Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn đưa ra hàng loạt yêu cầu, nhắc nhở các ngân hàng kiểm soát rủi ro trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý mục đích cơ cấu nợ hay vào công ty bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn đưa ra hàng loạt yêu cầu, nhắc nhở các ngân hàng kiểm soát rủi ro trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý mục đích cơ cấu nợ hay vào công ty bất động sản.
Yêu cầu này được đưa ra khi Ngân hàng Nhà nước nhận thấy số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng, đặc biệt số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn.
Trong khi đó, thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, có một số ngân hàng đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát, trong đó có đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019.
Do đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thuơng mại rà soát các quy định, đặc biệt các quy định nội bộ liên quan đến hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp.
Các ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành theo đúng quy định.
Các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát sau cho vay, trong đó đặc biệt là giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thường xuyên theo dõi đánh giá để xác định sớm các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệpnhằm hạn chế nợ xấu phát sinh.
Các ngân hàng cũng được yêu cầu tập trung rà soát việc đầu tư trái phiếu chuyển đổi với các doanh nghiệp có số dư lớn, nhất là các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với nhiều tổ chức tín dụng/doanh nghiệp khác, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về các giới hạn, tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là quy định về giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan.
Trước đó, Tuổi Trẻ Online đã có bài phản ánh tình trạng các doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu với lãi suất cao, thậm chí có thể cao gấp đôi lãi suất huy động của các nhà băng trong 6 tháng đầu năm.
Trong số đó, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỉ trọng phát hành lớn nhất lần lượt 34,1% tổng khối lượng phát hành với 34.700 tỉ đồng và 14% với 15.981 tỉ đồng.
So với lãi suất vay vốn trung dài hạn của ngân hàng phổ biến là 9 – 11%/năm, bình quân lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp bằng hoặc cao hơn 0,5%/năm.
Phần lớn trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện bằng hình thức riêng lẻ, không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo đẩy rủi ro cho người mua.