28/11/2024

Xây dựng nghề cá bền vững

Ngày 23.10.2017, Liên minh châu Âu (EU) đã ‘rút thẻ vàng’ đối với ngành khai thác hải sản VN. Nguyên nhân là VN chưa quản lý tốt, còn tồn tại nhiều vấn đề như khai thác thiếu bền vững, bất hợp pháp và không có báo cáo.

 

Xây dựng nghề cá bền vững

Ngày 23.10.2017, Liên minh châu Âu (EU) đã ‘rút thẻ vàng’ đối với ngành khai thác hải sản VN. Nguyên nhân là VN chưa quản lý tốt, còn tồn tại nhiều vấn đề như khai thác thiếu bền vững, bất hợp pháp và không có báo cáo.



 
Gỡ thẻ vàng chỉ là mục tiêu trước mắt, VN nên xây dựng chiến lược bền vững cho ngành khai thác hải sản /// Ảnh: Hoàng Trọng

Gỡ thẻ vàng chỉ là mục tiêu trước mắt, VN nên xây dựng chiến lược bền vững cho ngành khai thác hải sản ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Theo thông lệ, sau 6 tháng EU sẽ xem xét lại những khuyến nghị và mức độ đáp ứng của nước bị phạt thẻ để có biện pháp tương ứng. Để giải bài toán này, VN đã triển khai kế hoạch hành động quốc gia.
 

Nhiều giải pháp quyết liệt

Ngay sau khi bị phạt thẻ, Thủ tướng đã chỉ thị triển khai một số giải pháp cấp bách trong đó nội dung quan trọng là ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân VN vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Công bố công khai danh sách tàu cá và chủ tàu vi phạm khai thác IUU (hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương đã triển khai và giao nhiệm vụ về tận các huyện cũng như các ngành có liên quan. Bên cạnh việc gắn trách nhiệm của các cấp quản lý ngành chức năng không cấp giấy phép khai thác thuỷ sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá tái phạm, khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, sẽ tước giấy phép khai thác thuỷ sản trong vòng 6 tháng đến 1 năm đối với tàu cá vi phạm lần đầu và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với tàu cá tái phạm.
 
Ở cấp độ quản lý chuyên ngành, Bộ NN-PTNT đã nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase); đưa các nội dung chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp vào dự thảo luật Thuỷ sản và được Quốc hội thông qua tháng 11.2017. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) cũng như Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (VASEP) có nhiều nỗ lực như thành lập Ban Điều hành chương trình chống khai thác IUU, công bố sách trắng về chống khai thác IUU… Đặc biệt, cộng đồng DN là những người ý thức rất rõ việc cần thiết phải tham gia chống hoạt động khai thác IUU. Thể hiện quyết tâm đó, đầu tháng này, các DN hải sản đồng loạt treo “Bản cam kết chống khai thác IUU” tại cổng công ty hoặc cửa nhà máy chế biến. Đây là một trong những hành động thể hiện sự đồng lòng quyết tâm của DN cũng như bảo vệ uy tín sản phẩm hải sản.
 
Có thể thấy những nỗ lực của VN trong thời gian qua được triển khai tích cực và đồng bộ nhằm thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt. Để thực hiện được việc này một cách tốt nhất, VN đã đưa vào luật nhằm hình thành khung pháp lý theo các khuyến nghị của EU.
Không chỉ là xoá thẻ
 
Bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất Trưởng ban Thương mại và Kinh tế của Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại VN, chia sẻ: “Mục tiêu của EU là muốn ngành khai thác hải sản của VN thay đổi tích cực hơn chứ không phải gây thêm trở ngại cho các bạn. Trong đó có việc hoàn thiện các chính sách quản lý thông tin, quản lý nguồn lợi hải sản, kế hoạch đánh bắt. Với việc khai thác bài bản như vậy, hải sản vùng biển VN sẽ dồi dào hơn nên việc khai thác cũng bền vững hơn. EU sẵn sàng hỗ trợ VN thực hiện tốt quy định IUU”.
 
Vấn đề bà Miriam Garcia Ferrer chia sẻ được nhiều chuyên gia trong nước đồng tình. TS Lê Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, nói: “Xoá thẻ chỉ là mục tiêu trước mắt mà chúng ta cần phải giải quyết để gỡ khó cho ngành khai thác hải sản. Chúng ta cần xác định mục tiêu lâu là bảo vệ nguồn lợi hải sản để có thể khai thác bền vững hơn. Để đạt được mục tiêu đó thì cần phải tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tích cực và quyết liệt hơn. Bài học của các nước phát triển là cá khi đưa về cảng đều được phân loại thống kê và truyền số liệu về trung tâm quản lý. Việc đó giúp họ xây dựng được kế hoạch khai thác như thế nào cho hợp lý mà vẫn bảo tồn được nguồn lợi. Từ đó xây dựng kế hoạch phát triển tàu bè đánh bắt sao cho hợp lý, nhà xưởng chế biến phù hợp”, bà Minh nói, đồng thời cho rằng những cảng cá là các chợ đầu mối và để được vào chợ mua bán phải được cấp phép chứ không theo kiểu nhỏ lẻ, tự do. Đây là cách quản lý theo chuỗi thực phẩm nhằm ngăn chặn tình trạng bơm chích, bảo quản thiếu an toàn. Nếu chúng ta xây dựng và quản lý được chuỗi thực phẩm như vậy thì những loài nào không ăn được sẽ bị chặn ngay từ cảng cá. Thậm chí, chúng ta có thể ngăn chặn ngay từ việc khai thác đánh bắt vì cá ở những tầng khác nhau, dụng cụ khai thác cũng khác nhau.
 
“Mục tiêu của chúng ta không nên dừng lại ở việc gỡ thẻ mà phải là xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn và bảo vệ nguồn lợi hải sản bền vững”, TS Minh nêu quan điểm.