Bong bóng bất động sản và phồn vinh giả tạo ở Trung Quốc
Ở một đất nước như Trung Quốc, giàu nghèo đôi khi chỉ khác nhau ở chỗ ai có nhà cửa, đất đai để bán mỗi lúc… sốt giá. Cái vòng lẩn quẩn này tạo ra một sự phồn thịnh giả tạo mà đến chính quyền Bắc Kinh còn phải đau đầu.
Bong bóng bất động sản và phồn vinh giả tạo ở Trung Quốc
Ở một đất nước như Trung Quốc, giàu nghèo đôi khi chỉ khác nhau ở chỗ ai có nhà cửa, đất đai để bán mỗi lúc… sốt giá. Cái vòng lẩn quẩn này tạo ra một sự phồn thịnh giả tạo mà đến chính quyền Bắc Kinh còn phải đau đầu.
Song Jingyi xuất thân từ một gia đình có hoàn cảnh khiêm tốn ở tỉnh miền trung Hà Nam (Trung Quốc). Tốt nghiệp ra trường và tìm được công việc trợ lý luật sư, Song mơ ước mua được căn hộ ở thành phố Trịnh Châu nơi cô theo học.
Nhưng giá nhà cao ngất ngưỡng đồng nghĩa giấc mơ an cư không dễ thực hiện. Thị trường bất động sản Hà Nam bùng nổ hồi năm 2016, một phần nhờ chính sách thúc đẩy sở hữu nhà và kích tiêu dùng ở các tỉnh nội địa của Trung Quốc.
Nhiều người giàu lên, nhưng phần đông đứng ngoài cuộc chơi.
Tháng 11 năm ngoái, một nhà phát triển bất động sản đưa ra đề nghị hấp dẫn: Song có thể đặt cọc 30% cho căn hộ bằng cách được vay luôn số tiền đó.
Nếu là người có kinh nghiệm, họ sẽ thấy ngay đây là dấu hiệu cảnh báo thị trường nhà ở đang đâm đầu vào tường, điều khoản mua bán rủi ro vậy mà chủ đầu tư vẫn chấp nhận?
Quả thật, sau 2 năm tăng phi mã, bất động sản ở các thành phố “vùng sâu” như Trịnh Châu đạt đến điểm ngoặt vào cuối năm 2018.
Rất nhanh chóng, Song nhận ra giá nhà bắt đầu rớt ở một số dự án, một người bạn của cô cũng bị “dính” một căn hộ. Dù rất thèm nếm trải cuộc sống trung lưu như bạn bè, cô đủ tỉnh táo để tháo chạy khỏi một cái bong bóng đang chực nổ tung.
“Tôi có cảm giác như xung quanh ai cũng có nhà cửa, tôi chịu áp lực từ bạn bè đồng lứa. Trên nhiều phương diện, đó là ảo ảnh của một sự phồn thịnh giả tạo” – cô gái trẻ tên Song đúc kết ra bài học bản thân.
Sự khác biệt giữa giá nhà xây mới và ví tiền của một người Trung Quốc trung bình rõ như đen và trắng.
Ruchir Sharma – tác giả quyển sách “Các quốc gia vượt lên: Hành trình đi tìm phép màu kinh tế tiếp theo”
Bức tranh ngày nay thật khác so với cách đây 2 năm. Thời đó, nhà đầu tư trên khắp Trung Quốc đổ về các thành phố như Trịnh Châu để mua nhà, họ trả bằng tiền mặt, trả đủ ngay một lần… khiến nhiều dự án không còn căn nào để bán chỉ trong… vài phút.
Phóng viên Reuters từng gặp một hoàn cảnh hết sức “tội nghiệp” hồi tháng 9-2016 tại dự án căn hộ Evergrande ở Trịnh Châu. Một cặp vợ chồng trung niên, tuổi chừng ngoài 40, nức nở trong sự thất vọng rằng họ sống ở một thành phố gần đó, lặn lội lái xe đến thì người ta bảo bán sạch rồi!
Giá nhà cứ thế bay cao, thậm chí cao bằng bất động sản ở thành phố Sydney của Úc.
Và đến khi rớt thì nó rớt cũng rất nhanh: Cuối năm ngoái, tỉ lệ nhà không bán được ở Trịnh Châu tăng lên 26,5%. Kinh tế Trung Quốc chậm lại là một, mặt khác chính phủ nước này muốn dọn dẹp tình trạng đầu cơ và một hệ thống tài chính đang hết sức rủi ro.
Zhang Chenxuan là nhà doanh nghiệp chuyên làm nội thất. Ông than hiện tại có đến 80% khách hàng tự nhận họ “nghèo lắm”, không đủ tiền để làm nội thất cho đàng hoàng. “Khách chỉ muốn thứ gì đó thực dụng và đơn giản, sang trọng thì thôi khỏi đi” – ông cho biết.
Về phần mình, Song cho biết bạn trai cô đã đặt cọc mua căn hộ ở Trương Gia Khẩu – một khu nghỉ mát trượt tuyết gần Bắc Kinh vốn sẽ tổ chức vài sự kiện của Thế vận hội mùa đông 2022. Các nhà đầu cơ đang dòm ngó nơi này, nhưng giá chỉ mới bằng 1/6 so với bất động sản trung bình ở Bắc Kinh.
“Thậm chí nếu giá rớt, anh nghĩ nó còn có thể giảm bao nhiêu nữa?” – Song tự tin về lựa chọn “chắc ăn” này.
Hoạt động đầu cơ bất động sản ở Trung Quốc gây ra tình trạng thiếu nhà ở nghiêm trọng, đẩy giá nhà sang tay lên cao chưa từng thấy. Chỉ số Giá nhà sang tay Thượng Hải – một ví dụ – đã tăng từ dưới 1.000 điểm năm 2003 lên khoảng 4.000 điểm năm 2017.
Tạp chí Forbes