Trung Quốc gửi 43 trang thư cho báo chí, diễn giải về biểu tình Hong Kong
Nhằm thay đổi thái độ quốc tế và cách tường thuật về các cuộc biểu tình kéo dài hơn 10 tuần qua ở Hong Kong, Trung Quốc gửi hồ sơ dài 43 trang cho hàng loạt hãng tin.
Trung Quốc gửi 43 trang thư cho báo chí, diễn giải về biểu tình Hong Kong
Nhằm thay đổi thái độ quốc tế và cách tường thuật về các cuộc biểu tình kéo dài hơn 10 tuần qua ở Hong Kong, Trung Quốc gửi hồ sơ dài 43 trang cho hàng loạt hãng tin.
Hãng tin Bloomberg ngày 21-8 cho hay Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây đã gửi một bức thư cùng các tài liệu liên quan dài 43 trang tới các biên tập viên cao cấp tại nhiều hãng tin quốc tế để giải thích về các cuộc biểu tình ở đặc khu hành chính Hong Kong.
Reuters, AFP, Wall Street Journal, Bloomberg nằm trong số những hãng tin nhận được hồ sơ này.
Trong tài liệu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả làn sóng biểu tình ở Hong Kong là “các hoạt động bạo lực nhằm phá hoại thượng tôn pháp luật” và gây “tình trạng hỗn loạn ở Hong Kong”.
Hồ sơ này còn trích dẫn các bài báo, chủ yếu từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, theo đó nêu chi tiết về mối liên hệ giữa “các lực lượng bên ngoài” và người biểu tình.
Theo Hãng tin Bloomberg, ngôn từ được sử dụng trong lá thư tương tự nỗ lực của truyền thông Trung Quốc thời gian qua để nhấn mạnh tình hình hỗn loạn ở Hong Kong, đổ lỗi cho Mỹ về việc kích động bạo lực, trong bối cảnh xảy ra các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.
Các cuộc biểu tình diễn ra từ hồi tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ của chính quyền Hong Kong. Dự luật này cho phép dẫn độ tội phạm sang các khu vực không ký thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong, trong đó có Trung Quốc đại lục.
Lá thư của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn kể lại chi tiết những cuộc gặp giữa các nhà hoạt động trên khắp thế giới liên quan đến vấn đề Hong Kong, trong đó có Diễn đàn tự do Oslo ở Na Uy.
Tài liệu còn dẫn lại báo cáo truyền thông về cuộc gặp giữa các nhân viên lãnh sự Mỹ ở Hong Kong và các nhà hoạt động dân chủ ở đặc khu này, cũng như mối liên hệ giữa tổ chức Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (NED) với các nhà hoạt động Hong Kong.
Luật dẫn độ gây tranh cãi ở Hong Kong – Nguồn: SCMP
Hôm 20-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng liên hệ cáo buộc của Bắc Kinh về việc các lực lượng nước ngoài can thiệp vào tình hình Hong Kong với những cáo cuộc tương tự của Nga về việc Mỹ can thiệp vào các cuộc biểu tình ở xứ sở bạch dương.
Ông Cảnh nhấn mạnh Trung Quốc “ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Nga” về “các cuộc biểu tình bất hợp pháp”. Vị này nói rằng Bắc Kinh và Matxcơva cùng chia sẻ lợi ích trong việc “bảo vệ chủ quyền quốc gia và ổn định xã hội”.