Lộ thông tin khách hàng đi máy bay
Đặt mua vé máy bay cho chị gái từ Hà Nội vào TP.HCM trong tuần qua, chỉ 30 phút sau khi nhận được e-mail xác nhận đặt chỗ từ hãng, chị Mai Anh (Q.4, TP.HCM) đã lập tức nhận được tin nhắn từ các hãng vận tải giới thiệu xe đưa/đón sân bay, đường dài từ Hà Nội đến sân bay Nội Bài.
Ba ngày liên tiếp từ khi mua vé cho tới ngày bay, điện thoại của chị liên tục nhận được các tin nhắn tương tự. “Tổng cộng có tới 7 hãng xe đã nhắn tin đến cho tôi. Thật sự rất phiền! Có lúc đang chạy xe trên đường, thấy điện thoại rung, sợ ai liên hệ có việc gấp, phải dừng xe mở điện thoại ra xem thì thấy tin nhắn quảng cáo, bực mình không chịu nổi”, chị Mai Anh than.
|
|
|
Dù do nhân viên hay lỗ hổng phần mềm hoặc từ đại lý, bản thân hãng hàng không cũng phải chịu trách nhiệm trước khách hàng
|
|
|
Ông Võ Đỗ Thắng
|
|
|
Tương tự, anh Minh Tuấn (Hà Nội) lắc đầu ngao ngán: “Do tính chất công việc, tôi phải bay liên tục và cứ mỗi lần đặt vé xong là lập tức điện thoại nhận được tin nhắn quảng cáo dịch vụ vận tải. Bao nhiêu năm nay như vậy rồi, khó chịu nhưng cũng chẳng biết làm sao, đành kệ thôi”.
Liên hệ đại diện một hãng hàng không, vị này khẳng định hãng không bao giờ cung cấp thông tin khách hàng cho các đơn vị khác vì điều này là trái với quy định pháp luật. Bản thân vị này cũng không biết tại sao có chuyện rò rỉ thông tin và cho rằng có thể lỗi do “bên thứ ba”.
Trong khi đó, đại diện Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines phân tích khi đặt vé, tất cả thông tin từ số điện thoại, tài khoản e-mail, địa chỉ nhà… của khách hàng đều được lưu trên hệ thống. Những thông tin này không chỉ nhân viên hãng, nhân viên đại lý mà tất cả các bộ phận liên quan đến chuỗi dịch vụ hàng không như phòng vé, an ninh hàng không đều có thể tiếp cận được.
Cách đây khoảng 4 – 5 năm, khi việc lộ thông tin khách hàng “bùng nổ” rầm rộ, Vietnam Airlines đã chủ động mời công an vào cuộc, truy ngược từ số điện thoại nhắn tin đến khách hàng và phát hiện ra nguồn cung cấp thông tin cho các hãng xe là một nhân viên của hãng hàng không. Nhân viên này lập tức đã bị đuổi việc và Vietnam Airlines cũng đã đẩy mức độ nghiêm trọng của sự việc lên cao để răn đe những cá nhân có ý định lợi dụng vị trí công việc để tuồn thông tin khách hàng ra ngoài.
“Đến nay, Vietnam Airlines lại tiếp tục nhận được nhiều phản ánh của khách hàng và hãng đã một lần nữa nhờ đến sự vào cuộc của cơ quan công an. Tuy nhiên có thể do thủ đoạn của đối tượng tinh vi hơn hoặc vì lý do gì đó, phía công an vẫn chưa thể tìm ra nguồn lộ thông tin hành khách. Hãng khẳng định sẽ xử lý thật nghiêm nếu phát hiện bất cứ cá nhân nào có hành vi vi phạm pháp luật này nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng”, đại diện Vietnam Airlines cam kết.
Hàng không phải chịu trách nhiệm
Tình trạng khách hàng đi máy bay bị lộ thông tin đã diễn ra kéo dài nhiều năm qua. Cuối năm 2017, sau khi các phương tiện truyền thông liên tục đề cập đến vấn nạn này, Cục Hàng không VN vào cuộc kiểm ra và công bố kết luận thanh tra. Theo đó, việc để lộ thông tin hành khách đi máy bay của cả 3 hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific là do nhân viên các hãng và lỗ hổng phần mềm, chỉ một phần do đại lý bán vé máy bay. Cụ thể, nhân viên đại lý bán vé máy bay có thể cung cấp thông tin hành khách đi máy bay cho tổ chức, cá nhân bên ngoài với hành khách được đại lý đặt chỗ, giữ chỗ, bán vé. Những hành khách bị bán thông tin chủ yếu có lộ trình đi đến các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Cam Ranh (Khánh Hoà) và Liên Khương (Lâm Đồng) – đều là các cảng hàng không ở xa trung tâm thành phố.
Cũng theo Cục Hàng không VN, đối tượng sử dụng thông tin cá nhân của hành khách chủ yếu là các trung tâm môi giới taxi trên mạng internet do doanh nghiệp VN thiết lập và điều hành, thay vì chính các công ty vận chuyển taxi như trước năm 2015.
Trên thực tế, việc lộ, lọt thông tin hành khách đã bùng phát mạnh từ những năm 2013, Cục Hàng không VN cũng đã yêu cầu các hãng hàng không rà soát và có kế hoạch ngăn ngừa. Thế nhưng đến nay việc lộ thông tin vẫn tiếp diễn và không có dấu hiệu giảm.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, việc lộ thông tin thường xuyên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khi danh sách khách hàng có thể bị phát tán thêm cho các doanh nghiệp khác. Chưa kể, với những người tự mua vé trên mạng và thanh toán bằng tài khoản ngân hàng, nguy cơ bị các hacker lợi dụng có thể diễn ra cao hơn khiến nguy cơ bị mất tài khoản.
Chưa thấy các hãng hàng không có trách nhiệm gì với khách hàng trước vấn nạn này. Đây là một sự quấy rối về tinh thần và tôi cho rằng người tiêu dùng có thể khiếu kiện đòi bồi thường. Nhưng điều quan trọng là việc chế tài đối với vấn đề này của VN cũng còn yếu nên không thể ngăn ngừa được. Vì vậy hành khách chỉ có nước cắn răng gánh chịu.
Ông Võ Đỗ Thắng (Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena)
|
MAI PHƯƠNG – HÀ MAI