25/12/2024

Cuộc đua trầy trật của mạng xã hội Việt

Sau những rầm rộ ban đầu, việc các mạng xã hội Việt có trụ được trong cuộc đua đường dài hay không vẫn là câu hỏi ngỏ nếu nhìn vào sự tồn tại “èo uột” của những mạng xã hội này.

 

Cuộc đua trầy trật của mạng xã hội Việt

Sau những rầm rộ ban đầu, việc các mạng xã hội Việt có trụ được trong cuộc đua đường dài hay không vẫn là câu hỏi ngỏ nếu nhìn vào sự tồn tại “èo uột” của những mạng xã hội này.

 
 
 
Cuộc đua trầy trật của mạng xã hội Việt

 
Trong năm 2019, dự kiến sẽ có tới 5 mạng xã hội Việt ra mắt do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Tuy nhiên, sau những rầm rộ ban đầu, việc các mạng xã hội Việt có trụ được trong cuộc đua đường dài hay không vẫn là câu hỏi ngỏ nếu nhìn vào sự tồn tại “èo uột” của những mạng xã hội này.

Tham vọng lớn, nhưng…

Tuy nhiên, điểm chung của những nền tảng MXH đã và sắp ra mắt là giao diện sử dụng “nhang nhác” Facebook và chưa tạo được những sức hút riêng biệt để cạnh tranh thu hút người dùng 

Đầu tháng 6.2019, mạng xã hội (MXH) chuyên về du lịch Hahalolo ra mắt với những tuyên bố rất mạnh mẽ là sẽ đạt “2 tỉ người dùng trong 5 năm tới, đồng thời sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ)”, cạnh tranh trực tiếp với Facebook. Tuy nhiên, mục tiêu quá tham vọng này đã nhận được nhiều phản ứng không tích cực từ chính phía người dùng, cũng như xét trên cơ sở nền tảng còn khá sơ sài của MXH này.

Hôm 23.7, thêm MXH Gapo ra mắt, nhắm vào giới trẻ Việt với mục tiêu thu hút 3 triệu người dùng đến năm 2020 và 50 triệu người dùng tính đến 2021. Khác với Hahalolo gây tranh cãi khi khá “mập mờ” về nguồn vốn đầu tư thì trong buổi ra mắt, Gapo cho biết nhận được cam kết đầu tư 500 tỉ đồng từ quỹ G-Capital cho giai đoạn 2019 – 2021.
 
Tuyên bố trên Facebook, ông Dương Vi Khoa, Giám đốc chiến lược Gapo, cho biết ngoài những tính năng tương tác như các MXH hiện tại, Gapo sẽ chia sẻ lợi nhuận với người dùng đã định danh, tạo được nội dung hấp dẫn trên nền tảng của Gapo, mà không cần là một KOL (người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng) hay người nổi tiếng. Tuy nhiên, MXH này mới được triển khai từ tháng 4.2019 và ra mắt sau hơn 3 tháng, đã gặp trục trặc lỗi hệ thống truy cập ngay trong ngày đầu tiên giới thiệu. Thậm chí, Gapo còn vướng nghi vấn sao chép từng chữ chính sách bảo mật của Google.
 
Cuộc đua trầy trật của mạng xã hội Việt

Doanh thu quảng cáo số tại thị trường VN năm 2018 -  Nguồn: Bộ TT-TT    Ảnh: Ngọc Thắng – Đồ họa: Đông xuân

 
 
Cuối năm 2018, dù không quảng bá rầm rộ như Hahalolo hay Gapo, MXH VietNamTa cũng đã ra mắt và hiện có khoảng 50.000 người sử dụng. Được biết, tháng 9 tới đây sẽ có thêm một MXH về tin tức do một công ty công nghệ lớn ấp ủ ra đời. Với thời gian xây dựng khá dài, nền tảng kỹ thuật tốt do được thừa hưởng đội ngũ kỹ sư công nghệ lớn từ công ty mẹ, nguồn vốn đầu tư khá dồi dào, MXH này hứa hẹn sẽ có nhiều khác biệt so với một số MXH vừa ra mắt thời gian qua.
 
Tuy nhiên, điểm chung của những nền tảng MXH đã và sắp ra mắt là giao diện sử dụng “nhang nhác” Facebook và chưa tạo được những sức hút riêng biệt để cạnh tranh thu hút người dùng. Theo đánh giá của người dùng tải app VietNamTa trên CH Play, Appstore, bên cạnh những ý kiến ủng hộ “hàng Việt”, không ít người dùng phàn nàn vì thủ tục khá phức tạp, khó đăng ký tham gia, tải ảnh chậm, giao diện còn đơn điệu… Tương tự, phản hồi từ người dùng với MXH Gapo cũng chưa tích cực do sự cố “sập” hệ thống ngay khi ra mắt. Hiện Gapo mới hoạt động trên app (ứng dụng trên điện thoại), chưa hỗ trợ phiên bản web cũng là một điểm khó thu hút.
 
Trước đó, nhiều MXH Việt đã từng thu hút được lượng khá lớn người dùng, nhưng sau đó đều thất bại. Zing me, một sản phẩm của Công ty VNG là MXH đầu tiên tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với Facebook, có những thời điểm MXH này đã vượt Facebook về số lượng người dùng trong giai đoạn Facebook mới vào thị trường VN năm 2009 – 2011. Tuy nhiên, từ 2012 Facebook đã vượt lên rất nhanh, bỏ xa Zing me. Thất bại với Zing me, VNG đã chuyển hướng sang tập trung vào chiến lược OTT trên nền tảng mobile và thành công với Zalo.
 
Một MXH khác của VN ra đời từ những ngày đầu tiên để cạnh tranh với Facebook là Go.vn của VTC, được đầu tư rất lớn từ kỹ thuật đến truyền thông, với kỳ vọng một mạng hàng đầu về giáo dụcgiải trí và giao tiếp trực tuyến. Nhưng mục tiêu này đã không thành công, tới nay, Go.vn đang hoạt động như một trang tin tức tổng hợp.

Zalo từ chối là mạng xã hội ?

Trong khi đó, Zalo – vẫn được người dùng và nhiều cơ quan quản lý mặc định như một MXH lớn của VN lại đang gây nhiều tranh cãi khi Sở Thông tin – Truyền thông (TT-TT) TP.HCM vừa đề nghị thu hồi 2 tên miền zalo.me và zalo.vn do không có giấy phép hoạt động MXH. Hiện tại, cả 2 trang zalo.me và zalo.vn đều không thể mở trên trình duyệt web, mà chỉ điều hướng sang tải app chat zalo.
 
Năm 2018, Zalo từng bị phạt vì không có giấy phép hoạt động MXH, song VNG (chủ quản của Zalo) vẫn chưa có động thái xin giấy phép. Nhiều câu hỏi vì sao Zalo đang hoạt động gần như theo mô hình MXH, nhưng lại luôn khẳng định mình là mô hình ứng dụng OTT, đã không được giải đáp khi cả đại diện Zalo và VNG đến nay không đưa ra bất kỳ thông tin nào.
Đáng chú ý, theo công bố của VNG, Zalo đã có hơn 100 triệu người sử dụng tại VN và nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới như Mỹ, Myanmar, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… Theo số liệu của Bộ TT-TT, Zalo là MXH có thị phần đứng thứ 2 tại VN hiện nay, sau Facebook. Ứng dụng này hiện có khoảng 46 triệu người sử dụng hằng tháng. Không chỉ tích hợp hàng loạt tính năng như mua sắm, tra cứu xe buýt, thông tin thời tiết…, Zalo được hơn 30 tỉnh thành đặt hàng trong triển khai mô hình hành chính công 4.0…
 
Dù vậy, trong những lần công bố thông tin, cả VNG và Zalo Group đều khẳng định định hướng xuyên suốt là một OTT, có lẽ một phần trong những lý do là VN hiện nay chưa có quy định quản lý với OTT.
 
Theo một chuyên gia, sở dĩ Zalo hoạt động “mập mờ” khi gần như là MXH nhưng không xin giấy phép hoạt động MXH, do việc trở thành MXH chính thức sẽ phải gặp nhiều bất lợi so với các MXH trên nền tảng xuyên biên giới, không chịu sự quản lý, quy định pháp luật của VN. Tại một số hội nghị, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp, cũng nhiều lần lên tiếng về những bất cập trong chính sách quản lý với lĩnh vực nội dung số, khá chặt với doanh nghiệp (DN) trong nước nhưng lại không quản lý được DN nước ngoài.
 
Trên thực tế, Google, Facebook không phải nộp thuế, không cần giấy phép, thậm chí không có văn phòng đại diện tại VN, trong khi DN nội dung số VN phải được cấp phép và không được sáng tạo ra ngoài những gì đã được cấp phép…

Tiền chảy vào túi doanh nghiệp ngoại

Dù thời gian sử dụng internet của VN ở mức khá cao so với thế giới, nhưng phần lớn thời gian người dùng dành cho những ông lớn xuyên biên giới như Facebook, YouTube, Instagram. VN xếp thứ 7 trên thế giới về số người sử dụng Facebook. Facebook và YouTube cũng là những trang đang được sử dụng nhiều nhất với tỷ lệ 61% và 59%, nguồn tiền quảng cáo cũng rơi phần lớn vào túi những DN này.
 
Theo Bộ TT-TT, năm 2018 doanh thu quảng cáo số tại thị trường VN đạt khoảng 550 triệu USD, trong đó riêng 2 MXH nước ngoài chiếm 67%, Facebook đạt 235 triệu USD, Google (YouTube) đạt gần 133 triệu USD. Hàng nghìn DN nội dung số, truyền hình và báo điện tử chỉ chiếm hơn 30% doanh thu còn lại.
 
Con số này khá mâu thuẫn nếu nhìn vào số lượng người sử dụng. Tính đến cuối tháng 6.2019, số lượng người dùng Facebook tại VN khoảng 60 – 65 triệu người, số người dùng YouTube khoảng 30 triệu. Trong khi theo Bộ TT-TT, số người dùng 2 MXH trong nước là Zalo (VNG) và Mocha (Viettel) hằng tháng lần lượt lên tới 46,7 triệu và 4,8 triệu. Như vậy, ngay cả Zalo vốn không thua kém nhiều về số lượng người dùng, nhưng doanh thu từ quảng cáo lại kém rất xa so với 2 ông lớn Facebook và YouTube. Trong khi đó, dù chiếm phần lớn doanh thu, song Facebook và YouTube lại đang không phải đóng bất kỳ đồng thuế nào cho VN.
 
Tính đến nay, Facebook có khoảng 2,3 tỉ người dùng tương tác hằng tháng; Instagram hơn 1 tỉ người/tháng; Twitter có 326 triệu người/tháng, Linkedin là 303 triệu người dùng/tháng (tháng 5.2019), theo trang OmnicoreAgency.com.
 
Bên cạnh những mạng phổ biến toàn cầu, một số quốc gia cũng phát triển MXH riêng để thay thế hoàn toàn hoặc tạo thêm lựa chọn cho người dùng, phù hợp với thói quen, văn hoá và tập quán riêng cũng như tránh để không gian mạng bị “thống trị độc quyền”.
 
Tại Trung Quốc, từ năm 2009, các MXH nước ngoài hầu như hoàn toàn vắng bóng và thay bằng những ứng dụng được phát triển trong nước như Renren, Weibo, WeChat… Trong đó, WeChat có lượng người dùng tương tác mỗi tháng là khoảng 1,08 tỉ, Weibo có 445 triệu người/tháng; QQ có 800 triệu người dùng/tháng. Theo thống kê, người Trung Quốc dành trung bình hơn 70 phút/ngày cho WeChat.
 
Tại Nga, hoạt động của Facebook chịu nhiều hạn chế và cư dân mạng nước này chủ yếu sử dụng nền tảng MXH riêng là VKontakte (VK) với khoảng 100 triệu người dùng tương tác hằng tháng, theo trang tin Makeawebsitehub.com.
 
Riêng tại Nhật Bản và Hàn Quốc, dù không có bất cứ hạn chế nào đối với những nền tảng của nước ngoài nhưng hầu hết người dùng lại ưa thích các ứng dụng nhắn tin kèm theo nhiều tính năng đa dạng không khác gì các trang MXH thực thụ. Trong đó 49 triệu người Hàn Quốc tương tác hằng tháng thông qua ứng dụng Kakao Talk còn Line trở thành ứng dụng nhắn tin – MXH lớn nhất ở Nhật Bản từ năm 2013 với khoảng 80 triệu người dùng tương tác hằng tháng và phần lớn dành trung bình 40 phút/ngày cho ứng dụng này, theo trang Similarweb.com.
 
 
Huỳnh Thiềm