Dở khóc dở cười chuyện tân sinh viên hòa nhập cuộc sống mới
Bước chân vào giảng đường với nhiều bạn là lần đầu xa nhà, lần đầu lên thành phố… nên không ít tình huống dở khóc dở cười…
Dở khóc dở cười chuyện tân sinh viên hòa nhập cuộc sống mới
Tân sinh viên chờ làm thủ tục đăng ký lưu trú tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM THANH NGUYỆT
Bước chân ra đường là lạc
Đặc thù của đường phố TP.HCM là nhiều hẻm, đường một chiều, xe cộ nhiều… khiến cho cả những người sống tại thành phố nhiều năm cũng bị lạc đường chì vỉ một phút lơ là. Trong khi đó, hầu hết tân sinh viên đều từ các tỉnh lẻ lên thành phố nhập học, tất cả đều quá mới mẻ. Do đó, không ít bạn đã trải qua những câu chuyện bi hài khi đối mặt với những cung đường lạ lẫm.
Lê Thu Hằng, tân sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, tâm sự: “Ở thành phố, xe cộ đi lại trên đường tấp nập, đường cũng rộng gấp 3, 4 lần so với ở dưới quê. Hằng ngày em đến trường bằng xe buýt, lúc đi về phải sang đường, mà em vốn là đứa nhát gan nên những hôm đầu nhìn thấy đường toàn xe tải, xe khách, container lao vun vút trước mặt, em hoảng lắm. Em đã phải hoay hoay đứng ở xa lộ Hà Nội gần 30 phút mới qua được bên kia đường”.
Tân sinh viên mua sắm đồ đạc cũng đừng nên ham rẻ mà mua phải hàng kém chất lượng HOA NỮ
|
Khác với Thu Hằng, cô bạn Dương Ngọc Bích, sinh viên Trường ĐH Ngoại Thương cơ sở 2, kể về câu chuyện lạc đường vì quá tin tưởng Google maps. “Lần đầu lên thành phố nên mình đặt trọn niềm tin vào bác Google. Đi đâu mình cũng bấm Google maps chỉ đường. Nhưng một hôm, cũng chính bác Google đã dẫn mình đi sai, thế là mình vòng cả buổi trong cái mê cung hẻm đó và trễ hẹn hơn 1 tiếng”, Bích Ngọc dở khóc dở cười kể lại lần bị lạc trong “mê cung” hẻm.
Còn anh chàng Huỳnh Gia Nguyễn, sinh viên Trường CĐ Công thương TP.HCM, thì sợ hãi khi nhớ lại lần đầu đi xe từ quê lên thành phố nhập học đã bị lạc mất nguyên một buổi.
Nhiều CLB tân sinh viên có thể tham gia để kết nối bạn bè và thích nghi với môi trường mới THANH NGUYỆT
|
“Em đã được mấy anh chị cài cho ứng dụng xe ôm công nghệ để lên thành phố đặt đi cho an toàn. Mà lên đến nơi em quên mất tiêu là điện thoại không có 3G, thế là cũng không đặt xe được. Thấy mấy chú xe ôm, em nghe nói dễ bị lừa rồi cò nhà trọ các kiểu nên em cũng không dám đi. Bắt xe buýt đi đến 2 chuyến rồi đi bộ về trường mà hỏi đường kiểu gì em đi lạc mất nguyên một buổi”, Nguyễn chia sẻ.
Nguyễn cho biết thêm là từ ngày lên thành phố đến giờ cũng đã gần 1 tháng, mà cứ đi ra đường là bị lạc và nhiều lúc qua đường xe cộ nhiều quá mà Nguyễn xanh ết mặt mày.
Bỡ ngỡ với cuộc sống mới
Bước vào môi trường đại học, xa nhà đồng nghĩa với việc không còn được ba mẹ chăm sóc, nhắc nhở mỗi ngày, nhiều tân sinh viên phải đối mặt với không ít khó khăn.
Trần Công Đức, sinh viên năm nhất Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, chia sẻ về cuộc sống mới trật quỹ đạo: “Ngày trước khi ở nhà, sáng nào mình cũng được mẹ gọi dậy rồi chuẩn bị sẵn đồ ăn sáng. Quần áo thì cũng được mẹ giặt rồi cất và ngăn tủ cẩn thận, mỗi lúc cần chỉ cần đến tủ đồ lấy. Còn giờ thì mình phải tự lo tất cả. Ngán nhất là chuyện giặt áo quần, do lười nên mình chất đống đồ dơ trong thau, đến khi hết đồ mới chịu đi giặt. Hôm bữa mình còn giặt chung áo trắng với quần jean nên áo bị lem màu loang lổ”.
Những giờ chơi bóng mỗi chiều tại làng đại học giúp sinh viên kết nối bạn bè và quên được nỗi nhớ nhà THANH NGUYỆT |
Đức còn cho biết thêm, những ngày không đi học, cậu ngủ đến tận trưa, nhiều khi bữa trưa và bữa sáng gộp chung thành một. Vì lười đi ra ngoài ăn, Đức với đám bạn cùng phòng đã dự trữ sẵn thùng mì tôm trong phòng để tiện lúc đói là có ăn ngay.
Từ Đắk Lắk vào TP.HCM học tập, cuộc sống của cô tân sinh viên Võ Thị Thu Ngân, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phải đối mặt với khó khăn vì đồ ăn không hợp khẩu vị.
“Mình là người Bắc không quen ăn ngọt nên khi đi ăn quán ở thành phố thì mình ăn không được. Dù đã kiên trì đi thử rất nhiều quán trong làng đại học rồi nhưng tất cả đều không hợp, lần nào cũng bỏ phân nửa phần ăn. Mình lại ở trong ký túc xá nữa nên không nấu đồ ăn được. Vì thế phải làm khổ mẹ gửi đồ ăn vào hằng tuần, như thế mình chỉ cần đi mua cơm không về ăn”, Ngân bộc bạch.
Anh Trần Trinh Tường NVCC
|
1. Đa cấp
Hồi sinh viên năm nhất, Tường rất thích tham gia câu lạc bộ (CLB). Được một anh nọ mời tham gia một CLB hoành tráng lắm, em sẽ được cái này, cái nọ, phát triển kỹ năng… Thế là họ dụ mình qua quận 6, vào một công ty, rồi họ giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn làm giàu, mình phải đặt cọc cái thẻ 50.000 đồng và để làm thành viên thì mua sản phẩm “xịn” với giá siêu mắc.
Theo lời một người trong CLB, tiền kiếm được nhờ bán sản phẩm dởm và giới thiệu người khác vào CLB. Càng giới thiệu nhiều người, bạn càng lên chức và thu nhập thụ động cao. Một lúc sau, 3, 4 cô cậu bu vào, lấy kiến thức làm giàu ra “chém” cho mình nghe mất cả buổi sáng, thế là mình vừa bực mình, vừa tốn công sức. Đây cũng là bài học nhớ đời.
2. Tìm nhà trọ, nên tìm nhà, phòng chính chủ
Hồi sinh viên năm 2, mình gặp người môi giới dắt đi tùm lum, toàn nhà dởm, rồi lại xin tiền cò mà tốn thời gian, tốn công sức rồi chả được gì. Tốt nhất là các bạn phải gặp chính chủ nhà. Tiền cọc phòng trọ thường 1 tháng, nhớ đọc kỹ hợp đồng, kẻo kết thúc trả phòng trọ lại mất tiền oan. Ngoài ra, các bạn cũng cần quan sát kỹ khu vực xung quanh khi ở, họ có hiền lành, sạch sẽ, an ninh…?
3. Mê kiếm tiền mà quên cả việc học
Là sinh viên thì ai cũng thích kiếm tiền, nhớ hồi năm nhất, mình đi làm khảo sát thị trường, chạy vòng vòng TP.HCM làm khảo sát đặt câu hỏi, vừa bị chửi, bị nắng nóng, nhưng sức trẻ và lần đầu làm ra tiền. 2 tuần được 2 triệu, mừng quá chừng nhưng về nhà mệt mỏi, đuối. Thế là quên cả bài tập, sau 1 tháng chả biết trường học là gì, đã vậy còn cúp học đi làm.
Đó là một sai lầm rất lớn, 4 năm ăn học tốn rất nhiều tiền thì ít nhất cũng lấy cho được cái bằng, đừng quá ham kiếm tiền mà quên đi việc học nhé, kiếm tiền cả đời, mà nếu có làm thêm thì làm cái gì giúp mình học hỏi là chính.
4. Lên TOEIC 700-900 trong vòng 2 – 3 tháng, lên IELTS 8.0 trong vòng 1 khóa học 3 tháng với giá hơn chục triệu đồng
Nghe có vẻ hợp lý, nhưng có cân bằng không, hay vì mình tham, “dục tốc bất đạt” mà sa vào cái bẫy này. Nộp một mớ tiền, rồi vào học không ra gì phải bỏ ngang. Cẩn trọng nhé, để thành thạo phải học 1.200-1.400 giờ trong suốt 2-3 năm đó.
Tiếng Anh cần thời gian thẩm thấu, không vội được đâu. Nên đừng vì lời quảng cáo mà tốn “tiền ngu”. Cái gì cũng phải bỏ công sức ra học hành, nỗ lực mỗi ngày một chút. Cần cù chăm chỉ mới có năng lực thật.
5. Đi làm thêm thì nên tránh chỗ có yêu cầu mua đồng phục, đóng tiền cọc giữ chỗ…
Chưa làm gì, chưa nhận lương mà phải mất tiền, tỷ lệ cao là lừa đảo. Đi xin việc thời buổi này cũng bị dụ dỗ nhiều lắm, nhất là các em sinh viên năm nhất nhẹ dạ cả tin. Mình từng xin dịch thuật ở một công ty, hóa ra công ty này là một hình thức lừa đảo đa cấp, lừa đảo.
Tốt nhất mới lên năm nhất, tân sinh viên còn nhiều bỡ ngỡ thì để ổn định cho quen không khí, đường sá và “văn hoá” của thành phố đã rồi hãy bắt tay vào đi làm nếu muốn em nhé.