Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn, khi trả lời PV Thanh Niên liên quan đến loạt bài điều tra Lật tẩy đường dây người “nhà tàu” bán vé lụi cho rằng tình trạng nhân viên nhà ga móc nối bán vé lụi lần đầu tiên nghe thấy, dù hằng tháng có hơn 10 đoàn kiểm tra, chia nhau kiểm tra trên tàu mỗi ngày.
Ông Đào Anh Tuấn (phải), Giám đốc Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn, trả lời PV Thanh Niên Ảnh: Khả Hoà
|
Ông Tuấn cho biết, ngay sau khi báo đăng, Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn đã sa thải các nhân viên: Vũ Minh Nhật (33 tuổi) và Nguyễn Thị Kim Phương (35 tuổi), cùng là nhân viên tổ hướng dẫn và hỗ trợ hành khách; Nguyễn Văn Tạo (27 tuổi), Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam; nhân viên tên Đức (tàu SE22); cách chức Trưởng tàu SE22 đi cùng chuyến với nhân viên Đức; ông Hoàng Anh Sơn (51 tuổi) – Trưởng tàu, Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam; giải thể 2 tổ hướng dẫn và chăm sóc khách hàng ở ga Sài Gòn và cách chức 2 tổ trưởng tổ này; khiển trách Trạm trưởng trạm tiếp viên Sài Gòn và Trạm trưởng trạm tiếp viên Đà Nẵng.
“Ban Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn; Ban Giám đốc Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam; cùng các đoàn kiểm tra đang bị xem xét về trách nhiệm quản lý và sẽ có hình thức kỷ luật tương xứng”, ông Tuấn nói.
Xem xét trách nhiệm các đoàn kiểm tra
* Tình trạng móc nối bán vé lụi này diễn ra hằng ngày, tồn tại khá lâu. Dư luận cho rằng nếu không có sự bao che của lãnh đạo, lực lượng kiểm tra trên tàu sẽ không thể tồn tại như vậy?
– Việc này chưa thể khẳng định được nhưng cần phải điều tra, làm rõ. Thông tin nhân viên hướng dẫn tiếp cận, bán vé lụi cho khách như Báo Thanh Niên phản ánh thì lần đầu tiên tôi được biết. Hằng tháng có hơn 10 đoàn kiểm tra, chia nhau kiểm tra trên tàu mỗi ngày. Qua đó cũng phát hiện nhiều trường hợp hành khách đi tàu không có vé thì lập biên bản xử lý, bán vé bổ sung ngay. Đến nay chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nào lực lượng kiểm tra trên tàu tiêu cực. Nhưng trường hợp trong quá trình kiểm tra phát hiện nhân viên trên tàu “bao” khách thì có thể anh em cũng nể nang nhau cùng công ty, rồi năn nỉ xin bỏ qua đừng lập biên bản, báo cáo về công ty xử lý.
Còn trường hợp đoàn kiểm tra phát hiện nhân viên tàu nhận tiền, rồi đoàn kiểm tra yêu cầu chi tiền thì tôi khẳng định không có. Bởi vì biết thất thoát nhiều nhưng đối với trường hợp nhận một vài khách thật ra mà nói nó chẳng đáng bao nhiêu cả. Trên tàu bán vé, đều có chỗ, nếu khách không có chỗ ngồi là yêu cầu quyền lợi ngay. Nếu nhận thì ổng phải bố trí chỗ ngồi sao không làm ảnh hưởng đến khách có vé. Sau khi kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện nhân viên trên tàu sai phạm đều báo cáo cho lãnh đạo công ty, phòng ban tổng hợp phân tích những tồn tại như “bao” khách để chấn chỉnh.
* Nhưng thực tế khi PV Thanh Niên lên tàu đã chứng kiến, ghi lại những hình ảnh nhân viên tàu chung chi, xếp ghế khách mua vé lụi ngồi ghế thật. Nếu nói lực lượng kiểm tra trên tàu làm hết trách nhiệm thì làm sao nhân viên trên tàu, nhân viên hướng dẫn, “cò” có thể bán vé lụi như vậy?
– Sắp tới, đoàn kiểm tra các đoàn tàu mà báo đăng sẽ cho kiểm điểm trách nhiệm để xử lý. Bản thân tôi là người đứng đầu công ty cũng nhận trách nhiệm do trong công tác quản lý còn những kẽ hở để nhân viên của mình móc nối với “cò” bán vé lụi.
Tôi là người quản lý nhưng quản không được, để xảy ra như vậy là cái kém của mình rồi. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty đã họp nhiều lần, đề cập đến vấn đề này. Dù chúng tôi có nhiều lực lượng kiểm tra nhưng chưa hiệu quả vẫn để xảy ra việc bán vé mà báo đăng.
Với trách nhiệm đứng đầu đơn vị, tôi thấy mình chưa có giải pháp quyết liệt. Thực tế, nội bộ công ty xử lý nghiêm các trường hợp tiếp tay cho “cò”, nhân viên trên tàu “bao” khách, như khiển trách, cảnh cáo, hạ lương, thậm chí nhiều trường hợp bị sa thải.
Biết nhưng không phát hiện được?
*Vậy từ đầu tháng 6.2019 đến nay, đoàn kiểm tra có phát hiện những trường hợp tiêu cực như báo phản ánh?
– Từ đầu tháng 6 đến nay, chúng tôi chưa nhận được báo cáo nào phát hiện về trường hợp sai phạm như Báo Thanh Niên phản ánh. Thủ đoạn sai phạm mà báo phát hiện đây là lần đầu tiên; kể cả truyền thông, lực lượng nội bộ của ngành cũng chưa phát hiện. Nhưng việc phát hiện trường hợp khách đi tàu không vé thì lãnh đạo ngành cũng có thông tin của mình và trong giao ban tháng 6 vừa rồi cũng chỉ đạo các đơn vị tập trung về vấn đề đó kiểm tra chấn chỉnh. Những trường hợp không vé, bán vé bổ sung thì nhiều, tôi nhớ không nhầm tiền bán vé bổ sung cũng vài chục triệu đồng nhưng tùy thời điểm. Cũng có khách lên tiếp ít tiền, không mua vé thì họ kết nối từ “cò” mới dẫn đến câu chuyện như thế. Biết như thế nhưng để bắt quả tang và quay được cái phim như báo cũng hơi khó.
Nói thật chúng tôi biết nhưng không phát hiện được, từng cho người ra mua vé của “cò” xác minh nhân viên có tiếp tay hay không nhưng không làm được.
* Qua vụ tiêu cực nghiêm trọng này, công ty có biện pháp gì để chấn chỉnh?
– Qua việc này, nói thật trong nội bộ ngành, tôi tự cảm thấy xấu hổ với lãnh đạo ngành vì chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao để bên ngoài phát hiện. Sắp tới tôi sẽ rà soát, chấn chỉnh lại tất cả nhân viên; tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các nhân viên vi phạm, để làm gương. Tôi khẳng định sẽ xử lý, làm rõ trách nhiệm của các lãnh đạo trong công tác quản lý giám sát liên quan chứ không riêng những người vi phạm trên. Các đoàn kiểm tra; các phòng, ban quản lý cũng bị xử lý trách nhiệm. Tôi sẽ chấn chỉnh để hoạt động của công ty tốt hơn.
Riêng các nhân viên hướng dẫn ở ga Sài Gòn, sau khi báo đăng chúng tôi đã tiến hành thay thế hết, lấy lực lượng khác lên làm việc này. Còn về thông tin mức “thu nhập” khủng của các thành viên “nhà tàu” bắt tay bán vé lụi, theo tôi, việc này phải cho kiểm tra lại thì mới biết chính xác được.
Trưa 3.7, PV Thanh Niên trở lại khu vực ga Sài Gòn thì thấy trong ga không còn tình trạng “cò” vé tung hoành như trước. Khách đi tàu vào thẳng ga để mua vé, không còn bị “cò” chèo kéo. “Mấy bữa nay “cò” không còn hoạt động ở ga nên chúng tôi cũng bớt căng thẳng. Chỉ cần nhân viên soát vé không cho người có vé lụi qua cổng thì “cò” có muốn hành nghề đi nữa cũng chẳng được”, một bảo vệ đang túc trực ở nhà ga chia sẻ.
Làm đồng bộ thì “cò” vé hết đất sống
Sau khi Thanh Niên đăng loạt bài điều tra, ga Sài Gòn đã tổ chức họp phân tích và báo cáo ngay với các cấp liên quan: Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn; Công an Q.3.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn kiêm Trưởng ga Sài Gòn, đã trao đổi với lãnh đạo Công an Q.3 về vấn đề mà Báo Thanh Niên đăng. Theo đó, Công an Q.3 sẽ phối hợp với lực lượng bảo vệ ga tiếp tục đẩy đuổi “cò” vé trong ga Sài Gòn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công an Q.3, do nội bộ ngành đường sắt móc nối trực tiếp với “cò” vé nên lực lượng công an rất khó xử lý sự việc.
Nói về tình trạng “cò” vé hoạt động bát nháo, ông Thành cho biết: “Họ đi bằng xe máy vào ga để chèo kéo. Thường chúng tôi phải nhờ công an hỗ trợ đẩy đuổi chứ lực lượng bảo vệ quá mỏng và không có cơ sở pháp lý. Thậm chí có trường hợp “cò” dùng bút để đâm bị thương bảo vệ ga. Tòa án Q.3 đã xử lưu động tại ga Sài Gòn và phạt “cò” 9 tháng tù về hành vi cố ý gây thương tích. Nhưng ra tù, “cò” vẫn tiếp tục hành nghề”.
“Với nhiều năm kinh nghiệm quản lý đường sắt, theo ông làm thế nào để xóa bỏ tình trạng này?” – PV hỏi. “Quan điểm của tôi là làm chặt từ cái gốc của nó. Cụ thể là nhân viên kiểm soát vé ở ga phải kiểm tra từng vé một; nhân viên trên tàu cũng kiểm tra từng vé một; quan trọng nhất người đứng đầu phải chỉ đạo, quán xuyến thì sẽ biết được nhân viên của mình thế nào; trưởng tàu có kiểm tra chặt chẽ hay không, đoàn kiểm tra có làm chặt chẽ hay không… Nếu làm đồng bộ thì “cò” không còn đất sống”, ông Thành khẳng định.
ĐÀM HUY – TRÁC RIN