Hành động của Trung Quốc tại khu vực bãi Tư Chính là cực kỳ nguy hiểm
Bình luận với Thanh Niên về diễn biến gần đây tại khu vực bãi Tư Chính, các chuyên gia đều nhấn mạnh hành động của Trung Quốc là cực kỳ nguy hiểm, xâm phạm quyền lợi biển của Việt Nam và đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Hành động của Trung Quốc tại khu vực bãi Tư Chính là cực kỳ nguy hiểm
Bình luận với Thanh Niên về diễn biến gần đây tại khu vực bãi Tư Chính, các chuyên gia đều nhấn mạnh hành động của Trung Quốc là cực kỳ nguy hiểm, xâm phạm quyền lợi biển của Việt Nam và đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Hoạt động phi pháp của tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc tới ngày 19.7 Twitter Ryan Martison
PGS-TS Vũ Thanh Ca (Đại học Tài nguyên – Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ – Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam):
Khu vực bãi Tư Chính cách các nhóm đảo Phú Quý và Côn Đảo của Việt Nam khoảng 200 hải lý và bờ biển Việt Nam khoảng 220 hải lý, là phần kéo dài về phía Đông Nam của thềm lục Việt Nam. Đây là một bãi ngầm san hô dài 63 km, rộng 11 km. Cần chú ý là các bãi ngầm Tư Chính, Vũng Mây và các đá Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên là phần nối dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông Nam. Các bãi cạn này ngăn cách với quần đảo Trường Sa bằng một rãnh sâu nên theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), nó không thuộc quần đảo Trường Sa.
Không phải vùng tranh chấp
Bãi ngầm Tư Chính nằm cách xa lục địa Trung Quốc khoảng trên 600 hải lý. Vì vậy, theo quy định của UNCLOS, khu vực này chỉ liên quan đến hai quốc gia có bờ biển đối diện với Việt Nam là Malaysia và Brunei. Hiện nay, tại khu vực này Việt Nam và Malaysia đã trình chung hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa. Brunei không phản đối. Khu vực này trên thực tế thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không phải vùng tranh chấp. Và hiện nay Việt Nam cũng đang kiểm soát và khai thác dầu khí tại đây.
Lý luận của Trung Quốc khi đưa ra yêu sách tranh chấp với Việt Nam là bãi này nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” hoặc là một phần của cái gọi là “vùng nước quần đảo Trường Sa”. Tuy vậy, phán quyết của Toà Trọng tài thường trực năm 2016 đã nêu rõ hai điểm: một là không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn và hai là không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng và các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. Như vậy, không thể dùng “đường lưỡi bò” hoặc “vùng nước quần đảo Trường Sa” để biện minh rằng vùng biển bãi Tư Chính là vùng tranh chấp.
Cần chú ý rằng theo như theo dõi của tôi trên ảnh vệ tinh, có lúc tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng các tàu hộ tống vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tới khoảng cách cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Như vậy tàu Trung Quốc đã vi phạm không chỉ vùng thềm lục địa mà cả vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
NGỌC MAI