Ngang nhiên rao bán đất rừng
Đất rừng được rao bán với giá 370 triệu đồng cho 5.050 m2. Hằng tuần những người rao bán đất rừng còn tổ chức đưa hàng trăm khách từ TP.HCM lên xem đất tại tiểu khu 409, xã Lộc Phú, H.Bảo Lâm (Lâm Đồng).
Ngang nhiên rao bán đất rừng
Đất rừng được rao bán với giá 370 triệu đồng cho 5.050 m2. Hằng tuần những người rao bán đất rừng còn tổ chức đưa hàng trăm khách từ TP.HCM lên xem đất tại tiểu khu 409, xã Lộc Phú, H.Bảo Lâm (Lâm Đồng).Đường mới mở trong dự án Ảnh: Lâm Viên
Theo thông tin được quảng bá rầm rộ trên các trang mạng xã hội trong vài tháng gần đây thì dự án Lâm Đồng Farmstay có diện tích 280 ha, tại xã Lộc Phú (H.Bảo Lâm), cách TP.Bảo Lộc khoảng 30 km. Họ rao bán đất trang trại với giá khá hấp dẫn, chỉ 370 triệu đồng cho 5.050 m2. Người mua có quyền sở hữu và chuyển nhượng cho bên thứ 3 chốt lời nếu muốn… Dự án có chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm; ký hợp đồng hợp tác đầu tư giao đất 40 năm, hết 40 năm gia hạn lại và tái sử dụng theo dự án.
“Có người mới đọc thông tin đã mua 2, 3 lô”
PV Thanh Niên liên lạc đến số điện thoại 0939683… đăng trên mạng, thì người nghe tự giới thiệu tên Ngô Quốc Trung và là giám đốc dự án. Khi PV hỏi “mua đất có ra sổ đỏ được không?”, ông Trung nói không ra sổ riêng được, nhưng đứng chung dưới hình thức hợp tác đầu tư.
“Mô hình này có vẻ còn lạ ở miền Nam nhưng ở Tây Bắc rất phổ biến, anh yên tâm”, ông Trung thuyết phục và “quảng cáo” thời gian đầu rao bán, mỗi tuần có 200 – 300 người được công ty thuê xe đưa từ TP.HCM lên Bảo Lâm trải nghiệm thực tế dự án.
“Lâm Đồng Farmstay đang xin phép chuyển đổi thành khu du lịch sinh thái. Dự án mới triển khai hơn 1 tháng nhưng đã bán được 150 lô, hiện chỉ còn 30 lô; có những người ở Ninh Bình, Hà Nội… chỉ đọc thông tin đã mua một lần 2, 3 lô, không cần đến xem thực tế (?)”, ông Trung nói.
Trong vai người mua đất, PV Thanh Niên tìm đến TK409, xã Lộc Phú (Bảo Lâm), địa bàn dự án Lâm Đồng Farmstay. Một người đàn ông trạc tuổi 60 ra mở cổng để chúng tôi vào khu vực dự án. Ông giới thiệu tên L.V.H, đang giúp con trai là L.P.D.P quản lý dự án. Từ cổng, một con đường mới được san ủi chạy men theo triền đồi bên trái đến nhà điều hành. Theo ông H., con trai ông mới sang lại dự án này của Công ty TNHH Đại Hải với diện tích 280 ha. Mục đích trồng rừng kết hợp chăn nuôi, hiện nay khu rừng này được quy hoạch thành các lô để sang nhượng; đợt 1 có 60 ha được rao bán, và đã bán được khá nhiều.
Nơi tiếp khách đến xem và mua đất dự án Ảnh: Lâm Viên
|
“Người mua được tách sổ đỏ không?”, chúng tôi hỏi. Ông H. nói: “Toàn bộ dự án chỉ có 1 sổ đỏ thôi, nhưng người mua đất sẽ chung sở hữu, cùng công ty làm du lịch sinh thái. Sau này nếu muốn có thể sang nhượng lại cho công ty hoặc người khác”. Tiếp đó, ông H. dẫn PV đi xem hai khu vườn mẫu, mỗi khu rộng 5.000 m2trồng măng cụt, sầu riêng được rào chắn bằng cây rừng. “Khách nào mua công ty sẽ rào và giao đất, muốn đầu tư trồng cây gì cứ bỏ tiền công ty sẽ trồng giúp, cử người chăm sóc. Nếu đầu tư trồng măng cụt sau 3 năm cho thu hoạch có thể thu hồi vốn đầu tư”, ông H. nói.
Tiếp tục dẫn chúng tôi qua triền đồi khác, ông H. giới thiệu 3 bungalow mẫu với 3 kích thước khác nhau. Bungalow nhỏ nhất 12 m2 giá 140 triệu đồng, loại 20 m2 giá 220 triệu đồng và loại 24 m2 giá 290 triệu đồng. Nếu mua 5.000 m2, công ty tặng 50 m2 ở khu vực này để đặt bungalow, cuối tuần lên nghỉ dưỡng, chăm sóc vườn, hoặc giao công ty kinh doanh lưu trú giúp.
Ông H. giới thiệu thêm: “Dự án này chia ra làm 7 phân khu chức năng, trong đó có khu nghỉ dưỡng du lịch cao cấp. Công ty dự kiến bỏ vào 2.000 tỉ đồng để làm”. Cả ông Trung và ông H. đều cho biết công ty đang xin điều chỉnh giấy phép đầu tư từ trồng rừng kết hợp chăn nuôi sang du lịch sinh thái. Ông H. thuyết phục: “Đây là cơ hội đầu tư chờ tăng giá theo cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, sẽ đi ngang gần khu vực này, khi giá tăng có thể bán chốt lời. Anh cứ mạnh dạn mà mua vì lợi ích 3 trong 1”.
Bungalow mẫu được giới thiệu |
Cơ quan chức năng nói gì ?
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND H.Bảo Lâm, cho biết dự án trên được tỉnh Lâm Đồng cho Công ty TNHH Đại Hải thuê đất trong 50 năm, nhưng họ sang nhượng cho mấy chủ rồi. Ông Kiên thừa nhận: “Có biết chủ dự án rao bán đất lâm nghiệp trên mạng, H.Bảo Lâm đã lập đoàn vào dự án kiểm tra và yêu cầu đơn vị này tháo gỡ các thông tin rao bán đất rừng trên mạng”. Hiện huyện đang giao cho Phòng Tài chính kiểm tra thêm các hoạt động của Công ty TNHH Đại Hải.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó giám đốc Sở KH-ĐT Lâm Đồng, cho biết ngày 8.5.2008 UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư và giao 280 ha đất lâm nghiệp cho Công ty TNHH Đại Hải thực hiện dự án bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cao su kết hợp chăn nuôi. Cụ thể, có gần 57 ha rừng phải bảo vệ, 170 ha trồng rừng, 2,45 ha trồng thử nghiệm cao su, 6,45 ha trồng cỏ chăn nuôi bò, 41,37 ha sản xuất nông nghiệp kết hợp (có gần 3 ha làm đường nội bộ). Năm 2011, tỉnh Lâm Đồng cho chuyển đổi thêm 15,54 ha đất nông nghiệp và 1,72 ha đất xây dựng. Mục tiêu dự án đến nay không có gì thay đổi. Công ty TNHH Đại Hải có quyền huy động vốn để trồng rừng, còn việc phân lô rao bán là trái pháp luật.
Hoạ đồ phân lô đất rừng để chào bán trên mạng |
Ông Nguyễn Văn Cường nói: “Những ai đã mua đất do Công ty TNHH Đại Hải rao bán tại dự án này (TK409) thì rủi ro 100%, vì không được tách nhỏ đất dự án để bán. Chúng tôi yêu cầu chủ dự án phải thực hiện đúng mục tiêu đã được cấp phép”.
Ông Hoàng Lợi, Chánh thanh tra Sở TN-MT Lâm Đồng, khẳng định: “Với đất lâm nghiệp được giao để bảo vệ và trồng rừng không được phép sang nhượng dưới bất cứ hình thức nào. Công ty TNHH Đại Hải còn phân lô rao bán là quá liều lĩnh. Chúng tôi sẽ đề xuất cho kiểm tra ngay”.
Chiều 3.8, trả lời Thanh Niên, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Cách đây vài ngày, tôi có nghe thông tin Công ty TNHH Đại Hải phân lô đất rừng tại TK409 và rao bán trên các trang mạng nên đã chỉ đạo Sở TN-MT kiểm tra và chấn chỉnh ngay việc làm sai trái này. Yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng mục tiêu giao đất giao rừng để bảo vệ trồng rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và chăn nuôi. Không thể chuyển đổi dự án này sang làm du lịch sinh thái. Nếu chủ đầu tư cố tình làm sai đề xuất thu hồi dự án”.
Chiều 3.8, PV Thanh Niên phát hiện có thêm nhiều trang mạng rao bán đất tại dự án này với những lời “có cánh” và sử dụng nhiều hình ảnh lắp ghép cùng video giới thiệu trông qua rất hấp dẫn. Ngoài những trang muaban, batdongsan, banggiachudautu… còn có facebook Bungalow Đà Lạt – Lâm Đồng, Lâm Đồng Farmstay, Trang trại nghỉ dưỡng bungalow Lâm Đồng…
LÂM VIÊN