‘Bài tập về nhà’ khiến học trò xúc động
Dù chỉ là bức thư chia tay với học trò sau một năm học nhưng ‘bài tập về nhà’ của thầy Đỗ Đức Anh đã có hàng ngàn lượt thích, lượt chia sẻ trên mạng xã hội.
‘Bài tập về nhà’ khiến học trò xúc động
Dù chỉ là bức thư chia tay với học trò sau một năm học nhưng ‘bài tập về nhà’ của thầy Đỗ Đức Anh đã có hàng ngàn lượt thích, lượt chia sẻ trên mạng xã hội.Thầy Đỗ Đức Anh (ngoài cùng bên phải) cùng học sinh lớp 10A9 trong hoạt động từ thiện xã hội Đ.A
Như những năm trước, khi chia tay với những học sinh trong lớp 10A9 do mình chủ nhiệm, thầy giáo Đỗ Đức Anh, Tổ phó Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) lại viết bức thư tâm sự về một năm học của thầy trò đã qua và gửi gắm những tình cảm, khuyến khích học trò có những động lực trong thời gian tới.
Cũng như vậy, năm nay với mục đích cô đọng và tạo sự thú vị cho học sinh của mình, thầy giáo Đỗ Đức Anh gửi gắm cho học trò 6 “bài tập về nhà” và gửi phụ huynh trong buổi họp cuối năm mang về nhà đặt dưới gối của con mình.
Lá thư có nội dung như sau:
Bài tập số 1: Hãy để ai đó trong gia đình ôm em nếu kết quả năm học vừa rồi chưa được như ý.
Bài tập số 2: Hãy tận hưởng mùa hè của mình với tất cả năng lượng tuổi trẻ.
Bài tập số 3: Hãy tranh thủ trau dồi khả năng ngoại ngữ và các kỹ năng mềm cần thiết.
Bài tập số 4: Các bạn nam hãy luôn biết cách vượt qua giông bão cuộc đời với tinh thần của một chiến binh. Các bạn nữ hãy đứng dậy, tô thêm son, mỉm cười và kiêu hãnh tiến về phía trước. Bởi vì nếu em không phải là một cái cây thì chẳng lý gì chúng ta lại cứ phải đứng im một chỗ.
Bài tập số 5: Một buổi tối nào đó trong đời, nếu em cảm thấy cô đơn hay buồn tủi, hãy hồi tưởng lại những ký ức dịu dàng của thầy trò mình. Hoặc lúc nào đó muốn một ai đó lắng nghe nỗi thất vọng cùng cực của mình, hãy cứ gọi cho thầy, thầy vẫn luôn ở đây.
Bài tập số 6: Hãy luôn là một người tử tế và hạnh phúc, nghe.
Thời gian nộp bài: Em sẽ có rất nhiều thời gian để hoàn thành 6 bài tập về nhà này, hãy cứ thong thả, đừng vội nộp bài. Bởi thầy biết, có những bài tập mà em phải mất cả tuổi trẻ, thậm chí cả cuộc đời mới có thể làm xong. Người ta thường nói trưởng thành không phải là lúc ta làm được những chuyện lớn lao mà là lúc ta hiểu được những điều bé nhỏ. Con đường trưởng thành sẽ luôn có sự rời xa theo cách này hay cách khác. Nhưng hãy tin, lời tạm biệt thực ra không phải là lời từ biệt mà là một lời hứa “Hẹn gặp lại”.
Thầy rất vui vì trong những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ, chúng ta đã gặp gỡ… Tạm biệt em! Hoài mong em nộp bài.
Thầy Đỗ Đức Anh
Chia sẻ về lý do viết bức thư “dậy sóng”, thầy Đỗ Đức Anh nói: “Theo lý thuyết thông thường, hết một năm học thì trách nhiệm của thầy với trò cũng hết. Những thật sự, thầy cô không chỉ là người đồng hành với học trò về kiến thức mà còn là bạn tâm giao để chia sẻ những tình cảm mọi lúc, mọi nơi, khi cần là có nhau”.
Nhận được thư thầy giáo gửi, học sinh Phương Uyên, thổ lộ: “Em chưa bao giờ là một đứa giỏi văn để thầy có thể nhớ tên. Em cũng là một đứa trí nhớ kém nên nếu hỏi lại những tiết văn ngày đó, em không thể nhớ hết mình đã học những gì, nhưng em lại nhớ rất rõ cách thầy tâm huyết giảng bài đến khản cổ. Thầy dặn dò sau này phải sống thế nào cho tốt. Và trên hết là sự yêu thương mà thầy dành cho học trò, từ trước đến nay vẫn luôn ngọt ngào”.
Cùng con đọc thư “bài tập về nhà” của thầy, phụ huynh Anh Tú xúc động: “Thật may mắn khi chập chững bước vào THPT, con gái đã gặp được giáo viên đầy tâm huyết. Để khi kết thúc năm học, con lại ước ao ‘Ước gì năm sau con lại được thầy chủ nhiệm’. Cám ơn thầy đã gieo những hạt mầm yêu thương vào tâm hồn con trẻ. Như thầy đã nói trong buổi họp phụ huynh ‘Con có thể không giỏi, nhưng con hãy là người tử tế’. ‘iu’ lắm người thầy, ‘iu’ lắm Trường Bùi Thị Xuân”
BÍCH THANH