27/11/2024

Chọn ngành, nhập học đều phải nhờ phụ huynh, người trẻ mất hết ‘đề kháng’?

‘Con tui gà công nghiệp lắm, khờ lắm, chẳng biết gì nên mình làm cho nhanh mà lại an tâm’, phụ huynh phân trần, còn cán bộ tuyển sinh ngán ngẩm khi nhiều bạn trẻ gần như mất hết ‘đề kháng’, phải dựa dẫm hoàn toàn vào phụ huynh.

 

Chọn ngành, nhập học đều phải nhờ phụ huynh, người trẻ mất hết ‘đề kháng’?

‘Con tui gà công nghiệp lắm, khờ lắm, chẳng biết gì nên mình làm cho nhanh mà lại an tâm’, phụ huynh phân trần, còn cán bộ tuyển sinh ngán ngẩm khi nhiều bạn trẻ gần như mất hết ‘đề kháng’, phải dựa dẫm hoàn toàn vào phụ huynh.


 

Chọn ngành, nhập học đều phải nhờ phụ huynh, người trẻ mất hết đề kháng? - Ảnh 1.

 

Sinh viên tình nguyện Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) hướng dẫn thí sinh khoá 2019 làm thủ tục nhập học tại trường – Ảnh: TRƯỜNG AN

 

Kết thúc đợt 1 xét tuyển đại học, cao đẳng 2019 có nhiều tình huống éo le được ghi nhận như đăng ký trường này lại đậu trường khác, điểm thi cao hơn điểm chuẩn lại rớt ngay chính trường đã đăng ký…

Đó là những chuyện khó tin nhưng có thật và cũng từng xảy ra trong các mùa tuyển sinh trước.

Bên cạnh những sai sót của nơi tiếp nhận, xử lý đăng ký nguyện vọng của thí sinh, không thể không nói tới vai trò của chính thí sinh, những người được cho là “trưởng thành”. Trong khi hiện nay để tìm hiểu thông tin tuyển sinh, quy chế thi cử chỉ cần vài cái click chuột, nhưng những chuyện như thí sinh không biết cách đăng ký xét tuyển, phải nhờ đến thầy cô và phụ huynh làm giùm là khá phổ biến.

Thực tế đã có không ít thí sinh do nhờ người khác làm giùm dẫn đến đậu vào trường, ngành học mình không mong muốn.

Ví dụ, nhận định ban đầu nguyên nhân dẫn đến tình huống rớt ĐH Y dược TP.HCM dù hơn điểm chuẩn, lại đậu trường không đăng ký của thí sinh B.T.L. (Thanh Hóa) là do nhân viên trường phổ thông nhập liệu sai, trong khi thí sinh không kiểm tra lại thông tin.

Theo quy định, sau khi nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, nhân viên phụ trách tiếp nhận sẽ nhập dữ liệu lên máy tính rồi in ra để thí sinh kiểm tra và ký xác nhận rồi mới nhập dữ liệu lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

Thí sinh L. thừa nhận: “Lúc nhận phiếu xác nhận em không đọc kỹ mà ký luôn rồi nộp lại ngay. Em không vào được tài khoản cá nhân lần nào nên cứ nghĩ mình đăng ký bằng phiếu chính xác rồi…”.

Thí sinh trúng tuyển ĐH hiện đang đến trường làm thủ tục nhập học, nhưng nửa tháng qua website, fanpage các trường đều tràn ngập thông tin hướng dẫn nhập học. Mất chừng hơn 10 phút để đọc những thông tin này là thí sinh có thể nắm rõ tất cả mọi việc cần chuẩn bị ngay sau khi trúng tuyển và tự tin bước vào giảng đường.

 

Đã vậy, không ít trường vẫn lo thí sinh thiếu thông tin nên đăng cả bài viết kèm đồ họa công phu hướng dẫn tỉ mỉ chuẩn bị và sắp xếp thứ tự các loại giấy tờ…

Theo nhà trường, cách làm này nhằm “tránh tình trạng thí sinh thấy đậu rồi mà không biết ngày giờ, thủ tục nhập học”(?!). Thậm chí không ít trường thành lập đội sinh viên tình nguyện… tiếp sức nhập học!

Nhưng thực tế mấy ngày qua, cán bộ tuyển sinh nhiều trường phải đến khổ với thí sinh. Tất tần tật mọi thông tin đều có đủ nhưng thí sinh vẫn cứ gọi điện thoại, nhắn tin… ngay trên fanpage để hỏi lại thông tin trường đã công bố.

Cán bộ tuyển sinh một trường ĐH ngán ngẩm nhận định hiện có rất nhiều bạn trẻ gần như mất hết “đề kháng”, phải dựa dẫm hoàn toàn vào phụ huynh từ việc chọn ngành, chọn trường đến cả nhập học cũng phải để phụ huynh “ra tay”.

Không ít phụ huynh và cả thí sinh hỏi ngày nộp hồ sơ nhập học để… phụ huynh có thể đi thay. Lý do được đưa ra đều là “con tui gà công nghiệp lắm, khờ lắm, chẳng biết gì nên mình làm cho nhanh mà lại an tâm”(?!).

Dẫu sao sự trợ giúp sẽ tạo được cảm giác an toàn, thuận lợi hơn… nhưng nếu bảo bọc quá mức, liệu các bạn trẻ sẽ dễ dàng thất bại, nản chí, mất “đề kháng” khi đối mặt với cuộc sống đầy thử thách phía trước mà không có trợ giúp?

Đó là băn khoăn dành cho tương lai. Còn bây giờ nhìn những bạn trẻ 18 tuổi chuẩn bị bước vào một môi trường học hành mới, đại học vốn mang tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao từ việc học đến cuộc sống ngoài giảng đường, ít nhiều cảm thấy buồn buồn khó diễn tả hết!

 

 

TRẦN HUỲNH