Nguy cơ tình hình vùng Vịnh nóng lên
Tổng thống Donald Trump khẳng định chiến hạm Mỹ đã bắn hạ một máy bay không người lái của Iran ở eo biển Hormuz, trong khi Tehran phủ nhận.
Nguy cơ tình hình vùng Vịnh nóng lên
Tổng thống Donald Trump khẳng định chiến hạm Mỹ đã bắn hạ một máy bay không người lái của Iran ở eo biển Hormuz, trong khi Tehran phủ nhận.Trực thăng UH-1Y Venom cất cánh từ tàu USS Boxer lúc đi qua eo biển Hormuz hôm 18.7 Reuters
Sáng qua (theo giờ VN), Tổng thống Donald Trump tuyên bố tàu tấn công đổ bộ USS Boxer của nước này đã “có hành động tự vệ” khi một chiếc máy bay không người lái (UAV) của Iran “đe doạ an toàn của tàu và thủy thủ” ở eo biển Hormuz, theo Reuters. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định chiếc UAV “lập tức bị huỷ diệt” khi tiến vào phạm vi cách tàu Mỹ 914 m. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman sau đó nói một chiếc UAV đã tiếp cận USS Boxer trong “tầm đe doạ” vào khoảng 10 giờ sáng 18.7 (giờ địa phương) khi tàu di chuyển qua eo biển Hormuz, nhưng không nói rõ UAV thuộc nước nào. Một quan chức Mỹ tiết lộ với Reuters rằng UAV bị hạ thông qua việc gây nhiễu điện tử.
Về phía Iran, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Seyyed Abbas Araqchi bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Trump khi viết trên Twitter: “Chúng tôi không mất bất kỳ UAV nào ở eo biển Hormuz hay bất kỳ nơi nào khác. Tôi e rằng USS Boxer đã bắn nhầm UAV nhà mình”. Tương tự, Hãng tin Tasnim dẫn lời phát ngôn viên quân đội Iran Abolfazl Shekarchi khẳng định: “Tất cả UAV thuộc Iran ở vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz trở về căn cứ an toàn sau khi thực hiện sứ mệnh nhận dạng cũng như kiểm soát và không có báo cáo về bất cứ phản ứng nào từ USS Boxer”. Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho hay họ sẽ công bố hình ảnh để chứng minh tuyên bố bắn hạ UAV của Tổng thống Trump là không có căn cứ.
Trước đó vào ngày 20.6, IRGC bắn hạ một UAV của Mỹ ở eo biển Hormuz với cáo buộc vi phạm không phận Iran trong khi Washington khẳng định UAV ở trong không phận quốc tế. Mỹ còn cáo buộc Iran đứng sau hàng loạt vụ tấn công tàu ở khu vực từ giữa tháng 5. Tehran đã bác bỏ các cáo buộc.
Đến ngày 18.7, truyền hình Iran dẫn thông báo từ IRGC tuyên bố đã bắt giữ một tàu dầu nước ngoài với cáo buộc “buôn lậu một triệu lít nhiên liệu ở đảo Lark trên vịnh Ba Tư”. Một số nguồn thạo tin hôm qua tiết lộ với Reuters rằng do quan ngại sẽ gia tăng căng thẳng với Iran, Mỹ đang cố gắng thuyết phục các đồng minh ủng hộ sáng kiến tăng cường giám sát các tuyến đường biển quan trọng ở Trung Đông. Trước tình trạng các đồng minh còn lưỡng lự trong việc đóng góp khí tài và lực lượng, một quan chức Lầu Năm Góc khẳng định mục tiêu của Mỹ không phải thiết lập liên minh quân sự mà là chiếu “đèn chớp” ở khu vực để ngăn chặn các cuộc tấn công vào tàu thương mại.
Quan hệ Mỹ – Iran trở nên xấu đi kể từ khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân năm 2015 được Tehran ký với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Mỹ cũng áp đặt lệnh cấm vận đối với Iran và tuyên bố muốn gia tăng sức ép để Tehran đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân cũng như thảo luận chương trình tên lửa đạn đạo. Bộ Tài chính Mỹ hôm qua thông báo nước này vừa áp đặt lệnh cấm vận mới đối với một mạng lưới công ty quốc tế và một số cá nhân liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Đây là lệnh cấm vận đầu tiên của Washington kể từ khi Tehran hôm 1.7 thông báo đã làm giàu uranium nhiều hơn mức được cho phép theo thỏa thuận hạt nhân, theo Reuters.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 18.7 cho hay nước này có thể lập tức cho phép thanh sát chương trình hạt nhân nếu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ không nêu tên cáo buộc ý định của Iran là “cố gắng tác động để cấm vận được dỡ bỏ, nhưng vẫn duy trì được khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân trong tương lai”.
Thủy thủ Mỹ mất tích trong vùng Vịnh
CNN hôm qua đưa tin hải quân Mỹ cùng đồng minh đang tìm kiếm một thủy thủ nghi rơi xuống biển từ tàu sân bay USS Abraham Lincoln hôm 17.7 trong lúc tàu hoạt động ở biển Ả Rập. Tham gia tìm kiếm nạn nhân có lực lượng trên tàu USS Abraham Lincoln và tàu tuần dương USS Leyte Gulf cùng sự hỗ trợ từ tàu hộ tống của Tây Ban Nha và Pakistan.
VĂN KHOA