15/01/2025

Viêm kết mạc, mù vì kính áp tròng

Kính áp tròng (contact lens) được rất nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ ưa chuộng vì tiện lợi, thẩm mỹ. Loại kính này đang được bán tràn lan trên mạng xã hội, ẩn chứa nhiều nguy cơ gây hại cho ‘cửa sổ tâm hồn’.

 

Viêm kết mạc, mù vì kính áp tròng

Kính áp tròng (contact lens) được rất nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ ưa chuộng vì tiện lợi, thẩm mỹ. Loại kính này đang được bán tràn lan trên mạng xã hội, ẩn chứa nhiều nguy cơ gây hại cho ‘cửa sổ tâm hồn’.


 

Viêm kết mạc, mù vì kính áp tròng - Ảnh 1.

Một ca khám khúc xạ mắt – Ảnh: XUÂN MAI

 

Các bác sĩ chuyên khoa mắt cho rằng đeo kính áp tròng chưa bao giờ là đơn giản, dễ dàng như nhiều người nghĩ, vì chúng tiếp xúc trực tiếp lên bề mặt giác mạc.

Mua càng nhiều, giá càng rẻ

Trên các trang mạng xã hội, hiện có rất nhiều tài khoản, nhóm kín, nhóm công khai, hội những người yêu thích kính áp tròng với nghìn người theo dõi, tham gia mua – bán: kính áp tròng, vật dụng gắp, dung dịch bảo quản, thậm chí tuyển mẫu đeo kính.

Mỗi cặp kính áp tròng bán trôi nổi có giá dao động từ 90.000 – 150.000 đồng/đôi, thậm chí giá này giảm xuống còn 35.000 đồng/đôi khi mua với số lượng lớn.

Tôi vào một tài khoản Facebook đang rao bán kính áp tròng có lượng tương tác lớn nhắn tin cần tư vấn kính áp tròng phù hợp với mắt. Ngay lập tức, màn hình hiển thị tin nhắn “đã đọc” và yêu cầu cho số điện thoại để được tư vấn.

Sau đó, một người tự xưng là Ngọc tư vấn nhiệt tình: “Hiện bên em đang có hàng sẵn với nhiều mẫu mới, màu sắc đẹp được nhập khẩu từ Thái Lan. Kính áp tròng cận thị cho chị bên em cũng có tuốt, mỗi cặp kính có giá 150.000 đồng, tặng kèm khay đựng và dụng cụ gắp kính. Nếu chị mua số lượng nhiều, bên em sẽ giảm giá. Em bảo đảm với chị là kính chất lượng, đeo vào mắt đẹp long lanh”.

Nữ sinh viên H.T.N. (19 tuổi) đã mua và “sở hữu” hàng chục cặp kính áp tròng (loại giãn tròng) với đủ màu sắc. Theo N., hầu hết các cặp kính này mua tại chợ và mạng xã hội với giá vừa vặn với túi tiền sinh viên.

“Đeo kính áp tròng dường như là thói quen hằng ngày của mình như phải ăn, phải ngủ vậy. Nếu mình ra ngoài mà không đeo kính thì không tự tin lắm. Tuy nhiên, gần một tháng nay, mình hạn chế lại vì mắt có dấu hiệu khô rát, cộm xốn” – N. nói.

Nhiều biến chứng

BS Nguyễn Thị Diệu Thơ (Bệnh viện Mắt TP.HCM) cho biết khoa khúc xạ Bệnh viện Mắt TP.HCM đã từng tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp biến chứng từ nhẹ đến rất nặng như viêm kết mạc, nhiễm trùng giác mạc gây giảm thị lực, thậm chí đã có trường hợp bị mù do kính áp tròng.

Nguyên nhân chính là do sử dụng kính áp tròng không rõ nguồn gốc, không tuân thủ các yêu cầu khi đeo kính áp tròng như: đeo kính quá thời gian quy định, vệ sinh kính không đúng cách… Đáng chú ý, phần lớn những trường hợp này thường rơi vào độ tuổi thanh thiếu niên, giới nữ (có dấu hiệu tăng trong những năm gần đây).

 

Hiện nay, kính áp tròng thường được sử dụng trong ba trường hợp: bệnh nhân bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị, lão thị), bệnh nhân phải mang kính áp tròng khi đang điều trị các bệnh về mắt và kính áp tròng thẩm mỹ dùng trong trường hợp mắt bệnh nhân có sẹo giác mạc trắng, hoặc thay đổi màu mắt hoặc làm giác mạc lớn hơn (kính giãn tròng).

Bác sĩ Thơ cho biết dù kính áp tròng sử dụng trong trường hợp nào thì cũng phải bảo đảm nguyên tắc chung là phải đạt những tiêu chuẩn cần thiết về chỉ số thấm khí, độ cong và chất lượng kính.

Trong đó, chỉ số thấm khí (bảo đảm giác mạc luôn đủ oxy) là tiêu chuẩn đầu tiên của một cặp kính áp tròng. Một cặp kính áp tròng có chỉ số thấm khí đạt yêu cầu sẽ đáp ứng đủ oxy đến giác mạc trong thời gian kính cho phép. Hiện nay có nhiều loại kính áp tròng, tùy từng loại sẽ có chỉ số thấm khí riêng.

Kính áp tròng cũng phải bảo đảm độ cong phù hợp nhằm tránh tình trạng kính quá chặt gây khó chịu hay quá lỏng làm kính dễ rơi khi sử dụng.

Cần đảm bảo đủ oxy cho mắt

BS Thơ cho hay giác mạc là bộ phận khúc xạ đầu tiên của mắt trước khi mắt nhìn thấy được. Đặc biệt, giác mạc là một cơ quan không có mạch máu nhằm bảo đảm tính trong suốt, do đó chúng không được cung cấp oxy từ mạch máu mà nhận oxy từ không khí.

“Giác mạc khỏe khi được cung cấp oxy đầy đủ, từ đó giúp mắt nhìn rõ. Tác động kính áp tròng lên giác mạc trong thời gian dài cũng giống như lấy tay bịt mũi. Vì thế, nếu đeo quá thời gian quy định sẽ ngăn cản bớt một phần nguồn oxy đến mắt, gây cản trở quá trình chuyển hóa bình thường của giác mạc, từ đó dễ dẫn đến biến chứng” – BS Thơ giải thích.

Trước tình trạng kính áp tròng đang được mua – bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội, BS Thơ khuyến cáo người dân nên đến những cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ hoặc chuyên viên khúc xạ đo đạc, hướng dẫn chi tiết trước khi đeo kính áp tròng vào mắt.

Nếu mua hàng trôi nổi, các tiêu chuẩn về chỉ số thấm khí, độ cong và chất lượng kính không được đảm bảo, nguy cơ xảy ra biến chứng rất cao.

Không được đeo kính áp tròng qua đêm

Khi dùng kính áp tròng đầy đủ chất lượng, người dùng cũng cần chú ý đến thời gian đeo kính (kính đeo hằng ngày dưới 8 giờ/ngày, không được đeo qua đêm), sử dụng đúng loại dung dịch bảo quản, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi đeo, tái khám định kỳ.

Riêng cách vệ sinh kính, BS Thơ lưu ý, tuyệt đối không rửa kính áp tròng bằng nước máy vì có thể nước máy không đảm bảo an toàn, tăng nguy cơ nhiễm trùng giác mạc.

 

 

XUÂN MAI