28/11/2024

Triều Tiên bị tố hợp tác tên lửa với Syria, Myanmar

Báo cáo mới của LHQ cho thấy CHDCND Triều Tiên thu được gần 200 triệu USD trong năm ngoái bằng cách xuất khẩu nhiều loại hàng hoá bị cấm vận.

 

Triều Tiên bị tố hợp tác tên lửa với Syria, Myanmar

Báo cáo mới của LHQ cho thấy CHDCND Triều Tiên thu được gần 200 triệu USD trong năm ngoái bằng cách xuất khẩu nhiều loại hàng hoá bị cấm vận.



 
Tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên  /// Ảnh: Reuters

Tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên ẢNH: REUTERS

Tờ The Korea Herald ngày 4.2 dẫn báo cáo của các thanh sát viên trình lên HĐBA LHQ cáo buộc Bình Nhưỡng lách các lệnh cấm vận quốc tế về dầu và khí đốt cũng như hợp tác tên lửa đạn đạo với Syria và Myanmar. Trong giai đoạn tháng 1 – 9.2017, nước này thu về được gần 200 triệu USD từ xuất khẩu các mặt hàng trong diện cấm vận.

 
Theo tài liệu dài 213 trang, Triều Tiên vẫn có thể tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế bằng các biện pháp che mắt như bắt tay với cá nhân và tổ chức nước ngoài để dựng nên các công ty bình phong, làm giả giấy tờ xoá dấu vết nguồn gốc lô hàng xuất sang nhiều nước như Nga, Trung Quốc, Malaysia… Trong đó, Triều Tiên đã xuất khẩu lượng quặng sắt trị giá tới 125 triệu USD cho Trung Quốc.
 

Ngoài ra, các nhà điều tra cũng thu thập chứng cứ cho thấy quan hệ hợp tác về tên lửa đạn đạo vẫn được tiếp diễn giữa Triều Tiên và Syria cùng Myanmar. Trong số này có hơn 40 chuyến hàng bí mật được chuyển từ Bình Nhưỡng đến Trung tâm nghiên cứu khoa học Syria, đơn vị được cho là quản lý chương trình vũ khí hóa học của chính quyền Damascus.

 
Báo cáo còn dẫn thông tin từ một quốc gia giấu tên trình báo rằng có chứng cứ cho thấy Myanmar tiếp nhận các hệ thống tên lửa đạn đạo cùng nhiều loại khí tài khác như bệ phóng đa nòng và tên lửa đất đối không từ Triều Tiên. Myanmar đã nhanh chóng bác bỏ mọi cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của LHQ còn những bên khác chưa đưa ra phản ứng về báo cáo mới.
 

Cũng trong hôm qua, Giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa Đức Georg Maassen nêu nghi vấn Triều Tiên tìm cách thu gom linh kiện và bộ phận kỹ thuật phục vụ chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân thông qua đại sứ quán tại Berlin.

 
Trả lời phỏng vấn Đài NDR, ông cho biết giới hữu trách Đức đã áp dụng hàng loạt biện pháp phòng chống nhưng không thể ngăn chặn các hoạt động này, ít nhất là trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, ông Maassen không tiết lộ thêm chi tiết về danh tính nhà thầu cung cấp hàng cho Triều Tiên.