Căng thẳng Trung Đông leo thang
Mỹ và Iran đả kích nhau kịch liệt sau vụ tấn công bí ẩn nhắm vào 2 tàu chở dầu ở vịnh Oman trong khi cộng đồng quốc tế kêu gọi kiềm chế.
Căng thẳng Trung Đông leo thang
Mỹ và Iran đả kích nhau kịch liệt sau vụ tấn công bí ẩn nhắm vào 2 tàu chở dầu ở vịnh Oman trong khi cộng đồng quốc tế kêu gọi kiềm chế.
Tàu dầu Front Altair bốc cháy sau vụ nổ ẢNH: AFP
Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo quy trách nhiệm lên Iran trong vụ 2 tàu dầu bị tấn công tại vịnh Oman, cách bờ biển Iran khoảng 50 km ngày 13.6 (giờ địa phương). Reuters dẫn lời ông Pompeo cho biết đánh giá của Mỹ được đưa ra dựa trên thông tin tình báo, các loại vũ khí được sử dụng, những vụ việc tương tự gần đây… nhưng không nêu bằng chứng nào cụ thể.
Các vụ tấn công xảy ra đối với tàu dầu Front Altair của Công ty Frontline (Na Uy) và tàu dầu Kokuka Courageous của Công ty Kokuka Sangyo (Nhật Bản) khi 2 tàu này chở dầu từ vùng Vịnh đi qua eo biển Hormuz để đến Đông Á. Chủ tịch Yutaka Katada của công ty Nhật Bản ngày 14.6 cho hay các thủy thủ đã nhìn thấy “vật thể bay” lao tới và gây ra vụ nổ, làm thủng một lỗ trên thân tàu. Vụ nổ không gây thiệt hại lớn và sau khi phát tín hiệu cầu cứu, toàn bộ thuỷ thủ được hải quân Mỹ hỗ trợ sơ tán. Ông Katada cũng bác bỏ thông tin nói tàu bị trúng ngư lôi vì nếu vậy, lỗ thủng đáng ra phải nằm bên dưới mặt nước. Tàu dầu của Na Uy bị nổ 3 lần và bốc cháy nhưng không bị chìm. Trước đó, 4 tàu dầu cũng bị tấn công bí ẩn ngoài khơi UAE và Mỹ quy trách nhiệm cho Iran nhưng nước này cương quyết phủ nhận.
Bản đồ địa điểm xảy ra vụ tấn công tàu dầu ở vịnh Oman ngày 13.6 AFP
Hải quân Mỹ hôm qua công bố đoạn phim trắng đen “cho thấy Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) đưa tàu tuần tra đến gỡ một quả thủy lôi chưa phát nổ bên mạn phải tàu Kokuka Courageous nhằm xoá chứng cứ”. Đáp lại, Tehran phản đối mạnh mẽ cáo buộc “không có cơ sở” của Washington vì Iran “không lý nào tấn công tàu Nhật” khi Thủ tướng Shinzo Abe đang thăm nước này để làm cầu nối giảm căng thẳng với Mỹ. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif còn chỉ trích Mỹ cùng Israel và Ả Rập Xê Út “đang âm mưu phá hoại nỗ lực ngoại giao và cố tình che đậy hành động khủng bố kinh tế nhắm vào Iran”.
Căng thẳng dâng cao từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận quốc tế về vấn đề hạt nhân Iran hồi tháng 5.2018. Washington sau đó khôi phục các lệnh cấm vận nhằm vào ngành dầu khí của nước CH Hồi giáo trong khi Tehran nhiều lần dọa phong toả eo biển Hormuz, tuyến hàng hải quan trọng nơi khoảng 30% lượng dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ đi qua mỗi năm. Vụ tấn công mới nhất không những làm gia tăng lo ngại về nguy cơ bùng nổ xung đột mà còn đẩy giá dầu thô cùng ngày tăng lên 4,5%, theo Reuters. Mặt khác, quân đội Mỹ điều động thêm tàu khu trục USS Mason đến khu vực nhưng nhấn mạnh “không có ý định lao vào cuộc xung đột mới ở Trung Đông”.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên kiềm chế cho đến khi điều tra rõ nguyên nhân vụ việc. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko ngày 14.6 cho hay vụ tấn công không ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng của Tokyo nhưng sẽ được mang ra bàn bạc tại cuộc họp bộ trưởng năng lượng và môi trường các nước G20 trong tuần này.
BẢO VINH