25/01/2025

Sản xuất thuận thiên: Thành bại tại đê bao

Sống chung với lũ ở ĐBSCL là chuyện hơn 10 thập kỷ trước. Bây giờ người đồng bằng sống chung với đê bao. Câu chuyện đê bao ngày hôm qua, hôm nay và sinh kế mới của người đồng bằng.

 

Sản xuất thuận thiên: Thành bại tại đê bao

Sống chung với lũ ở ĐBSCL là chuyện hơn 10 thập kỷ trước. Bây giờ người đồng bằng sống chung với đê bao. Câu chuyện đê bao ngày hôm qua, hôm nay và sinh kế mới của người đồng bằng.


 

 

Sản xuất thuận thiên: Thành bại tại đê bao - Ảnh 1.

Đê bao ở ĐBSCL xưa nay để ngăn lũ, sắp tới sẽ có công năng trữ nước lũ. Trong ảnh: đê bao ở vùng lũ tỉnh An Giang – Ảnh: C.QUỐC

 

Hệ thống đê bao khép kín dài mấy chục ngàn kilômet với vốn đầu tư lên đến vài chục ngàn tỉ đồng ở miền Tây hiện tại không chỉ để ngăn lũ mà còn có công dụng trữ nước lũ.

Từ ngăn lũ đến trữ lũ

Nông dân huyện Tam Nông, Đồng Tháp chắc chắn là những người thấm thía nhất về tính đỏng đảnh của những mùa nước nổi. Năm 2011, khi xung quanh phải quay cuồng chống lũ, giữ đê bảo vệ lúa vụ 3 thì tại Tam Nông, những người nuôi tôm càng xanh trên chân ruộng lúa lại vui mừng. 

Lũ càng cao, nước tràn đồng càng nhiều, rửa trôi ô nhiễm, tôm lại càng lớn nhanh, thịt chắc. Lũ rút, nông dân Tam Nông bán tôm, thu về bạc tỉ.

Ai nấy đều phấn khởi lắm, rủ nhau mở rộng nuôi tôm. Thế nhưng vài năm sau, mỗi năm lũ đều về rất ít. Con tôm giống thả dưới ao không bơi lên đồng được nên không lớn. Nông dân Tam Nông thua lỗ liên tiếp mấy vụ liền, từ giàu có trở nên tay trắng, chồng chất nợ nần.

Chuyện mùa lũ, nước lũ ở ĐBSCL ngày càng khó dự báo hơn. Năm nào khô hạn, các đập thượng nguồn sẽ dốc sức trữ nước, ĐBSCL sẽ cạn kiệt. Năm nào mưa bão nhiều, các đập thượng nguồn sẽ xả nước, lũ về ĐBSCL sẽ càng dữ tợn.

Chính vì vậy, sống thuận thiên ở ĐBSCL thời gian tới không phải là phá dỡ, mà cần phải tu bổ, nâng cấp hệ thống đê bao ngày một chắc chắn hơn, đủ sức chống chịu những mùa lũ khốc liệt hơn. Đồng thời, hệ thống trạm bơm trên các đê bao này cũng cần được hoàn thiện. Những việc này cần phải làm sớm ở các tỉnh đầu nguồn như Đồng Tháp và An Giang.

Công năng của hệ thống đê bao sẽ chuyển đổi từ ngăn lũ đến trữ lũ. Khi con nước về, hệ thống đê bao sẽ mở ra, đón nước vào rồi đóng lại. Năm nào nước cạn quá thì vận hành trạm bơm điện để bơm vô. Trong đê bao lúc này chỉ tối đa hai vụ lúa, khi thu hoạch lúa xong, thả nước vào là nuôi tôm cá kết hợp với trồng các loại cây thủy sinh như sen, súng, điên điển… và còn có thể kết hợp làm du lịch.

Tới mùa khô, tôm cá đủ lớn, sen, súng tới kỳ thì thả nước ra từ từ để thu hoạch. Người dân đầu nguồn có sinh kế bền vững nhờ nước lũ. Mà nước xả từ đê bao ra sẽ chảy về miệt dưới, giúp duy trì ngọt hóa, chống xâm nhập mặn cho vùng duyên hải.

Chìa khóa là hợp tác

Hiện nay các tỉnh ĐBSCL đang bắt tay triển khai dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL” do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Song song đó là dự án “Thí điểm mô hình sinh kế dựa vào lũ hỗ trợ chiến lược trữ nước tại ĐBSCL, Việt Nam” do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tài trợ.

Hai dự án này đều nhắm đến kiện toàn hệ thống đê bao thủy lợi theo hướng trữ lũ, vừa giúp nông dân chuyển đổi sinh kế từ làm lúa ba vụ/năm sang thực hiện các mô hình sinh kế kết hợp như lúa-cá, lúa-tôm, lúa-cây thủy sinh để tận dụng lợi thế mùa nước nổi và hệ thống đê bao thủy lợi sẵn có.

Con cá, cọng rau sống trên đồng mùa nước gần như là sản phẩm sạch, giàu tính tự nhiên, đặc trưng vùng miền. Đây là những sản vật người tiêu dùng đô thị lúc nào cũng săn lùng, chỉ lo làm không đủ bán. Chưa kể vùng đầu nguồn Đồng Tháp, An Giang bây giờ có lắm làng nghề làm khô, làm mắm, nông sản mùa nước nổi bán tươi không hết thì chế biến tiêu thụ dần.

Nhà nước cần giúp nông dân tìm kiếm các giống lúa đặc sản, chất lượng cao, để có thể xoay trục sản xuất lúa gạo từ “sản lượng nhiều nhất” sang “giá trị cao nhất”. Từ ba vụ lúa một năm giảm xuống chỉ còn một hoặc hai vụ lúa/năm mà không làm được lúa chất lượng cao để bán được giá cao thì rất phí. Vấn đề còn lại chính là phải tăng cường tính hợp tác của nông dân.

Trước đây người miền Tây sống chung với lũ theo kiểu đơn lẻ, kinh tế hộ, một căn nhà sàn, một chiếc xuồng con, dăm ba mớ câu lưới, qua mùa nước nổi nhờ chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn. 

Ngày nay sinh kế trong cùng một ô đê bao, nước ngập trắng đồng, khó phân biệt được “ruộng anh ruộng tôi”. Nước vô nước ra cùng lúc nên mô hình sinh kế trong cùng ô đê bao phải giống nhau, phải đồng lòng cùng làm, cùng mua cùng bán thì mới đạt hiệu quả kinh tế cao và mới sống thuận thiên được.

Sinh kế mới ở đồng bằng

Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL” (MD-ICRSL) sẽ thực hiện tại 8 tỉnh ĐBSCL là An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu.

tha ca icrsl_1 1(read-only)

Hộ ông Nguyễn Văn Châu ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình thả giống vụ cá đồng đầu tiên trên ruộng lúa theo cách canh tác mới (tháng 6-2019) – Ảnh: V.LỢI

 

Mục tiêu dự án nhằm phát huy lợi thế tổng hợp của ĐBSCL, góp phần ổn định sinh kế, cải thiện đời sống đồng bằng, chủ động điều tiết nguồn nước ngọt, kiểm soát lũ để nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở vùng thượng nguồn ĐBSCL. Dự án cũng nhằm hạn chế xói lở bờ biển và ngập úng, đảm bảo nước ngọt cho nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. (Nguồn: website: Ban quản lý trung ương các dự án thủy lợi, Bộ NN&PTNT).

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến là 384,9 triệu USD (hơn 8.577 tỉ đồng, gồm cả vốn đối ứng và vốn tư nhân tham gia cùng dự án). Dự án dự kiến thực hiện 6 năm (đến năm 2022). Tại Đồng Tháp, đến giữa năm 2019, dự án ICRSL đã triển khai đến giai đoạn hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình sinh kế kết hợp lúa-sản vật mùa nước nổi (tôm càng xanh, cá đồng, cây thuỷ sinh).

 

 

VĂN LỢI (Đồng Tháp)