Ơn dưỡng dục
Lễ tri ân và trưởng thành là một cột mốc trong đời, một dịp để bày tỏ yêu thương với cha mẹ, thầy cô. Nhớ ơn dưỡng dục luôn là hành trang vào đời của mỗi người.
Ơn dưỡng dục
Lễ tri ân và trưởng thành là một cột mốc trong đời, một dịp để bày tỏ yêu thương với cha mẹ, thầy cô. Nhớ ơn dưỡng dục luôn là hành trang vào đời của mỗi người.
Những giây phút khó quên trong ngày lễ tri ân ở Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, Q.3, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG
Gần 1 triệu học sinh lớp 12 trong cả nước chia tay tuổi học trò. Dịp này nhiều trường THCS cũng tổ chức lễ tri ân cho học sinh lớp 9.
Những buổi lễ tri ân có đủ cảm xúc với những khoảnh khắc quý giá khi thầy cô và những đấng sinh thành cùng lắng lòng trước những bày tỏ, cảm ơn và xin lỗi của học trò tuổi 15, những khát vọng và ước mơ của tuổi 18.
Ai đã từng chọc phá thầy cô, từng làm phiền lòng cha mẹ? Ai từng vô cảm với những lo âu cơm áo gạo tiền, lơ là với những vất vả, bận rộn của đấng sinh thành? Ai từng bỏ bê học hành rồi đứng dậy cùng cái nắm tay, ánh mắt trìu mến của thầy cô ở trường?
Ai từng vượt nghèo khó để học tốt hơn, từng vượt qua những nông nổi học trò để hiểu hơn giá trị bản thân?… Có những bức thư cảm động học sinh viết về đấng sinh thành được đọc ở sân trường. Và những người cha, người mẹ bất ngờ đến rưng rưng nước mắt khi lần đầu nghe những điều con nghĩ về mình.
Có những lời tri ân được học trò gửi đến thầy giám thị, bác bảo vệ, cô lao công. Có những điều thầy cô đã làm mỗi ngày, thành thói quen nhưng với học trò đó là những điều quý giá không thể cân đo đong đếm được.
Như cách học trò trường phổ thông vùng cao bày tỏ: “Thầy cô giáo là những người cha, người mẹ thứ hai khi lo lắng cho chúng con mỗi bữa ăn, chăm sóc từng giấc ngủ…”.
Nhưng cũng có những lễ tri ân mà ở đó nhà trường hướng các em tri ân đấng sinh thành. Vì sao?
Như thầy giáo tổ trưởng tổ văn một trường bày tỏ: “Các em đã cảm ơn thầy cô vào ngày 20-11. Mỗi học sinh một hoàn cảnh, suy nghĩ khác nhau, kết quả học tập khác nhau. Ngày mai em lớn, em có là ai em vẫn phải biết hiếu kính đấng sinh thành. Dù học thế nào, các em cũng phải là con ngoan cháu hiền trước khi bước ra xã hội…”.
Lại có những lễ tri ân, nhà trường tổ chức cho học sinh tuổi 18 trả lời các tình huống với những câu hỏi là một vấn đề của cuộc sống phía trước.
Nếu kinh tế gia đình bị khó khăn, bạn sẽ đối mặt với điều đó như thế nào? Không đậu đại học, bạn sẽ làm gì? Giữa một nghề nghiệp cho mức lương cao với một nghề mà bạn đam mê nhưng mức lương thấp, bạn sẽ chọn nghề nào?…
Những câu trả lời luôn mở ra những góc khuất trái tim học trò, để thấy ai cũng trưởng thành hơn trước chặng đường mới.
“Cho đến khi ở ngưỡng cửa vào đời, tôi mới hiểu mình đã có một gia đình rất tuyệt vời…”. Gia đình đó có thể nghèo túng nhưng người cha luôn quan tâm “hôm nay sao rồi con?”. Có người mẹ tảo tần ở chợ nhưng trong mắt con, mẹ là người lao động chăm chỉ nhất.
Gia đình ấy có thể trải qua biến cố khi người lớn ốm đau, qua đời, thậm chí gia đình không trọn vẹn nhưng con vẫn được chăm lo cách tốt nhất có thể…
Gia đình đó có người cha học không “hết lớp” nhưng khéo tay, “người ta nói cần cù bù thông minh nhưng ba tôi có đủ cả hai, ba tôi như thần tượng” – một học sinh giỏi lớp 9 viết về cha mình.
Ai đó nói: nhiều học trò trưởng thành từ lễ tri ân. Đúng không? Thật ra, con trẻ đang trưởng thành từng ngày nhưng để hiểu con mình trưởng thành đến đâu, không phải cha mẹ nào cũng thấu cảm.
Lễ tri ân và trưởng thành là một cột mốc trong đời, một dịp để bày tỏ yêu thương với cha mẹ, thầy cô. Nhớ ơn dưỡng dục luôn là hành trang vào đời của mỗi người.