập khẩu vay ngoại tệ nhưng các NH hiện vẫn còn cho vay ngoại tệ đáp ứng một số mục đích khác như cho DN vay ngắn hạn để thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ xuất khẩu; DN đầu mối nhập xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức; cho vay ngắn hạn đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hoá xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới VN mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; cho vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài và đã được Bộ Kế hoạch – Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 986/2018 của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu cụ thể giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Đồng thời, quyết định cũng đưa ra nhiệm vụ hạn chế cho vay bằng ngoại tệ, chuyển dần quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng với khách hàng sang quan hệ mua bán ngoại tệ để bảo đảm thanh khoản ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối.
THANH XUÂN