Thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm về 0%
Theo thoả thuận, đối với hàng xuất khẩu của EU, VN sẽ xoá bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được VN xoá bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại, VN áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Cụ thể, những sản phẩm từ EU nhập khẩu vào VN được giảm thuế nhập khẩungay còn 0% gồm có nhiều loại máy móc thiết bị (61% dòng thuế được xoá bỏ), dược phẩm, nhóm hoá chất và sản phẩm hoá chất, sữa và sản phẩm từ sữa hay nguyên phụ liệu dệt may da giày. Riêng một số hàng thực phẩm như thịt bò sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn sau 3 năm, thuế nhập khẩu thịt heo đông lạnh còn 0% sau 7 năm và thịt gà chỉ được bỏ thuế sau 10 năm…
Hiện VN nhập khẩu từ EU sữa công thức cho trẻ em ở một số dòng cao cấp, nhưng số lượng nhập khẩu không nhiều, chủ yếu là nhập các nguyên liệu từ sữa để các doanh nghiệp (DN) sản xuất. Nên các DN không bị ảnh hưởng nhiều, còn người tiêu dùng thì có lợi hơn. Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa VN, phân tích: “Những thị trường sữa chính của VN là Úc, Nhật Bản, New Zealand… đều tham gia Hiệp định CPTPP, thuế nhập khẩu cũng giảm về 0%, nhưng cũng chưa có dấu hiệu cho thấy ngành sữa VN bị ảnh hưởng nhiều. Bản thân các DN trong nước như Vinamilk, NutiFood không chỉ có hệ thống phân phối rộng khắp trong nước mà đã xuất khẩu ra nhiều thị trường thế giới. Sự tham gia các hiệp định thương mại sẽ tiếp tục mang lại động lực để phát triển mạnh hơn cho DN ngành sữa nói riêng và DN các ngành khác nói chung”.
Người tiêu dùng trong nước cũng khấp khởi chờ đợi xe nhập từ châu Âu sẽ giảm giá khi hiệp định trên có hiệu lực. Hiện ô tô con nhập khẩu châu Âu vào VN chủ yếu thuộc các dòng xe sang của BMW, Mercedes, Audi, Jaguar – Land Rover, Volvo, Maserati… với thuế nhập khẩu 70%. Giá xe sẽ giảm mạnh sau 9 năm nữa khi thuế nhập khẩu giảm xuống 0%.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020. Ở chiều ngược lại, hàng hoá từ EU nhập vào VN sẽ tăng khoảng 15,28%. Đến năm 2025 dự báo kim ngạch xuất khẩu của EU vào VN tăng thêm 33,06% và tăng 36,7% vào năm 2030.
Cạnh tranh trong nước gia tăng
Tác động của các hiệp định thương mại tự do đều mang tính hai chiều. Trong khi xuất khẩu từ VN có cơ hội mở rộng thị trường thì ngược lại, hàng hóa trong nước cũng chịu áp lực cạnh tranh gay gắt khi sản phẩm ngoại nhập khẩu rẻ hơn. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, phân tích với Hiệp định EVFTA, trước mắt có ít nhất 50% số hàng hóa xuất nhập khẩu 2 chiều đều được hưởng thuế 0%. Điều này hoàn toàn có lợi cho người tiêu dùng của EU và người Việt.
Tuy nhiên, với DN, đây là thách thức cực kỳ lớn. Hàng EU, nhất là nhóm hàng thực phẩm và dược phẩm, thường tuân theo chuẩn quốc tế, đạt chuẩn nhất định, khiến người tiêu dùng yên tâm tin tưởng mua dùng. Khi thuế nhập khẩu còn cao, nhưng các sản phẩm ngoại, trong đó có thực phẩm nhập khẩu vẫn tăng đều hằng năm. Do đó khi thuế nhập khẩu còn 0%, có thể giá hộp sữa tươi ngoại chỉ hơn chút xíu hoặc thậm chí bằng giá hộp sữa tươi Việt. Đây rõ ràng là thách thức không nhỏ cho DN sản xuất trong nước.
Thứ nữa, ngành nuôi lợn của VN trong thời gian này đang bị đe doạ bởi nạn dịch tả lợn châu Phi, không ít người dân đang tạm nói không với thịt lợn. Cộng thêm xu hướng dùng thịt mát, thế mạnh của các nước phát triển thì sẽ đối diện thách thức lớn. Hơn nữa, song song với EVFTA là Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) cũng được ký kết, điều này mở đường cho các nhà đầu tư từ châu Âu có thể tăng xây dựng nhà máy, cạnh tranh trực tiếp ngay tại thị trường trong nước.
Tuy nhiên, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, nhiều DN Việt cũng đã quen với hội nhập, họ đã có những bước chuẩn bị cơ bản. Ví dụ như Vinamilk đã đầu tư ra nước ngoài, xuất khẩu sữa, cạnh tranh trực diện với sữa ngoại lâu nay, vẫn sống tốt. Hay ngành chăn nuôi lợn đã có những tiến bộ vượt bậc, trang trại nuôi công nghiệp, đáp ứng được yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật và quản lý khác.
“Vấn đề ở đây là trách nhiệm và vai trò của bộ quản lý chuyên ngành, đặc biệt với lĩnh vực nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cần chú trọng trong chiến lược hiện đại hóa ngành chăn nuôi, quản lý theo chuỗi chất lượng. Thịt heo Việt có thể không xuất khẩu tốt qua EU, nhưng giúp cạnh tranh tốt, cản bước thịt ngoại giá rẻ là hoàn toàn có thể làm được”, TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Tính đến năm 2019, VN đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 12 hiệp định đã có hiệu lực và 4 hiệp định đang đàm phán, đưa VN trở thành nước tham gia FTA nhiều nhất thế giới và chấp nhận mở cửa nông nghiệp không bảo hộ, chấp nhận cạnh tranh ngay lập tức, tuân thủ tiêu chuẩn thị trường trong cả 3 lĩnh vực kinh tế – xã hội – môi trường.