Kiếm thêm thu nhập bằng nghề tay trái
Để có thêm thu nhập, trước tết nhiều bạn trẻ kiếm nhiều công việc tay trái khác nhau, người bán bánh mứt, người bán đặc sản quê, người bán phong bao lì xì…
Kiếm thêm thu nhập bằng nghề tay trái
Để có thêm thu nhập, trước tết nhiều bạn trẻ kiếm nhiều công việc tay trái khác nhau, người bán bánh mứt, người bán đặc sản quê, người bán phong bao lì xì…
Sĩ Bội Ngọc bán bánh mứt nhà cô tự làm ẢNH: NVCC
Sôi động… bánh, mứt nhà làm
“Đâu cần đi đâu xa, cứ dạo mấy vòng trên Facebook là có thể sắm tết no đủ”, mấy chị làm việc văn phòng đã nói như vậy. Thực tế, thời điểm này trên mạng xã hội đã nhộn nhịp thị trường bánh mứt, đặc sản quê tự làm.
Cách đây 2 tuần, chị Nguyễn Ngọc Huyền Trân (32 tuổi, Q.8, TP.HCM), nhân viên bán quần áo tại một cửa hàng trên đường Hưng Phú đã cùng với mẹ mình chuẩn bị các loại mứt cà rốt, dừa, hạt sen, gừng… Một phần, chị bày bán tại nhà, phần khác chị quảng cáo trên mạng, sau đó nhờ người giao hàng vận chuyển cho khách.
“Năm ngoái tôi bán thử và thấy khách ủng hộ, năm nay làm nhiều hơn một chút. Người mua phần đông là bà con gần nhà, bạn bè tin tưởng mình làm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm”, chị Trân nói.
Chị Hoàng Thị Mẫn (33 tuổi), phóng viên một tờ báo kiêm thêm nghề bán thực phẩm sạch Tây Bắc. Tết này, chị Mẫn tập trung vào sản phẩm thịt trâu, bò, lợn gác bếp, lạp xưởng. Sản phẩm của chị đều do người quen tại Sơn La tự làm, sau đó chuyển bằng xe khách xuống Hà Nội. “Lãi thì không nhiều, tuy nhiên tôi muốn giới thiệu cho anh em, bạn bè có thêm thực phẩm sạch để ăn tết. Tôi cũng cảm thấy vui khi công việc mình làm giúp nhiều người biết đến đặc sản quê hương”, chị Mẫn chia sẻ.
Trong khi đó, chị Tạ Thiên Hương (22 tuổi), nhân viên kế toán một công ty ở Q.Đống Đa, Hà Nội, có nghề tay trái là bán kim chi nhà làm. Hương cho hay: “Tôi thường làm kim chi để cả nhà cùng ăn kèm các món mặn trong ngày tết để bớt ngán. Bạn bè đặt nhiều quá nên đăng Facebook để bán luôn. Năm ngoái bán trước tết cũng được 5 triệu đồng tiền lãi, đủ để mua sắm một số đồ mới và lì xì cho bố mẹ, các cháu nên rất vui”.
Bán từ hoa tươi đến phong bao lì xì
Đặng Hồng Ngát (22 tuổi), sinh viên năm cuối Trường ĐH Thương mại Hà Nội, quê TP.Bắc Ninh quyết định đi buôn các loại hoa tươi trước tết. Ngát lên kế hoạch bán hoa từ 21 tháng chạp tới chiều 30 tết, chị nhập hoa tại chợ hoa Nghi Tàm, Hà Nội, sau đó vận chuyển bằng xe máy về chợ để bán. “Bán hoa tươi rủi ro lỗ vốn cao nếu mua phải hoa trong nhà lạnh, vì khi bỏ túi ni lông cánh hoa rất mau úa. Tôi có kinh nghiệm trong việc này nên khá tự tin”, Ngát cho biết.
Anh Nguyễn Anh Tú (25 tuổi), huấn luyện viên gym tại Hải Phòng nắm bắt nhiều mẫu lì xì “hot” khi chạy theo các trào lưu trên mạng như “cô là ai cháu không biết cô lì xì cháu đi”… nên đã đặt số lượng lớn từ Hà Nội, bán cho mọi người ở chỗ làm và bạn bè.
“Tôi có mối hàng sỉ nên nhập được giá khá mềm. Tôi cũng thử bán cho vui thôi, nếu có lãi thì cũng là thêm lộc đầu năm, còn lỗ cũng không sao”, anh Tú nói.
Sĩ Bội Ngọc (22 tuổi), VĐV tennis tại TP.HCM, lâu nay có nghề tay trái là làm bánh bông lan trứng muối để bán. Trước tết cô kiêm thêm nghề bán các loại bánh mứt nhà làm, chả giò tôm và kem chuối. Đến nay, trang cá nhân của Ngọc đã cập nhật rất nhiều món ăn hấp dẫn, chờ bạn bè đặt hàng. “Các món kem chuối, chả giò tôm, bánh cookies là nhà tôi làm. Còn các loại mứt là tôi lấy hàng về bán nhưng là hàng ngon. Bán hàng vừa có thu nhập thêm, vừa cho mình thêm trải nghiệm, gặp được nhiều khách hàng thú vị”, cô gái được mệnh danh nàng Sharapova Việt bộc bạch.