Khi trồng lúa không còn có lời
Hôm nay 18-6 tại TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị đánh giá kết quả hai năm thực hiện nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khi trồng lúa không còn có lời
Hôm nay 18-6 tại TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị đánh giá kết quả hai năm thực hiện nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.Trồng cây gây bồi tạo bãi là cách làm của tỉnh Bạc Liêu trong ứng phó biến đổi khí hậu – Ảnh: CHÍ QUỐC
Đến nay, sau 2 năm thực hiện nghị quyết 120, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã chuyển mình để “thích ứng” nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ để nghị quyết 120 thật sự trở thành “đường băng” cho ĐBSCL ”cất cánh”.
Trồng lúa không còn có lời
Ông Phạm Hồng Thái (xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) cho biết mỗi công đất trồng lúa hiện tiêu tốn khoảng 1,7-2 triệu đồng/vụ (kéo dài hơn 3 tháng). Trong đó, chi phí phân bón và thuốc trừ sâu đã tốn khoảng 800.000 đồng, chi phí lúa giống khoảng 200.000 đồng; công gieo sạ, xịt thuốc, bón phân, thuê máy cày và máy gặt đập khoảng 700.000 đồng, chưa kể chi phí bơm nước.
Đây là chi phí cho những năm thời tiết thuận lợi. Nếu gặp thời tiết thất thường, chi phí có thể lên gấp đôi do phải gieo sạ nhiều lần và tốn nhiều chi phí phân bón hơn, nhưng có năm mất trắng chẳng thu hoạch được gì.
“Chuyện biến đổi khí hậu, Trái đất nóng lên, nước biển dâng…, nông dân tụi tui không rành lắm. Nhưng cái mà tụi tui thấy rõ nhất là làm lúa bây giờ rất khó có lời, thậm chí thua lỗ” – ông Thái nói.
Theo ông Cao Lương Tri (xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), ngay cả gia đình canh tác 10 công lúa, tiền lời cả năm nếu thời tiết thuận lợi cũng chỉ khoảng 30 triệu đồng, thua cả thu nhập của một công nhân.
“Ôm ruộng mãi cũng khổ mà không làm lúa, nhiều nông dân tụi tui không biết làm gì” – ông Tri cho biết.
Thay đổi để “thích ứng”
Tại An Giang, đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… đã được triển khai, tập trung vào hai nhóm sản phẩm chủ lực là lúa gạo và thủy sản nước ngọt.
Địa phương này cũng quy hoạch các vị trí tiềm năng xây dựng hồ chứa nước đa mục tiêu, kết hợp tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái để tích trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô hạn, chia sẻ nguồn nước với các tỉnh hạ nguồn.
Trong khi đó, theo ông Hồ Văn Linh – phó giám đốc Sở TN&MT Bạc Liêu, địa phương này cũng đã lập ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu gồm 23 thành viên, do phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm trưởng ban.
Ngoài việc quy hoạch, sắp xếp lại dân cư ở vùng thường xuyên xảy ra thiên tai (rừng phòng hộ ven biển và các cửa sông, cửa biển), địa phương này cũng mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung cho khu vực nông thôn, nhất là các vùng sâu vùng xa nhằm hạn chế tác động của hạn hán, xâm nhập mặn…
Địa phương này cũng thực hiện các dự án mở rộng diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, trồng cây phân tán trong dân, cây xanh đô thị, mảng xanh và yêu cầu về diện tích trồng cây bắt buộc tại các cơ sở, doanh nghiệp, trường học… Tính đến nay Bạc Liêu đã trồng mới 809ha rừng phòng hộ ven biển, rừng đặc dụng và các loại rừng khác.
Ông Nguyễn Hữu Lập, phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cũng cho biết địa phương đã chủ động xây dựng quy hoạch, phân chia làm 3 vùng sản xuất (ngọt, mặn, lợ) rõ rệt… để chủ động thích ứng.
“Thay vì chú trọng phát triển kinh tế vùng ngọt, nhất là vùng cây ăn trái, Bến Tre đã đổi hướng tập trung phát triển kinh tế vùng mặn, giáp biển” - ông Lập cho biết.
Sớm gỡ vướng về hạ tầng
Tuy nhiên, các địa phương ở ĐBSCL cũng gặp khó nếu không được sự “trợ lực” kịp thời của trung ương, đặc biệt là vấn đề hạ tầng giao thông.
Ông Trần Anh Thư – phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho biết đã đề xuất 6 nội dung trọng tâm với Chính phủ, trong đó có đề nghị sớm đầu tư tuyến đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của vùng ĐBSCL và tạo tuyến giao thương với nước bạn Campuchia.
Cùng với đó là dự án cơ sở hạ tầng tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng tứ giác Long Xuyên và dự án nâng cấp hệ thống logistics thủy, bộ kết hợp của vùng ĐBSCL để giảm chi phí vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu cho vùng nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.
Trong khi đó, theo ông Hồ Văn Linh, đến nay vẫn chưa có cơ chế rõ ràng về sự phối hợp giữa các ngành và địa phương, các chính sách chưa trở thành công cụ đắc lực để điều chỉnh các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, theo ông Lương Minh Quyết – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, mức đầu tư cho Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung chưa nhiều, nên không tạo được sức bật để các tỉnh liên kết phát triển bền vững. Bộ NN&PTNT cần quan tâm nhiều hơn nữa cho vùng ĐBSCL, tích cực tìm đầu ra tiêu thụ nông sản, kêu gọi nhà đầu tư vào.
“Ngoài đường bộ, Chính phủ sớm xem xét đầu tư cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng), tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa nông sản các tỉnh xuất khẩu” – ông Quyết đề xuất.
TS Trần Hữu Hiệp: Hội đồng vùng phải có thực quyền
Dù nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã quyết nghị việc thành lập hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, nhưng đến nay vẫn chưa định được hình hài. Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL cần có thực quyền, phải đảm bảo hiệu quả hoạt động, đáp ứng các mục tiêu ưu tiên, yêu cầu tăng cường liên kết vùng mà mỗi bộ, ngành, địa phương riêng lẻ khó làm tốt được.
Mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối thống nhất, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình hợp lý, trước mắt tập trung ưu tiên các công trình cấp bách, các công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Hội đồng này cũng cần thành lập nhóm tư vấn để nghiên cứu, tư vấn, phản biện về chính sách và các vấn đề phát triển vùng ĐBSCL cho cơ quan trung ương và địa phương liên quan phát triển vùng.
Tăng giải pháp, tuyên truyền dễ hiểu hơn
Ông Lê Xuân Trung – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – đã đặt ra vấn đề này tại hội thảo truyền thông về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL do Bộ Tài nguyên và môi trường tổ chức tại TP.HCM chiều 17-6. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động sơ kết nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL được tổ chức hôm nay 18-6.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Công Thành cho rằng công tác truyền thông về biến đổi khí hậu thời gian qua có những kết quả bước đầu nhưng còn nhiều mặt hạn chế. Đề cập mặt hạn chế này, ông Lê Xuân Trung cho rằng nhà báo hiểu biết thấu đáo về biến đổi khí hậu không nhiều, chưa có những chiến dịch truyền thông đạt kết quả cao về biến đổi khí hậu…
Vì vậy, theo ông Trung, báo chí phải “tiêu hóa” hết các kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá của các cơ quan chuyên môn về biến đổi khí hậu để diễn dịch dễ hiểu nhất cho bạn đọc. Đặc biệt không chỉ phản ánh thực trạng, các cơ quan truyền thông cần đi sâu tìm kiếm, đề xuất các giải pháp phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, ông Lê Quốc Hưng, giám đốc VOV tại ĐBSCL, cho rằng cần biến “nguy” thành “cơ” hội. Theo đó quy hoạch phát triển khu vực này được rà soát, điều chỉnh theo hướng tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn mặn, khai thác nước lợ và nước mặn như một tài nguyên. Để thích ứng cần phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thay vì lấy lúa làm gốc cần chuyển sang lấy thủy sản làm gốc, đặc biệt là con tôm.
Tại hội thảo, nhiều nhà báo cho biết mong mỏi được tương tác nhiều hơn, tạo điều kiện đi thực tế, tìm hiểu sâu hơn những mô hình phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu trong và ngoài nước. Qua đó giúp công tác truyền thông về biến đổi khí hậu đạt hiệu quả hơn. (QUANG KHẢI)