16/01/2025

Thi THPT quốc gia: không chủ quan với câu dễ

Đây là ‘bí kíp’ giúp Võ Minh Quân, sinh viên năm nhất Trường ĐH Y dược TP.HCM, trở thành thủ khoa đầu vào của trường với điểm 29,1.

 

Thi THPT quốc gia: không chủ quan với câu dễ

 Đây là ‘bí kíp’ giúp Võ Minh Quân, sinh viên năm nhất Trường ĐH Y dược TP.HCM, trở thành thủ khoa đầu vào của trường với điểm 29,1.


 

Thi THPT quốc gia: không chủ quan với câu dễ - Ảnh 1.

Võ Minh Quân, sinh viên năm nhất Trường ĐH Y dược TP.HCM

 

“Trước khi tính giờ làm bài có 5 phút để đọc đề, bạn nên kiểm tra tổng quát đề thi để lên chiến lược làm bài. Không chủ quan với câu dễ, nên tập trung làm thật nhanh, thật chắc chắn các câu này. 

Đồng thời, cũng không nên mất quá nhiều thời gian với câu hỏi khó, bạn nên bỏ qua câu đó và làm câu hỏi khác mà mình có thể làm tốt rồi quay lại câu khó khi còn thời gian” – Minh Quân chia sẻ.  

Học nhóm và tự học trực tuyến

Là dân chuyên hóa của Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), Minh Quân phân chia thời gian học tập và giải trí khá rõ ràng. Bạn dành phần lớn thời gian chuyên tâm ôn tập tổ hợp môn sẽ xét tuyển vào đại học. 

Đối với các môn còn lại để xét tốt nghiệp, Quân chăm chú lắng nghe thầy cô giảng bài, giải quyết những thắc mắc, làm bài tập và tích lũy kiến thức hoàn toàn trên lớp, không mấy khi mang bài tập về nhà. 

“Mình thường học nhóm với các bạn trong lớp vì tụi mình có cùng tiến độ học tập và dễ sắp xếp thời gian. Tụi mình hay “có trò” bấm thời gian cùng làm đề thi thử, hết giờ sẽ chấm chéo và cùng nhau thảo luận để giải những bài tập khó hay những dạng bài hay mới lạ” – Quân cười nói.

Bên cạnh việc học nhóm, Quân còn học thêm bên ngoài để bổ sung những phương pháp giải bài hay những thể loại câu hỏi mới. Ngoài ra, cậu còn thường xuyên lên mạng kiếm đề thi thử và tự bấm khi giờ làm bài. 

Quân còn chia sẻ thêm: “Với các môn tự nhiên như toán, hóa, sinh, mỗi năm mỗi khác, các bạn nên cập nhật xu hướng đề thi càng nhiều càng tốt. Môn sinh nặng lý thuyết nhất, bạn cần chăm chỉ, siêng năng nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa rồi mới mở rộng kiến thức bên ngoài. Với môn hóa thì chú tâm kiếm thêm đề để rèn luyện”.

Dành thời gian cho não nghỉ ngơi

Đặt mục tiêu thi vào khoa y của Trường ĐH Y dược TP.HCM từ năm lớp 11, Minh Quân không khỏi có những những lúc bị áp lực đè nặng tâm trí. 

 

“Năm ngoái, điểm chuẩn vào ngành y cực kỳ cao, gần như là điểm tuyệt đối nên thỉnh thoảng gặp bài khó không làm được, mình không tránh được stress, căng thẳng. Vì vậy, khoảng tháng 1 và 2, mình dành thời gian cho gia đình, giảm bớt việc ôn luyện lại và đi chơi đây đó cho nhẹ đầu óc” – Quân tâm sự.

Sau khoảng thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, Quân tiếp tục giải các dạng đề thi thử và tổng hợp lại những kiến thức mình đã học, đã ghi chép. 

Thủ khoa đầu vào trường y đặc biệt lưu ý đến môn sinh vì đề thi môn này thường khá dài, tích hợp kiến thức của lớp 10 và có khả năng mở rộng với nhiều câu hỏi về môi trường, tài nguyên thiên nhiên. 

Một số câu hỏi có tính phân loại cao yêu cầu thí sinh phải có khả năng xử lý dữ liệu tốt; một số câu lại chưa nhiều thông tin, người làm dễ bị rối khi đọc lời dẫn nếu không biết cách chọn lọc, phân loại và “bắt dính” từ khóa. 

“Đề sinh khá dài đòi hỏi mình phải tư duy nhanh nhạy, không bị rối khi xử lý kiến thức, tính toán nhanh và chính xác. Vì vậy, khi học lý thuyết, các bạn cần tránh học “vẹt”, nên học theo sơ đồ để hiểu rõ được toàn bộ quá trình di truyền và cần so sánh giữa các hiện tượng di truyền để nhận biết chính xác” – Quân khuyên.

Minh Quân cũng “bật mí” thêm: “Để đạt điểm cao môn sinh, các bạn nhất định phải học chính xác kiến thức, kèm theo vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong thực và phân tích các sơ đồ. 

Trong đề thi, các câu trắc nghiệm bài tập sẽ có những đáp án gây nhiễu, giải theo hướng sai vì vậy các bạn phải cẩn thẩn đọc kỹ câu hỏi và gạch dưới “từ khóa”. Dựa vào “từ khóa” sẽ tránh bớt được được độ nhiễu của các đáp án sai”. 

 

T.T.