Sao không có điểm sàn cho kỳ thi riêng?
Trong khi xét tuyển bằng học bạ và kết quả thi THPT quốc gia các ngành sức khoẻ và sư phạm có quy định riêng về điểm sàn, thì ở kỳ thi riêng do trường ĐH tổ chức hiện không có quy định này.
Sao không có điểm sàn cho kỳ thi riêng?
Trong khi xét tuyển bằng học bạ và kết quả thi THPT quốc gia các ngành sức khoẻ và sư phạm có quy định riêng về điểm sàn, thì ở kỳ thi riêng do trường ĐH tổ chức hiện không có quy định này.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019 Ngọc Dương
Không có điểm sàn cho kỳ thi riêng
Năm nay, quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT có quy định về điểm sàn cho thí sinh xét tuyển vào các ngành thuộc khối sức khỏe và sư phạm. Theo đó, phương thức xét điểm thi THPT quốc gia, bộ căn cứ trên điểm thi để đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) cho các nhóm ngành này. Trong đó, thí sinh có kết quả thi dưới 21 điểm thì không được nộp hồ sơ xét tuyển ngành y khoa.
Với phương thức xét tuyển dựa hoàn toàn vào điểm học bạ THPT, quy chế yêu cầu thí sinh cần có điều kiện tối thiểu là học lực giỏi hoặc khá lớp 12 để xét tuyển vào các ngành sức khỏe và sư phạm.
Ngoài ra, nếu sử dụng kết hợp đồng thời điểm thi THPT quốc gia, điểm học bạ trong cùng một phương thức xét tuyển vào các ngành này, mỗi điểm số cũng cần đạt ngưỡng riêng.
Nhưng hiện nay với các phương thức tuyển sinh khác, đặc biệt là kỳ thi riêng do các trường tổ chức thi để xét thí sinh, thì không có mức ngưỡng điểm tối thiểu cụ thể như quy định của bộ.
Một cách “né” quy định điểm sàn?
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết điểm sàn là điều kiện cần thiết để giúp các trường không phải chọn thí sinh không có năng lực vào học ngành y.
Tuy nhiên, theo ông Khôi, những trường trước đây đã tuyển số lượng lớn và bằng điểm thi thấp thì năm nay sẽ thấy sàn ngành sức khỏe mà bộ đưa ra hơi cao. Các trường này có thể phải sử dụng thêm hình thức tuyển sinh khác, có nguy cơ biến tướng.
Chẳng hạn, theo ông Khôi, kỳ tuyển sinh riêng do các trường tổ chức có thể chỉ dành cho thí sinh muốn vào mà năng lực không cao.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cảnh báo về khả năng “né” quy định điểm sàn và học lực của một số trường với ngành sức khỏe bằng việc tổ chức kỳ thi riêng.
“Quy chế của bộ đã quy định điểm sàn cho phương thức xét tuyển kết quả thi và xét học bạ nhưng với kỳ thi trường tự tổ chức riêng thì các trường toàn quyền quyết định điểm trúng tuyển, kể cả với ngành y khoa”, ông Nghĩa lý giải.
Cần mức sàn cho kỳ thi riêng?
Trưởng phòng Đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng nếu các trường sử dụng kết quả kỳ thi riêng để tuyển sinh thì nên kết hợp với các tiêu chí cứng về điểm số. Tiêu chí đó có thể là xét điểm học bạ THPT hoặc điểm thi THPT quốc gia. “Bởi lẽ rất khó để đánh giá một thí sinh dựa vào kỳ thi do trường tự ra đề, tự xác định điểm chuẩn. Ngay cả kỳ thi chung được tổ chức để xét tuyển cho nhiều trường thì cũng không có quy định sàn tối thiểu nên có trường xét gần 1.000/1.200 điểm, trong khi có trường chỉ lấy 400 điểm, tương đương với 3 điểm theo thang 10”, người này nói.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập, cho biết trường ông không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ hoặc kết quả thi năng lực cho ngành quan trọng như y khoa vì còn băn khoăn về chất lượng kỳ thi. Theo phó hiệu trưởng này, các ngành quan trọng như sức khoẻ hoặc sư phạm khi xét tuyển bằng kỳ thi riêng cũng cần có quy định ngưỡng tối thiểu để đảm bảo chất lượng.
Còn PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi đề xuất: “Trong bối cảnh các trường được phép sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh như hiện nay thì không chỉ kiểm soát chất lượng đầu vào mà cả quá trình giảng dạy và đầu ra”.
HÀ ÁNH