23/12/2024

Sáng kiến an ninh mới tại vùng Vịnh

Sau ý tưởng lập liên minh bảo vệ an ninh hàng hải của Anh và Mỹ, đến lượt Nga đưa ra đề xuất nhằm cải thiện và ổn định tình hình tại vùng Vịnh.

 

Sáng kiến an ninh mới tại vùng Vịnh

Sau ý tưởng lập liên minh bảo vệ an ninh hàng hải của Anh và Mỹ, đến lượt Nga đưa ra đề xuất nhằm cải thiện và ổn định tình hình tại vùng Vịnh.


 
 

Trực thăng hoạt động trên tàu tấn công đổ bộ Mỹ USS Boxer trong lúc di chuyển qua eo biển Hormuz ///  Ảnh: Reuters

Trực thăng hoạt động trên tàu tấn công đổ bộ Mỹ USS Boxer trong lúc di chuyển qua eo biển Hormuz   Ảnh: Reuters

 

 
Hãng TASS hôm qua đưa tin Bộ Ngoại giao Nga trình ý tưởng về mô hình an ninh tập thể tại vịnh Ba Tư cho LHQ và được tổ chức này chấp nhận như là một tài liệu chính thức. Trong đó, Nga dự tính mở các hội nghị quốc tế giữa những nước trong và ngoài khu vực hướng tới mục tiêu thành lập tổ chức chuyên về an ninh và hợp tác. Ngoài ra, Moscow còn đề đạt sáng kiến thành lập vùng phi quân sự trong khu vực, phản đối triển khai lâu dài các lực lượng bên ngoài tại vùng Vịnh và thành lập kênh liên lạc khẩn giữa quân đội các nước.
 
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng trong tình hình hiện tại, cần phải có hành động mạnh mẽ và hiệu quả ở cấp độ khu vực và quốc tế nhằm cải thiện và ổn định tình hình vịnh Ba Tư. Moscow nhấn mạnh với HĐBA và Đại hội đồng LHQ rằng sẵn sàng hợp tác với mọi bên liên quan nhằm thực thi sáng kiến này cũng như những đề xuất xây dựng khác.
 
Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh tình hình vùng Vịnh diễn biến phức tạp khi căng thẳng dâng cao giữa Mỹ và Iran sau các vụ bắn rơi máy bay không người lái còn Anh và Iran cũng mâu thuẫn về những vụ bắt giữ tàu dầu. Phát biểu tại một cuộc hội nghị ở Washington D.C hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết sẽ cần nhiều thời gian hơn dự tính để liên minh bảo vệ an ninh hàng hải ở eo biển Hormuz do nước này đề xuất được triển khai, theo Đài NHK. Dù vậy, ông tự tin tuyên bố nhiều nước trên thế giới đang gia nhập liên minh “vì họ hiểu tầm quan trọng của kế hoạch này”.
 
Theo kế hoạch được công bố trước đó, Mỹ giữ vai trò điều phối và giám sát chung trong khi các nước cho tàu chiến tuần tra và hộ tống tàu thương mại của mình đi qua khu vực. Tuy nhiên, nhiều bên tỏ ra ngần ngại về ý tưởng này, đặc biệt là các nước châu Âu do mâu thuẫn quan điểm với Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Mặt khác, Anh gần đây đưa ra kế hoạch triển khai lực lượng chung EU tại vùng Vịnh và nhấn mạnh đây là biện pháp cần thiết nhằm hộ tống tàu bè qua lại khu vực chứ không muốn leo thang căng thẳng. Hôm qua, Reuters dẫn lời Giám đốc tài chính Hãng dầu khí BP (Anh) Brian Gilvary cho biết sẽ không để tàu dầu của hãng đi qua eo biển Hormuz trong thời gian tới mà sẽ thuê tàu của công ty khác. Trước đó, một tàu dầu của BP bị 3 tàu hải quân Iran tìm cách ngăn chặn khi qua eo biển và sự việc chỉ được giải quyết sau khi tàu chiến Anh can thiệp.

Israel không kích các cơ sở của Iran tại Iraq

Tờ Asharq Al-Awsat hôm qua dẫn nguồn ngoại giao phương Tây tiết lộ không quân Israel đã tiến hành 2 cuộc không kích nhắm vào các cơ sở của Iran tại Iraq trong vòng 10 ngày qua. Vụ đầu tiên diễn ra vào hôm 19.7 nhắm vào kho tên lửa do Iran cung cấp cho lực lượng dân quân tại phía bắc thủ đô Baghdad, còn vụ thứ hai được tiến hành ngày 28.7 nhắm vào một căn cứ đông bắc Baghdad. Hiện các bên liên quan chưa bình luận gì về thông tin này.
 
 
 
BẢO VINH