28/12/2024

Người dân Iran đói nghèo vì lệnh trừng phạt nhưng không tin có chiến tranh

Là một trong những phóng viên phương Tây hiếm hoi được tạo điều kiện tác nghiệp, phóng viên của đài BBC đã nói chuyện với những người dân tại thủ đô Tehran và thành phố Qom (Iran) về cuộc khủng hoảng đang leo thang với Mỹ.

 

Người dân Iran đói nghèo vì lệnh trừng phạt nhưng không tin có chiến tranh

Là một trong những phóng viên phương Tây hiếm hoi được tạo điều kiện tác nghiệp, phóng viên của đài BBC đã nói chuyện với những người dân tại thủ đô Tehran và thành phố Qom (Iran) về cuộc khủng hoảng đang leo thang với Mỹ.


 

Người dân Iran đói nghèo vì lệnh trừng phạt nhưng không tin có chiến tranh - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif

 

Tại Iran, tất cả các phương tiện truyền thông nước ngoài được cấp quyền tác nghiệp đều bị quản lý việc ghi âm và có một nhân viên chính phủ tháp tùng phóng viên trong chuyến đi.

Nhìn chung, theo BBC ngày 15-7, người dân Iran cảm thấy tức giận. Họ cảm thấy bị Mỹ phản bội, khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Tehran và 6 cường quốc trên thế giới hồi năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). 

Tổng thống Trump cho rằng: thỏa thuận trên đã quá hào phóng với Iran và để nước này tự do phát triển tên lửa đạn đạo và can thiệp ở Trung Đông. Ông Trump muốn dùng “áp lực tối đa” để buộc Iran quay trở lại bàn đàm phán. Nhiều người Iran lo sợ điều này có thể dẫn đến xung đột.

Người dân Iran đói nghèo vì lệnh trừng phạt nhưng không tin có chiến tranh - Ảnh 2.

Ông Hadi (phải) điều hành một quán cà phê phục vụ người đi bộ đường dài ở ngoại ô Tehran – Ảnh: BBC

 

Ngoài ra, người Iran cũng cảm thấy bị các nước châu Âu như Anh, Pháp và Đức bỏ rơi dù các nước này vẫn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Quyết định của Mỹ khiến những người theo lập trường cứng rắn tại Iran, củng cố thêm niềm tin là ngay từ đầu không bao giờ nên tin tưởng Washington. Mất niềm tin vào Mỹ và Anh đang dần lan rộng và sâu trong tư tưởng của những người dân Iran.

“Người Iran chúng tôi đã trải qua một quá trình lịch sử rất dài và chúng tôi luôn đương đầu với những khó khăn” – ông Hadi, điều hành một quán cà phê phục vụ người đi bộ đường dài ở ngoại ô Tehran, chia sẻ.

Ông Hadi nói rằng: người Mỹ nghĩ rằng các biện pháp trừng phạt sẽ dẫn đến xung đột và chính phủ Iran không còn lựa chọn nào khác ngoài thỏa hiệp.

Tuy nhiên ông Hadi cho rằng sự trừng phạt của Washington đang có tác dụng ngược khi khiến những người bảo thủ và dân chủ trên khắp nước đoàn kết lại.

“Chúng tôi đoàn kết và tình hình càng khó khăn thì người dân càng trở nên đoàn kết” – ông Hadi nhận định.

Giá thực phẩm tại Iran đã tăng gấp đôi vì nền kinh tế suy thoái trong năm vừa qua, nhiều người đang phải vật lộn để tìm việc làm và kiếm tiền trang trải cuộc sống.

“Tôi không chắc Donald Trump có lợi gì khi làm chúng tôi tổn thương” – bà Zohreh Farzaneh, bà mẹ 3 con làm nghề xếp quần áo, chia sẻ. Bà Farzaneh kiếm được khoảng 2 USD mỗi ngày.

Bà Farzaneh nói rằng, các biện pháp trừng phạt khiến gia đình bà rơi vào cảnh đói nghèo. Bà không còn đủ khả năng để mua thịt cho gia đình hay thuốc hen suyễn cho chính mình.

Bà Farzaneh buộc lòng phải gửi đứa con trai 11 tuổi cho một tổ chức từ thiện, để con bà có ít nhất 1 bữa ăn đầy đủ mỗi ngày. Phải nhờ đến người khác để nuôi con của mình, bà Farzaneh cảm thấy buồn tủi nhưng không có lựa chọn nào khác.

“Ít nhất chúng tôi có hòa bình ở Iran, không có chiến tranh” – bà Farzaneh chia sẻ.

Người dân Iran đói nghèo vì lệnh trừng phạt nhưng không tin có chiến tranh - Ảnh 3.

Đi bộ đường dài là một thú tiêu khiển phổ biến của người dân Iran – Ảnh: BBC

 

Trong khi đó một phụ nữ trẻ tên Nasim, đang đi bộ với một nhóm bạn, cho rằng: “Có lẽ sẽ tốt hơn cho chúng tôi nếu chiến tranh xảy ra”.

Khi nhận được câu hỏi vì sao lại có người muốn chiến tranh, bà Nasim nói rằng: “Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi trong hệ thống cầm quyền của chúng tôi. Nó có thể dẫn đến một tình huống tốt hơn. Tuy nhiên nếu nó dẫn đến một cuộc nội chiến thì không, nó không tốt chút nào”.

Phóng viên đài BBC cho biết mọi người Iran trò chuyện với họ trong hành trình 10 ngày tại nước này đều tin rằng không có khả năng xảy ra chiến tranh với Mỹ.

Cựu Thứ trưởng bộ Ngoại giao Iran, ông Hossein Sheikholislam lý giải rằng là vì chiến tranh không có lợi cho đất nước này. “Sẽ không có chiến tranh. Dĩ nhiên có thể ai đó sẽ phạm sai lầm. Nhưng chúng tôi không muốn một cuộc chiến” – ông Sheikholislam nói.

“Tôi tin rằng ông Trump hiểu một cuộc chiến không phải là điều ông ấy muốn bởi một cuộc chiến chống lại chúng tôi sẽ đem đến những cái chết cho lính Mỹ” – ông Sheikholislam nhận định.

Hãng tin Reuters dẫn hai nguồn tin thông thạo vấn đề cho biết, Mỹ đã cấp thị thực cho Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif để ông tham dự một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại New York trong tuần này.

Hai nguồn tin trên ngày 14-7 cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phê duyệt quyết định trên. Đây là một tín hiệu cho thấy Washington muốn thông qua ngoại giao để giải quyết các bất đồng với Tehran.

Trước đó, ngày 24-6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông Zarif nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên các nguồn tin thông thạo vấn đề ngày 14-7 nói với hãng Reuters rằng Washington đã quyết định để ông Zarif ra ngoài danh sách đen.

 

 

ANH THƯ