Mỹ muốn hợp tác với Ấn Độ duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông
Mỹ khẳng định tầm quan trọng của các hoạt động hợp tác Mỹ – Ấn trong việc đối phó các tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có việc hợp tác duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông.
Mỹ muốn hợp tác với Ấn Độ duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông
Mỹ khẳng định tầm quan trọng của các hoạt động hợp tác Mỹ – Ấn trong việc đối phó các tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có việc hợp tác duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông.
Báo India Today của Ấn Độ ngày 17-8 dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay: tuần này Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John J. Sullivan đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar ở New Delhi để thảo luận một loạt vấn đề từ an ninh khu vực tới quan hệ thương mại Mỹ – Ấn.
Đặc biệt, hai vị quan chức đã thảo luận về tầm nhìn của hai nước đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như cách thức để tăng cường hợp tác.
“Như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phát biểu gần đây tại Hội nghị thượng đỉnh các tư tưởng Ấn Độ (IIS), Mỹ tin rằng cả hai quốc gia chúng ta có cơ hội tuyệt vời để hợp tác cùng nhau vì người dân hai nước, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và toàn thế giới.
Chúng ta cùng nhau nắm bắt cơ hội này để phát triển đối thoại 2+2, hợp tác để đối phó chủ nghĩa khủng bố và duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông” – ông Sullivan phát biểu.
Theo trang Indian Express, ngoài việc khẳng định mong muốn hợp tác với Ấn Độ để duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, ông Sullivan còn nói về các chính sách và hành động Trung Quốc trong khu vực.
Vị thứ trưởng ngoại giao Mỹ cho biết: mô hình phát triển của Trung Quốc đang thay đổi cách tiếp cận hợp tác vốn thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng toàn khu vực. Ông nói Trung Quốc đang có các chính sách và hành động làm thay đổi tình hình Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chỉ nhằm phục vụ lợi ích của Bắc Kinh.
Thứ trưởng Sullivan cho biết thứ Mỹ muốn là Trung Quốc phải cạnh tranh công bằng theo trật tự dựa trên luật pháp, vốn đã mang lại sự thịnh vượng cho khu vực trong nhiều thập niên.
“Tuy nhiên, chúng tôi (Mỹ) nhận ra rằng chúng tôi không thể làm điều này một mình. Chúng tôi cần những đối tác có cùng chí hướng” – ông Sullivan nhấn mạnh.
Vị thứ trưởng ngoại giao Mỹ cho biết: đây là lý do quan hệ đối tác Mỹ – Ấn là một yếu tố quan trọng trong việc xác định liệu Trung Quốc cuối cùng có thành công trong việc định hình lại châu Á theo mục đích của Bắc Kinh hay không.