24/12/2024

Mong manh thoả thuận hạt nhân Iran

Iran tuyên bố chỉ đối thoại nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận và đe doạ tình hình có thể quay lại như thời điểm trước khi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được ký.

 

Mong manh thoả thuận hạt nhân Iran

Iran tuyên bố chỉ đối thoại nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận và đe doạ tình hình có thể quay lại như thời điểm trước khi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được ký.
 
 
 
 
Bên trong cơ sở hạt nhân Bushehr của Iran /// Reuters

Bên trong cơ sở hạt nhân Bushehr của Iran  Reuters

 

 
 
Hãng tin IRNA hôm qua dẫn lời người phát ngôn Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi tuyên bố nước này sẽ quay lại tình hình trước khi thoả thuận hạt nhân (JCPOA) được ký kết với nhóm P5+1 (Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) nếu châu Âu không thực thi những ràng buộc trong đó. Theo thoả thuận, Iran đồng ý hạn chế phát triển chương trình hạt nhân để đổi lại được phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế. Riêng Mỹ hồi năm ngoái đã rút khỏi JCPOA và tái áp đặt cấm vận lên Tehran.
 
 
Theo ông Kamalvandi, châu Âu phải hành động nhiều hơn để đảm bảo Iran nhận được lợi ích kinh tế phù hợp với những điều mà nước này đã thực thi theo JCPOA. Ngược lại, Tehran sẽ tiếp tục làm giàu uranium lên 20% hoặc tái khởi động các máy ly tâm. Nhằm phản ứng lại việc Mỹ tái áp đặt cấm vận, Iran đã phá vỡ một số cam kết trong JCPOA như sản xuất uranium vượt ngưỡng 300 kg và làm giàu lên mức 4,5%. “Nếu châu Âu và Mỹ không muốn thực thi cam kết của họ thì chúng tôi sẽ tạo ra sự cân bằng bằng cách rút lại cam kết và quay lại tình hình như 4 năm trước”, ông Kamalvandi cảnh báo.
 

Cùng ngày, AFP trích truyên bố chung của ba nước Anh, Đức và Pháp bày tỏ lo ngại những động thái của Iran và Mỹ có thể khiến thỏa thuận hạt nhân sụp đổ. Tuyên bố nhấn mạnh các bên cần hành xử có trách nhiệm, cân nhắc hậu quả trước khi hành động và chấm dứt leo thang căng thẳng, khôi phục đối thoại. Trong một bình luận riêng, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian chỉ trích phản ứng của Iran về việc Mỹ rút khỏi JCPOA là “quyết định tồi tệ sau một quyết định tồi tệ khác”, đồng thời lưu ý dù cả Washington và Tehran đều không muốn chiến tranh nhưng “có những yếu tố leo thang đáng lo ngại”. Cũng trong ngày 15.7, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt thừa nhận dù “một số thứ đang khép lại” nhưng hy vọng để cứu vãn JCPOA vẫn còn. Cùng ngày, ngoại trưởng các nước EU nhóm họp về thỏa thuận hạt nhân tại Brussels (Bỉ) nhằm tìm cách thuyết phục Iran và Mỹ giảm căng thẳng, đồng thời xúc tiến việc đối thoại để ngăn thỏa thuận sụp đổ.

 
 
 
Trước đó, Tổng thống Hassan Rouhani phát biểu trên truyền hình rằng Iran sẵn sàng đối thoại ngay lập tức nếu như Mỹ dỡ bỏ cấm vận, chấm dứt sức ép về kinh tế và quay trở lại JCPOA. Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố đây là điều không thể xảy ra và chính quyền hiện tại sẽ không chấp nhận cùng một lời đề nghị mà Iran từng đưa cho Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry. “Đây là con đường mà chính quyền trước đây đã trải qua và nó dẫn đến thỏa thuận hạt nhân Iran, điều mà Tổng thống Trump và tôi đều tin là một thảm họa”, ông Pompeo nói với tờ The Washington Post.
 
 
Mỹ cấp visa cho Ngoại trưởng Iran
Reuters hôm qua dẫn nguồn tin tiết lộ chính quyền Mỹ đã cấp thị thực cho Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đến New York dự một số cuộc họp tại LHQ trong tuần này. Ngoại trưởng Mike Pompeo sau đó xác nhận thông tin nhưng nói visa chỉ cho phép ông Zarif đi lại trong phạm vi một vài địa điểm ở New York. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Iran chỉ trích lệnh giới hạn của Mỹ. Giới quan sát nhận định nếu Mỹ không cấp visa đồng nghĩa nước này đang gia tăng cô lập Iran và khiến cánh cửa ngoại giao khép lại hoàn toàn.
 
 
 
 BẢO VINH