* Tại điểm thi THPT Tân Túc (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) thí sinh Thuật, học Trường THPT Bình Chánh, cho biết đề hóa học em làm tốt 32/40 câu. Đề lý có 35/40 câu không gây khó khăn cho em. “Đề năm nay có tính phân loại cao, không khó để xét thi tốt nghiệp. Với đề hoá học và vật lý, theo em nếu học lực khá có thể đạt 7, 8 điểm”.
Thí sinh hoàn thành bài thi KHTN Thuý Hằng
|
Em Như, học sinh Trường THPT Bình Chánh cho biết đến bây giờ khá thoải mái vì năm nay cả đề toán, vật lý và hóa học đều khá nhẹ nhàng. “Đề hoá học và vật lý đều có 32-35 câu không khó, vận dụng công thức là tính ra được”, Như nói.
Nhận xét về đề thi môn sinh học, Ngọc Dung (thí sinh thi lần 2) cho biết đề thi môn sinh học “dễ thở”. “Năm ngoái em không có thời gian đọc hết 40 câu hỏi, năm nay thì đã làm được hết bài. Đề có 20 câu rất dễ, 20 câu còn lại phân hoá dần, bản thân em chắc chắn làm được khoảng 35 câu”.
Thí sinh Chí Hiếu, học sinh Trường THPT Tây Túc (thị trấn Tây Túc, Bình Chánh) cho biết trong 3 môn vật lý, hoá học và sinh học, môn khó nhất là hoá học. “Em làm được tốt 30/40 câu sinh học, đề sinh năm nay dễ hơn đề năm ngoái”, Hiếu nói.
Thúy Hằng (ghi)
* Minh Khang, học Trường THPT Nguyễn Khuyến, cho biết mình xét tổ hợp môn toán, lý, hoá. “Cả lý và hóa hôm nay đều dễ hơn năm 2018 một chút. Ở môn lý có những câu về giao thoa sóng và hạt nhân khó, môn hoá thì phần vô cơ, kim loại tác dụng với kim loại mất nhiều thời gian để làm. Còn môn sinh thì phần hệ sinh thái quần thể không đơn giản để lấy điểm”, Khang nhận định.
Thí sinh Minh Khang bàn luận đề thi với các bạn MỸ QUYÊN
Thí sinh Nguyễn Trúc Linh, học Trường THPT Nguyễn Khuyến làm được khoảng 20 câu chắc chắn đúng. Thí sinh Dương Khánh Linh cho rằng: “Mỗi môn em làm được từ 25-30 câu trên tổng số 50 câu. Em đoán đa số các bạn đều được khoảng 5-6 điểm trở lên”, Linh dự đoán.
Mỹ Quyên (ghi)
* Tại điểm thi Trường THPT Ernst Thalmann (TP.HCM), học sinh Thiện Nhân cho biết đề thi 3 môn đều có 20 câu đầu cơ bản rất dễ; câu 21 trở đi, thí sinh phải suy nghĩ nhiều hơn, đặc biệt môn hoá. Đề lý khá đơn giản, đa số thí sinh sẽ làm được trên 20 câu dù không phải học môn chuyên. Đề sinh có những câu rất dễ, chỉ cần áp dụng thực tế là làm được.
Xuân Mai (học Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM) cũng cho rằng đề bài thi KHTN vừa sức, có thể hoàn thành khoảng 60%. So với năm trước, đề thi dễ hơn do số lượng các câu hỏi khó ít hơn.
Hà Ánh (ghi)
* Hầu hết thí sinh rời phòng thi ở điểm thi Trường THPT Bình Khánh (Cần Giờ, TP.HCM) đều có chung nhận định là đề phân hoá rõ ràng và khó “ăn” điểm hơn so với đề toán ngày hôm qua.
Em Bùi Thị Bích Trâm (Trường THPT An Nghĩa) chia sẻ: “Em không thi khối A nên thấy môn lý hơi khó hơn so với hoá và sinh. Nhưng nhìn chung 3 môn đều có sự phân hoá rõ rệt, học lực trung bình đến khá thì có thể làm được khoảng 50% các câu hỏi trong đề. Còn từ câu 20 trở đi phải học lực khá đến giỏi mới có khả năng làm tốt được”.
Còn Lê Quốc Bảo (Trường THPT An Nghĩa) thì cho rằng mặc dù học lực khá nhưng em vẫn thấy buồn vì đề sáng nay tương đối khó. “Em thấy khó mà đạt được điểm cao với 3 môn này. Nhưng em nghĩ bạn nào cũng có thể dễ đạt được điểm 5 vì 20 câu đầu ở cả 3 môn thi sáng nay đều dễ”.
Cũng là học sinh Trường THPT An Nghĩa, Võ Hoài Phong cho biết: “Hôm qua thi toán xong em thở phào nhẹ nhỏm, nhưng sáng nay thì khác rồi ạ. Đề phân hóa rất rõ ràng nên nếu không học giỏi và học chắc thì khó mà kiếm được điểm cao”.
Nữ Vương (ghi)
* Nhiều thí sinh cho biết đề bài thi KHTN đạt điểm trung bình xét tốt nghiệp thì dễ, nhưng muốn điểm cao sẽ khó.
Em Huỳnh Thanh Dương, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Thủ Đức, TP.HCM) nhận xét: “Khoảng 20 câu đầu môn lý thì em nghĩ các bạn sẽ làm được, những câu tiếp theo thì có tính chất phân loại thí sinh. Môn hóa thì hầu hết nằm trong chương trình lớp 12 nhưng phần bài tập khá khó. Môn sinh không dài như năm ngoái, nhưng đòi hỏi kiến thức nhiều, em không đủ thời gian để làm, có 9 câu cuối em phải đánh đại”.
Theo Huỳnh Phúc Hùng, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM): “Nhìn chung, em làm được 70% với môn lý. Dù chương trình thi vẫn nằm trong chương trình lớp 12, nhưng có nhiều câu ở dạng đề mới, em chưa gặp nên hơi khó. Với 40 câu môn lý em còn phân vân hơn chục câu”.
Em Nguyễn Thị Minh Hiền, học Trường THPT Nguyễn Hữu Huân cho biết: “Em làm được môn lý vì đây là môn chuyên của em. Môn hóa và sinh thì khoảng 20-25 câu đầu là vừa sức, 15 câu sau hơi nâng cao. Các dạng đề thi ở 2 môn này hơi lạ…”.
Nguyên Trang (ghi)
* Tại Đà Nẵng có hơn 3.700 thí sinh tham gia dự bài thi KHTN. Thí sinh Nguyễn Bảo Hân (học sinh Trường Trần Phú, Đà Nẵng) cho biết: “Hai môn hóa, sinh em làm được hơn 70%. Môn lý em chỉ hy vọng được khoảng 50% vì đây là môn không phải thế mạnh của em”.
An Dy (ghi)
* Kết thúc buổi thi 3 môn KHTN vào sáng 26.6, nhiều thí sinh tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) cho rằng chọn được đáp án đúng từ 60 -80% số câu trong đề thi. Các thí sinh cho biết đề thi các môn KHTN năm nay có tính phân loại cao.
Thí sinh Nguyễn Lê Trung Thư, thi tại hội đồng thi Trường THPT Quốc Học (TP.Quy Nhơn) cho rằng đề thi 3 môn KHTN dễ chọn đáp án từ 20-25 câu đầu, các câu còn lại khá khó.
“Theo em, đề thi các môn KHTN năm nay dễ hơn so với năm trước. Em dự đoán môn lý em đạt khoảng 5 điểm, hoá 7 điểm và sinh đạt 8 điểm trở lên”, Trung Thư nói.
Hoàng Trọng (ghi)
* Là thí sinh đầu tiên bước ra khỏi điểm thi ở Trường THPT Nguyễn Du (tỉnh Bình Phước), Cao Thị Thu Hiền (học sinh của trường này), cho biết: “Môn lý em làm được khoảng 6 điểm, hoá khoảng 5 điểm, còn môn sinh thì đề có 40 câu nhưng em chỉ làm được 20 câu. Phân nửa số câu hỏi còn lại em làm đại chứ cũng không biết trúng hay trật nữa”.
Còn Võ Thị Bích Thuỷ cho biết: “Môn lý, hoá em đoán mình làm được 5 điểm thôi. Còn riêng môn sinh thì khó đối với em, nên em chỉ biết đánh đại theo kiểu hên xui”.
Thí sinh Võ Thị Bích Thuỷ Lê Thanh
|
Lê Thanh (ghi)
*** Thạc sĩ Võ Duy Thái, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) nhận xét đề hóa học năm nay giống cấu trúc đề minh hoạ 2019 của Bộ. Thí sinh sẽ dễ lấy 6 điểm ở 24 câu đầu tiên (mức độ nhận biết và thông hiểu).
Từ câu 65-74 có sự phân hoá rõ rệt theo mức độ khó dần. 6 bài toán cuối rất khó đòi hỏi thí sinh có kỹ năng giải bài tập thật tốt mới xử lý kịp.
Phần vận dụng thực tế trong đề thi năm nay cũng xuất hiện rất ít. Với đề thi này, phổ điểm có thể chủ yếu tập trung khu vực 7-8 điểm.
*** Nhận xét đề vật lý, giáo viên Huỳnh Kiều Viết Lãm, Trường THPT Thalaman (Q.1, TP.HCM) nói rằng đề dễ thở hơn năm 2018, xét theo tiêu chí 7:3 thì đề này hợp lý. Về nội dung, đề thi sát với đề minh họa, kiến thức 11 về điện, từ, quang học có mặt ở cả 3 mức độ.
Với đề thi này, học sinh nắm được kiến thức cơ bản dễ dàng làm 20 câu đầu, vận dụng 8 câu, khá giỏi 4 câu, học sinh xuất sắc có thể đạt 36 đến 40 câu. Dự đoán phổ điểm năm nay sẽ tăng, tập trung ở mức 6 đến 7 điểm.
*** Thầy Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM) nhận xét đề sinh học năm nay bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ.
Về nội dung chủ yếu chương trình 12 (36 câu – 90%; 4 câu chương trình 11 – 10%). Trong đó chương trình 11 tập trung chương 1, chương trình 12 phân bố rộng tất cả các phần. Câu hỏi phân hóa tốt, đảm bảo cả 2 tiêu chí vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh đại học.
Các câu hỏi ở mức nhận biết đảm bảo học sinh trung bình có thể làm được. Đề hơi dài nên học sinh muốn làm hết đề phải phân bố thời gian hợp lý (không mất thời gian suy nghĩ các câu dạng cơ bản nhận biết). Mức độ khó tương đương đề năm 2018. Với đề này phần lớn học sinh sẽ đạt điểm trung bình. Điểm 10 sẽ ít thí sinh đạt được.