Những ngày qua, khi dư luận đổ dồn sự chú ý vào Đối thoại Shangri-La tại Singapore, nơi Mỹ và Trung Quốc khẩu chiến dữ dội về an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì tại một khu nghỉ dưỡng ở Thụy Sĩ lại diễn ra một hội nghị bí mật mang tên Bilderberg. Mật nghị này quy tụ hơn 100 nhân vật từ nguyên thủ quốc gia, quan chức cấp cao, tướng lĩnh, học giả cho đến chủ tịch các tập đoàn lớn để bàn về các vấn đề của thế giới.
Hội nghị năm nay diễn ra từ ngày 30.5 – 2.6 tại khách sạn 5 sao Fairmont Le Montreux Palace nằm bên bờ hồ Geneva, thành phố Montreux. Danh sách tham dự gồm hàng loạt tên tuổi có sức ảnh hưởng như Quốc vương Hà Lan Willem-Alexander, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen, Bộ trưởng Kinh tế – Tài chính Pháp Bruno Le Maire, lãnh đạo Microsoft Satya Nadella, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger hay cựu Thủ tướng Ý Matteo Renzi… Con rể và là cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump, Jared Kushner cũng được mời trong khi Ngoại trưởng Mike Pompeo được xác nhận đã đến dự dù không có tên trong danh sách khách mời, theo tờ The New York Times.
Những người tham dự Hội nghị Bilderberg phải tuân thủ nguyên tắc là có thể tự do sử dụng thông tin từ đây nhưng tuyệt đối không được tiết lộ nguồn phát ngôn. Sự bí hiểm của Hội nghị Bilderberg từ lâu là chủ đề bàn tán của giới truyền thông và khởi nguồn của vô vàn thuyết âm mưu. Theo AFP, một số trong đó cho rằng Bilderberg là “hội kín” của những nhân vật quyền lực và giàu có đang áp đặt thế giới dưới một sự thống trị duy nhất.
Tác giả cuốn The True Story of the Bilderberg Group (tạm dịch: Sự thật về nhóm Bilderberg), ông Daniel Estulin từng chỉ ra những sự trùng hợp khi các tổng thống Mỹ George H.W.Bush, Bill Clinton hay Thủ tướng Anh Tony Blair, Thủ tướng Đức Angela Merkel đều tham dự Hội nghị Bilderberg trước khi được ngồi vào các chiếc ghế quyền lực ấy. Tạp chí The New American thì loan tin rằng 3 thành viên của chính quyền Tổng thống Trump gồm Cố vấn an ninh quốc gia H.R.McMaster, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Trợ lý tổng thống Christopher Liddell từng “bị triệu tập” đến hội nghị năm 2017 để “nhóm quyền lực đen” thuộc Bilderberg gây áp lực, buộc ông Trump phải từ bỏ chính sách “Nước Mỹ trước tiên” vì nó đi ngược lại chủ trương toàn cầu hóa mà nhóm này gầy dựng nhiều năm qua.
Tâm điểm của hội nghị năm nay chính là “Một trật tự chiến lược ổn định”, điều mà phe chỉ trích Tổng thống Trump cho rằng chủ nhân Nhà Trắng và đội ngũ cố vấn cần nghĩ đến vì chính sách của Mỹ hiện tại đang đe dọa đến trật tự thế giới, sự ổn định của chủ nghĩa toàn cầu thời hậu chiến. “Điều chúng ta có ở đây là một chính quyền hành xử như kẻ theo chủ nghĩa đơn cực. Những nhân vật tại hội nghị có thể sẽ nhắn với ông ấy (Tổng thống Trump – NV) rằng ông đang phạm sai lầm và không phục vụ cho những lợi ích đã được công nhận rộng rãi của nước Mỹ cũng như quốc tế”, AP dẫn lời Giáo sư khoa học chính trị Ken Oye thuộc Viện Công nghệ Massachusetts dự đoán. Bên cạnh đó, các nội dung như Brexit, Trung Quốc, tương lai chủ nghĩa tư bản và vũ khí hóa mạng xã hội cũng được bàn đến.
Mật nghị Bilderberg được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1954 tại khách sạn Bilderberg (Hà Lan) với nội dung xoay quanh các vấn đề như tăng cường quan hệ về mọi mặt giữa Mỹ và Tây Âu hậu Thế chiến 2 cũng như hợp tác đối phó Liên Xô. Kể từ đó, mỗi năm đều có từ 120 – 150 nhân vật “tinh hoa” được mời đến dự. Không có chương trình chi tiết, biên bản hay tuyên bố chính sách nào được đưa ra sau hội nghị. Khách mời tham dự hội nghị với tư cách cá nhân, không theo chức danh chính thức của mình. Do vậy, The Guardian từng ví von Bilderberg là nơi duy nhất trên thế giới mà một tổng thống có thể nghe câu nói: “Anh bị sa thải!”.
|
BẢO VINH