27/12/2024

Túi tự huỷ tốt quá rồi, nhưng ước gì giá thật rẻ!

Quy định kiểm soát ô nhiễm môi trường với túi nilông khó phân hủy được ban hành từ năm… 2013, nhưng VN hiện đang nằm trong top 5 quốc gia chịu trách nhiệm về việc xả 13 triệu tấn rác nhựa ra đại dương mỗi năm, trong đó chủ yếu là bao xốp.

 

Túi tự huỷ tốt quá rồi, nhưng ước gì giá thật rẻ!

Quy định kiểm soát ô nhiễm môi trường với túi nilông khó phân hủy được ban hành từ năm… 2013, nhưng VN hiện đang nằm trong top 5 quốc gia chịu trách nhiệm về việc xả 13 triệu tấn rác nhựa ra đại dương mỗi năm, trong đó chủ yếu là bao xốp.


 

Túi tự hủy tốt quá rồi, nhưng ước gì giá thật rẻ! - Ảnh 1.

Sản xuất bao bì tự huỷ tại Công ty CP xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn (Khu công nghiệp Cát Lái, TP.HCM) – Ảnh: T.T.D.

 

Thống kê chưa đầy đủ từ Hiệp hội Nhựa VN (VPA) cho biết chỉ tính riêng tại Hà Nội và TP.HCM, lượng túi nilông (bao xốp) các loại được tiêu thụ khoảng 25.000 tấn/tháng, chưa kể 8 tỉ ống hút nhựa dùng cho loại hộp sữa nước.

Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng và nhà sản xuất vẫn chưa “mặn” với túi tự hủy, vì sao?

Người tiêu dùng: chỉ mới nghe nói!

Bán đủ loại túi nilông, từ túi đựng rác đến bao xốp các loại hơn 10 năm nay, nhưng chủ sạp Ngọc Hoa – tiểu thương chợ Trần Hữu Trang (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) – cho biết chỉ mới nghe về loại bao xốp tự huỷ khi thải ra môi trường, “chưa biết mặt mũi nó thế nào”.

Trong khi đó, ông Quốc Sang (chủ sạp hàng nhựa chợ Bình Tây) thừa nhận chưa từng nghe nói đến loại túi tự hủy này.

Tại các hệ thống siêu thị, nhận thức của người bán và người tiêu dùng về nhiều mặt hàng thân thiện với môi trường đã có sự chuyển biến tích cực trong những năm gần đây, dù chưa nhiều. Tuy nhiên, đại diện một hệ thống siêu thị lớn thừa nhận nhiều người tiêu dùng vẫn còn lưỡng lự giữa việc chi tiền ra mua hay tiếp tục lựa chọn bao xốp để đựng đồ.

Ông Hồ Đức Lam, chủ tịch VPA, cho biết trong hơn 500 doanh nghiệp (DN) đang sản xuất túi xốp hiện nay chỉ có khoảng 30 DN có giấy chứng nhận thân thiện môi trường do Bộ TN-MT cấp, sản phẩm bao xốp tự phân hủy (tự huỷ) của những DN này chủ yếu chỉ để xuất khẩu.

Phần lớn còn lại là DN vừa và nhỏ, chuyên sản xuất các loại túi nhựa, bao xốp thông thường (khó phân hủy) để cung cấp cho thị trường nội địa.

Đây là nguồn cung cấp rác thải nhựa khó phân hủy cực lớn nhưng chưa có giải pháp chuyển đổi. “Chỉ một vài DN sản xuất và bán túi tự hủy ở thị trường nội địa, nhưng mới ở kênh siêu thị hay trung tâm thương mại lớn, chứ chưa tiêu thụ được ở các chợ truyền thống hay tiệm tạp hoá do nhận thức của người bán và người tiêu dùng vẫn còn rất hạn chế” – ông Lam nói.

Nhà sản xuất: quá nhiều rào cản

Giải thích lý do không mặn mà đầu tư sản xuất bao xốp tự huỷ, lãnh đạo công ty nhựa P. cho biết do giá thành cao, thường cao hơn 15-20% so với giá thành loại bao xốp thông thường, thậm chí cao hơn 30-40% nếu sản xuất loại túi tự hủy nhanh.

“Các loại bao xốp thông thường có giá thành thấp vì dùng nguyên liệu nhựa tái sinh thấp cấp, không tốn thêm chi phí cho chất phụ gia để làm phân huỷ” – vị này chia sẻ.

Theo ông Trần Việt Anh – tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, VN vẫn đang thiếu các nhà máy tái chế có công nghệ trình độ xử lý hiện đại, quy mô lớn và nguyên liệu để sản xuất ra được các sản phẩm thân thiện môi trường.

Các DN đầu tư sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường kinh doanh đều “tự bơi”, không có bất kỳ chính sách nào hỗ trợ từ phía Nhà nước. “Đây là lý do khiến các DN không mặn mà với sản phẩm bao xốp tự huỷ, thân thiện với môi trường” – ông Việt Anh nói.

Từ năm 2018, sau 3 năm chủ yếu tập trung cho thị trường xuất khẩu, Tập đoàn An Phát đã bắt đầu sản xuất và cung ứng ra thị trường nội địa túi sinh học phân huỷ hoàn toàn làm từ tinh bột. So với loại bao xốp phân huỷ phổ biến trên thị trường, bao bì phân hủy làm từ tinh bột cao cấp hơn, đòi hỏi máy móc tinh xảo và nhân sự vận hành tay nghề cao hơn.

Tuy nhiên, với nguyên vật liệu 100% nhập khẩu từ Đức, quy trình sản xuất nghiêm ngặt và đạt tiêu chuẩn vi sinh phân hủy hoàn toàn, giá thành của các sản phẩm này cao hơn 2,5 lần so với sản phẩm nhựa tự hủy thông thường.

“Đây cũng là một rào cản lớn để chúng tôi có thể đưa sản phẩm đến tay mọi gia đình, mọi người dân, nên chỉ xác định đây là giai đoạn đầu tư và đặt nền móng cho một tương lai “sạch” của VN” – đại diện đơn vị này cho biết.

Hàn Quốc cam kết hỗ trợ các dự án môi trường tại Việt Nam

Tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ xử lý rác thải và năng lượng” diễn ra ở TP.HCM ngày 12-6, ông Park Jung Jun – phó trưởng Ban Kinh tế và công nghiệp môi trường (Bộ Môi trường Hàn Quốc) – cho biết phía Hàn Quốc sẽ hỗ trợ phát triển 20 dự án về xử lý môi trường cho các nước đang phát triển mỗi năm, trong đó có VN.

Tại VN, phía Hàn Quốc đã hỗ trợ Hà Tĩnh thực hiện dự án xử lý nước và sẽ tiếp tục các dự án tương tự. Các ngân hàng Hàn Quốc cũng có chính sách hỗ trợ các dự án môi trường, nên VN có thể tiếp cận nguồn vốn này để đầu tư cải thiện môi trường, xử lý rác.

Theo ông Nguyễn Thanh Yên – phó vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường), mô hình đốt rác sản xuất điện rất có tiềm năng ở VN, nhất là các thành phố lớn.

Do đó, ông Yên kêu gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực điện rác tại VN với công nghệ hiện đại. Cũng tại hội thảo, các doanh nghiệp cho rằng để có thể tận dụng tối đa các năng lượng từ rác, phải phân loại rác tại nguồn thay vì gom về một loại như hiện nay.

NGỌC HIỂN

VN thải khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa/năm

Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO) tại VN ghi nhận có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường mỗi năm từ VN, phổ biến là bao xốp, ly, hộp, chai, nút nhựa các loại.

Dù mức sử dụng nhựa của VN chỉ khoảng 45kg/đầu người, thấp hơn một số nước như Thái Lan (150kg/người) hay Nhật (200kg/người), nhưng VN lại là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới hiện nay.

 

 

TRẦN VŨ NGHI