23/12/2024

Ấn Độ đau đầu vì núi rác thải nhựa

Chính phủ Ấn Độ vẫn đang chật vật xử lý những núi rác thải nhựa khổng lồ dù đã vạch ra lộ trình và ban hành luật cụ thể.

 

Ấn Độ đau đầu vì núi rác thải nhựa

Chính phủ Ấn Độ vẫn đang chật vật xử lý những núi rác thải nhựa khổng lồ dù đã vạch ra lộ trình và ban hành luật cụ thể.
 
 
 
 
 

Người dân nhặt rác tại bãi Ghazipur, phía đông New Delhi
  /// Ảnh: Chụp màn hình NYT

Người dân nhặt rác tại bãi Ghazipur, phía đông New Delhi   ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH NYT

 

 
 
Cục Kiểm soát ô nhiễm trung ương ước tính mỗi ngày có khoảng 26.000 tấn rác thải nhựa ở Ấn Độ, khiến các bãi rác ngày càng quá tải. Đáng chú ý là phân nửa số này bị đốt, không được phân loại hoặc đổ thẳng ra môi trường tự nhiên bao gồm biển và sông ngòi. Hồi tháng 6.2018, Thủ tướng Narendra Modi từng cam kết sẽ loại trừ sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2022, theo tờ The Economic Times.
 
Đến nay, các chuyên gia đánh giá chính phủ khó có thể đạt được mục tiêu trên giữa lúc những núi rác trộn lẫn rác thải nhựa cùng những thứ khó phân huỷ khác vẫn “sừng sững” ở nhiều nơi. Chẳng hạn, giới hữu trách cảnh báo chỉ vài tháng nữa bãi rác Ghazipur ở phía đông thủ đô New Delhi sẽ cao hơn ngôi đền nổi tiếng Taj Mahal với chiều cao 73 m, theo AFP. Dù vậy, hàng trăm xe rác vẫn ra vào địa điểm này mỗi ngày do không thể tìm được giải pháp thay thế.
 
Mặt khác, luôn có đông đảo người lao động nghèo bất chấp nguy hiểm lùng sục các bãi rác để tìm những thứ có thể bán cho xưởng tái chế nhựa. “Sự hiện diện của họ là vừa cứu tinh vừa là thách thức. Họ phần nào giúp lấy nhựa khỏi bãi rác. Tuy nhiên, chính phủ chưa quản lý nghiêm ngặt nên nhiều cơ sở tái chế nhỏ lẻ mọc lên, sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn lại gây ô nhiễm không khí và sản phẩm ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng”, AFP dẫn lời chuyên gia Priti Mahesh tại New Delhi nói.
 
Bên cạnh đó, dù đã có luật Xử lý rác thải nhựa ban hành từ năm 2016 nhưng nhiều bang hiện chưa thể đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống phân loại, xử lý và tái chế theo đúng quy định. Gần 20 bang và vùng lãnh thổ áp dụng lệnh cấm hoặc hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần nhưng lại không được thi hành và kiểm tra triệt để. “Tại bang Maharashtra, lệnh cấm ban đầu được thực hiện nghiêm túc, nhưng không lâu sau thì đâu lại vào đó vì thói quen người tiêu dùng và họ không có sản phẩm khác thay thế”, nhà sáng lập Công ty tái chế Saahas Zero Waste, bà Wilma Rodrigues nói với tờ The Times of India.
 
Hiện các tổ chức môi trường liên tục kêu gọi chính phủ ban hành chính sách buộc doanh nghiệp cắt giảm sản phẩm nhựa. Tuy nhiên, đề xuất này khó thực hiện vì ngành công nghiệp đóng gói Ấn Độ có doanh thu 32 tỉ USD/năm và sử dụng hơn 1 triệu lao động. Chuyên gia Swati Singh Sambyal thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học và môi trường cho rằng cấm đoán, hạn chế sản xuất ảnh hưởng đến sinh kế nhiều người, thay vào đó chính phủ nên khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang mặt hàng thay thế, tăng cường quản lý, xây dựng hệ thống nhà máy phân loại, xử lý và tái chế rác thải nhựa.
 
 
Về phía người dân, một số cộng đồng cũng nỗ lực tự phân loại rác thải nhựa, chẳng hạn như nhóm thu gom tự phát của bà Kishwar Jahan, 60 tuổi, sống tại khu ổ chuột Ravidas, ngoại ô New Delhi. Hằng ngày, bà cùng các thành viên khác đi thu gom rác thải nhựa để riêng và bán cho các cơ sở tái chế có giấy phép. “Tôi đã cố gắng vận động và giờ đây mọi người ý thức hơn về việc phân loại rác. Tất nhiên cũng có một số người chẳng quan tâm, nhưng tôi quyết không bỏ cuộc”, bà Jahan nói với CNN.
 
 
 
PHÚC DUY