Chẳng hạn, một ngôi trường THPT có tiếng ở vùng quê Kinh bắc năm nay, điểm tuyển của trường xuống tận 18 (3 môn thi, có 2 môn hệ số 2). Những năm gần đây có hàng loạt các trường THPT tuyển sinh vào lớp 10 với số điểm trung bình thấp đến mức không tưởng: 2,5 điểm/môn. Thậm chí có trường, học sinh chỉ có 2,5 điểm/3 môn đã trúng tuyển.
Đành rằng đây là thi tuyển, có nghĩa là chọn những người trúng tuyển cho đủ số tính từ người có điểm cao đến điểm thấp. Tuy nhiên, việc có nhiều học trò có điểm thấp như vậy làm cho người ta nghĩ rằng chất lượng học sinh phổ thông của chúng ta có vấn đề.
Có người phản biện lại. Chẳng hạn cho rằng với trường hợp ở ngôi trường có tiếng ở vùng quê Kinh bắc, một người giải thích rằng chỉ có 2 trường hợp có tổng số điểm là 18 điểm, 12 trường hợp dưới 25 điểm (12 trên tổng số 600 học sinh được tuyển – chiếm 2% tổng số thí sinh trúng tuyển). Tỷ lệ này khá nhỏ, theo giải thích của người này, nên không thể cho rằng đáng báo động về chất lượng.
Là người có thời gian tham gia tuyển sinh nhiều năm, có chút ít kinh nghiệm trong việc xét tuyển, xác định điểm trúng tuyển, tôi cho rằng nếu không vì chỉ tiêu đã công bố công khai thì không cần tuyển 2% cho đủ số lượng. Chỉ cần đặt ngưỡng điểm bình quân đầu vào không thấp hơn 5 điểm/môn thì chắc chắn chỉ thiếu 2% lượng cần tuyển nhưng chất lượng đầu vào đảm bảo và uy tín xã hội của trường cao.
Phản ảnh của báo chí gần đây về các trường ở một số tỉnh có điểm thi trúng tuyển lớp 10 THPT thấp (trong đó có cả những tỉnh vốn có truyền thống về học tập) thực sự lo ngại cho những người làm công tác giáo dục, cho xã hội. Tuy vậy, vẫn có cán bộ làm công tác khảo thí khi giải thích hiện tượng điểm số thấp này rằng “điểm chuẩn thấp nhưng chất lượng vẫn ổn định”. Thế nhưng, giả sử 3 năm sau, những học sinh chỉ có điểm trung bình 0,8 – 2,1 điểm/môn học sẽ dự kỳ thi THPT quốc gia, đủ điểm tối thiểu để được công nhận tốt nghiệp THPT và nếu may mắn, họ có thể là sinh viên của các trường cao đẳng – đại học thì chất lượng nguồn nhân lực của VN sẽ ra sao trong tương lai?
Thực ra, có thể hiểu vấn đề theo cách khác, đó là việc ra đề thi. Đề thi đã không phản ánh đúng chất lượng học sinh, không đánh giá đúng trình độ học sinh nên nếu dùng kết quả này để kết luận học sinh yếu kém là không xác đáng, bởi không thể so sánh được điểm số nếu có đề thi không xây dựng trên các chuẩn chung.
Trước thực tế này, thiết nghĩ nên chăng cần làm tốt công tác ra đề, nhất là đề thi có tính chất nhạy cảm như kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hoặc kỳ thi THPT quốc gia. Việc thành lập một ngân hàng câu hỏi dành cho kỳ thi lớp 10 ở các địa phương cũng là một giải pháp cho vấn đề này.
NGUYỄN KIM HỒNG