23/12/2024

Hé lộ chiến lược hạt nhân mới của Mỹ

Giới chuyên gia báo động trước việc quân đội Mỹ thay đổi chiến lược từ dùng vũ khí hạt nhân răn đe sang thực chiến để giành thắng lợi.

 

Hé lộ chiến lược hạt nhân mới của Mỹ

Giới chuyên gia báo động trước việc quân đội Mỹ thay đổi chiến lược từ dùng vũ khí hạt nhân răn đe sang thực chiến để giành thắng lợi.
 
 
 

Tên lửa Trident được phóng lên từ tàu ngầm của hải quân Mỹ	 
 /// Ảnh: Reuters

Tên lửa Trident được phóng lên từ tàu ngầm của hải quân Mỹ   Ảnh: Reuters

 

 
Mới đây, website chính thức của Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (JCS) bất ngờ đăng tải văn kiện “Chiến dịch hạt nhân” lần đầu tiên trong vòng 14 năm qua. Bản “Chiến dịch hạt nhân” lần cuối được công bố dưới thời Tổng thống George W.Bush hồi 2005, nhấn mạnh tấn công phủ đầu hạt nhân nếu Mỹ bị đe doạ. Trong khi đó, chính phủ Tổng thống Barack Obama không công bố tài liệu này.
 
Trong khi đó, chiến lược mới khẳng định: “Sử dụng vũ khí hạt nhân có thể tạo điều kiện thuận lợi hướng đến kết quả quyết định và khôi phục ổn định chiến lược. Cụ thể, vũ khí hạt nhân sẽ cơ bản thay đổi cục diện chiến trường, giúp giành ưu thế, đánh bại quân địch trong xung đột”. Phần mở đầu trong chương về kế hoạch và mục tiêu tấn công hạt nhân dẫn lời nhà lý luận quân sự Herman Kahn (1922 – 1983) viết: “Vũ khí hạt nhân sẽ được dùng trong tương lai có lượng phóng xạ hạn chế nhưng đủ mạnh để tiêu diệt đúng mục tiêu hơn là hủy diệt diện rộng và không thể kiểm soát như trước đây”. Ông Kahn còn dự báo chiến tranh hạt nhân sẽ giúp “giành thắng lợi tuyệt đối”, theo tờ The Guardian.
 
Chuyên gia Steven Aftergood thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ cảnh báo tài liệu mới cho thấy quân đội Mỹ đang muốn chuyển từ “chiến lược răn đe” sang sẵn sàng tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Sự chuyển hướng này từng được thể hiện rõ trong bản Đánh giá chung về tình trạng hạt nhân (NPR) của Lầu Năm Góc bị rò rỉ hồi tháng 1.2018. Theo NPR, các chiến lược gia ở Washington muốn phát triển các loại đầu đạn hạt nhân “hiệu suất thấp”, tức có lượng phóng xạ hạn chế, trang bị cho tên lửa đạn đạo Trident phóng từ tàu ngầm hoặc bom thông minh B61-12. “Những loại vũ khí hạt nhân nhỏ và chính xác hơn là rất cần thiết do môi trường chiến lược bị đe dọa”, theo NPR. Văn kiện này còn viết: “Vũ khí hạt nhân kích cỡ nhỏ, năng lượng thấp, có thể sử dụng linh hoạt nhằm đảm bảo ưu thế quân sự trước Trung Quốc, Nga hay CHDCND Triều Tiên”.
 
 
Theo Lầu Năm Góc, ý tưởng đầu đạn có lượng phóng xạ thấp và sức hủy diệt hạn chế giúp Mỹ có thể sử dụng loại vũ khí này để tiến hành tấn công quy mô nhỏ “trong các tình huống bị đe dọa” nhưng không dẫn đến chiến tranh hạt nhân toàn cầu. Tuy nhiên, lâu nay, sức hủy diệt đến mức có thể gây ra “tận thế” của vũ khí hạt nhân khiến các quốc gia xem đây là công cụ răn đe, phòng ngừa và không bên nào nghĩ đến ra tay trước. Vì thế, sự xuất hiện của các loại vũ khí quy mô nhỏ có thể dẫn đến tình trạng không còn phải chùn tay khi “nhấn nút” và kéo theo một cuộc chạy đua nguy hiểm.
 
Trong một diễn biến bất ngờ, tài liệu “Chiến dịch hạt nhân” hiện bị gỡ khỏi website của JCS nhưng nhiều nhà quan sát và nhà báo đã kịp thời lưu trữ lại. Trả lời câu hỏi của giới phóng viên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc không nêu tên lý giải tài liệu bị xoá khỏi website “vì chúng tôi đánh giá chỉ nên lưu hành nội bộ”. Tuy nhiên, cựu quan chức phụ trách kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Mỹ Alexandra Bell đánh giá động thái đăng rồi xóa này có thể là một vụ “rò rỉ cố tình” nhằm thử phản ứng và thậm chí là “dằn mặt” các đối thủ trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và một số nước như Iran, Nga và cả Trung Quốc đang dâng cao về nhiều vấn đề, còn quá trình đàm phán hạt nhân với CHDCND Triều Tiên đang có dấu hiệu chững lại.
 

Nga phản ứng mạnh

 

Song song với sự xuất hiện của văn kiện “Chiến dịch hạt nhân”, Phó chủ tịch JCS Paul Selva thông báo kế hoạch giảm hiệu suất hủy diệt nhưng tăng độ chính xác cho đầu đạn tên lửa Trident trang bị trên tàu ngầm lớp Ohio “để tương xứng với Nga”. Theo ông Selva, Mỹ sẽ rơi vào tình thế khó khăn nếu Nga quyết định tấn công bằng vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp. “Về lý thuyết, Mỹ sẽ đáp trả thích đáng nhưng vì không có vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp, đòn đáp trả này sẽ phải thực hiện với vũ khí hạt nhân hiệu suất cao”, viên tướng này nói, đồng thời cho rằng khi đó sẽ xảy ra chiến tranh hạt nhân toàn diện.
 
Đáp lại, Hãng tin TASS dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Artem Kozhin tuyên bố: “Phát triển vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp để tương xứng với Nga là lời biện hộ vô lý vì quân đội Nga thậm chí chưa từng đề cập khái niệm này. Các tướng lĩnh Mỹ thừa biết rằng không thể giới hạn sự hủy diệt của vũ khí hạt nhân một khi chiến tranh bùng nổ”. Moscow cảnh báo thêm sẽ đáp trả thích đáng mọi nguy cơ hạt nhân nhằm vào nước này, bất kể hiệu suất của vũ khí đối phương ra sao.
 

PHÚC DUY