“EVN không mặn mà”
Theo các chuyên gia, chính sách năng lượng tái tạo thời gian qua là tốt nhưng quá ngắn hạn nên gây ra sự phát triển giật cục, hạ tầng không theo kịp. Bên cạnh đó là sự thiếu tích cực của bên mua điện. TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học năng lượng VN, cho rằng: Giá điện gió theo Quyết định 37 và điện mặt trời theo Quyết định 11 vẫn còn cao hơn so với điện than nên thực ra EVN cũng không mặn mà gì. Đó là nguyên nhân sâu xa của việc đường dây quá tải không theo kịp các dự án điện sạch như hiện nay. Để giải quyết vấn đề này, không còn cách nào khác ngoài chuyện phải đầu tư cho lưới điện. Về mặt khách quan, nâng cấp lưới điện cũng là việc khó và mất nhiều thời gian.
TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia độc lập, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, phân tích, ở các vùng có nhiều tiềm năng nắng và gió như các tỉnh Nam Trung bộ rõ ràng sẽ thu hút các nhà đầu tư và sản lượng sẽ vượt nhu cầu tại chỗ, buộc phải truyền tải. Nhưng thời gian qua chính sách chưa đồng bộ khi chưa tính toán việc nâng cấp lưới điện nên để xảy ra sự cố hiện nay là điều rất đáng tiếc.
Dựa trên số dự án thực tế và chiến lược phát triển các loại hình này, ít nhất 5 – 10 năm tới nhà nước cần đầu tư hệ thống đường dây cao áp từ 220 kV, thậm chí là 500 kV. Điều này rất quan trọng vì nó sẽ giảm tổn thất trong quá trình truyền tải. Kinh nghiệm ở các nước, đặc biệt những nơi có dự án quy mô công suất lớn, họ để cho doanh nghiệp đầu tư luôn đường dây đến các trạm tiếp nhận.
Cần sớm giải toả hết công suất
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, địa phương tập trung nhiều nhất các dự án điện năng lượng tái tạo, nói thẳng, giải pháp duy nhất hiện nay là phải đầu tư đường dây và ngành điện cần triển khai khẩn trương. Không chỉ thay mới đường dây 110 kV tuyến Lương Sơn – Phan Rí – Tuy Phong (nơi bị quá tải), mà ngành điện đang đầu tư đường dây mới 110 kV tuyến Lương Sơn – Phan Rí, Phan Rí – Ninh Phước và Đại Ninh – Phan Rí. Khi các tuyến đường dây này hoàn thiện sẽ giải tỏa hết công suất của các nhà máy điện mặt trời hiện nay.
Cùng quan điểm trên, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm năng lượng và tăng trưởng xanh (thuộc Liên hiệp Các hội KHKT VN), đề xuất: “Để xử lý ngay trước mắt tình trạng này, Bộ Công thương cần báo cáo với Chính phủ cho cơ chế đặc thù để xây dựng các tuyến đường dây truyền tải mới giải tỏa công suất”.
Bên cạnh đó, EVN cần đánh giá các kịch bản sa thải nguồn điện tái tạo. Công bố rộng rãi các danh mục dự án truyền tải cấp bách để Bộ Công thương xem xét trình Chính phủ bố trí vốn, kể cả việc xem xét chủ trương góp vốn mô hình hợp tác công – tư (PPP) để xây dựng đường dây truyền tải điện.
Hiện nay, công suất các nhà máy điện mặt trời đã đạt khoảng 10% tổng công suất hệ thống và vượt nhiều lần so với mục tiêu năng lượng tái tạo vào năm 2020. Bên cạnh đó cần nghiên cứu thêm việc đầu tư pin lưu trữ ở quy mô lớn.
Điện gió phát triển chậm
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có 3 dự án điện gió đi vào hoạt động giai đoạn 1 là nhà máy điện gió Bình Thạnh, điện gió Phú Lạc và điện gió đảo Phú Quý.
Còn 13 dự án điện gió được cấp chủ trương đầu tư còn hiệu lực (đang trong giai đoạn đo gió và làm thủ tục đầu tư). Theo ông Dương Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý điện và năng lượng (Sở Công thương Bình Thuận), thì sở dĩ điện gió triển khai chậm là do suất đầu tư lớn gấp 1,5 lần điện mặt trời. Mặt khác, thi công nhà máy điện gió phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn.
QUẾ HÀ _ CHÍ NHÂN