12/01/2025

Trăn trở trước những bước ngoặt của con

Con tạm biệt mầm non để vào lớp một, con kết thúc 12 năm đèn sách chuẩn bị bước vào giảng đường đại học… là những bước ngoặt khiến cho các bậc phụ huynh vừa vui mừng, vừa trăn trở.

 

Trăn trở trước những bước ngoặt của con

Con tạm biệt mầm non để vào lớp một, con kết thúc 12 năm đèn sách chuẩn bị bước vào giảng đường đại học… là những bước ngoặt khiến cho các bậc phụ huynh vừa vui mừng, vừa trăn trở.

 

 

Con kết thúc 12 năm học cũng là lúc cha mẹ có nhiều trăn trở, lo lắng /// ĐÀO NGỌC THẠCH

Con kết thúc 12 năm học cũng là lúc cha mẹ có nhiều trăn trở, lo lắng   ĐÀO NGỌC THẠCH

 

“Mới ngày nào còn tập nói, nay đã chững chạc bước dưới sân trường”

Phụ huynh Hoàng Xuân Mai (sống tại chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) có con vừa “tốt nghiệp mầm non” và năm học mới sẽ vào học lớp một Trường tiểu học Phan Chu Trinh. Để chuẩn bị tinh thần cho con làm quen với trường lớp mới, chiều mát chị Mai lại chở con ghé thăm trường. “Bé xin mẹ vào sân trường chơi. Tôi bèn để bé tự đi dạo vòng vòng quanh sân. Nhìn dáng đi của con với ánh mắt đầy vui tươi háo hức, sẵn sàng đón nhận một môi trường học tập hoàn toàn mới, tôi thấy xúc động vô cùng. Mới ngày nào con còn bi bô tập nói, chập chững tập đi từng bước một, vậy mà đã 6 năm. Nay bước dưới sân trường dáng vẻ chững chạc lắm!”, chị Mai kể lại.

Theo chị Mai, đây là một giai đoạn hoàn toàn mới mà gia đình và cả con gái của chị sẽ phải tập quen dần để đón nhận và thay đổi. “Không còn ở tuổi chỉ biết đến lớp để vui chơi nữa, con phải học bài, làm bài, tìm hiểu nhiều kiến thức, kỹ năng mới. Về nhà mẹ cũng bắt đầu tập cho làm việc nhà. ‘Trách nhiệm’ lớn hơn tuổi mầm non nhiều”, chị Mai chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thúy Diệu (ngụ số 53 Nguyễn Sơn, Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng có con chuẩn bị bước vào lớp một, đã viết một bài viết tràn ngập cảm xúc chia sẻ trên trang cá nhân của mình. Chị Diệu viết: “Con yêu quý, sáng nay vừa tỉnh giấc, con đã hỏi mẹ: ‘Mẹ ơi, đi học lớp một có vui không? Có nhiều bạn bè hơn lớp lá không? Con phải dậy từ mấy giờ? Mẹ sẽ vẫn mua gấu bông cho con chơi chứ?’. Con sợ mẹ không mua gấu bông cho chơi nữa vì hằng ngày con vẫn hát ‘tạm biệt gấu misa nhé, mai em vào lớp một rồi’. Nhìn con vừa lo lắng, vừa hồi hộp, mẹ biết con của mẹ đã sắp ‘trưởng thành’ thêm một bước, và con đường phía trước bắt đầu thênh thang hơn, đòi hỏi con phải bước vững vàng hơn một chút”.

Chị Diệu cho biết vì con mình ý thức được “bước ngoặt” này, nên lời nói, cử chỉ cũng bắt đầu có những khác biệt so với trước. Chẳng hạn buổi sáng thức dậy, con bảo nay con lớn rồi nên con sẽ không nằm thêm 5 phút nữa mà dậy luôn, hoặc ăn cơm cũng tự nói vì con lớn rồi con sẽ không ăn chậm như khi con 5 tuổi nữa.

Mong con luôn tin tưởng vào bản thân để bước tới

Một bước ngoặt khác rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, đó là kết thúc 12 năm đèn sách để bước vào một hành trình dài hơn, nhiều trách nhiệm hơn với chính mình, với gia đình và xã hội. Dường như, khi con cái bước đến giai đoạn này, các bậc cha mẹ trăn trở nhiều hơn.

Trăn trở trước những bước ngoặt của con - ảnh 2

Phụ huynh tham gia một lễ trưởng thành của con  ĐÀO NGỌC THẠCH

Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông (giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) có con trai năm nay tốt nghiệp THPT. Anh đã chở con đi học, buổi học cuối cùng ở trường trung học. Mọi cảm xúc như ùa về. “Đây là chặng đường 12 cây số đi học mỗi ngày của con trong suốt 3 năm trung học sẽ kết thúc. Nhưng đường học tập của cuộc đời con vẫn còn dài phía trước. Ba không nghĩ hôm nay mình kết thúc một công việc đã làm trong nhiều năm là chở con đi học. Ba chỉ nghĩ đơn giản, hôm nay thật may mắn, ba lại có cơ hội chở con đi. Dẫu biết sau này muốn tìm lại chút niềm vui nho nhỏ này cũng không thể. Chắc con không biết tại sao hôm nay ba ít nói chuyện với con hơn so với mọi lần. Được chăm sóc con cái là một trong những thứ hạnh phúc tuyệt vời nhất của đời người”.

Được biết, con trai anh đi học bằng xe buýt mỗi ngày, nhưng mỗi khi có dịp thuận lợi anh đều không bỏ qua cơ hội chở con đến trường, vừa đi vừa trò chuyện.

Anh Thông mong con luôn nhớ đến ký ức này và tìm thấy sự tin tưởng mà ba mẹ luôn gửi gắm cho mình. “Luôn bước tới bằng sự tin tưởng ở chính bản thân mình. Là tin tưởng mình có thể chịu đựng được dù có đối mặt với những thử thách khó khăn đến mức nào. Là tin tưởng mình có thể làm được, tuy có thể không đạt được kết quả hoàn mỹ lý tưởng, thì cũng phải là một kết quả tốt hơn so với chuyện mình không dám làm. Và nếu có lỡ mắc sai lầm, con cũng có thể tin là mình có thể thẳng thắn đối mặt nhận trách nhiệm và khắc phục”, anh Thông nhắn gửi con.

Phụ huynh Nguyễn Phương Hiển (có con học Trường THPT Gia Nghĩa, Đắk Nông) thì lo lắng thời gian tới, con sẽ phải tự lập rất nhiều khi một mình sống tại TP.HCM, chọn học ngành học mà con đã lựa chọn. “Con tôi tồ lắm, ít nói và rất hiền. Dù cháu là con trai nhưng tôi vẫn sợ cháu một mình sống ở môi trường mới, không biết có gặp phải điều gì không tốt. Tuổi 18 còn nhiều non nớt, liệu con có đủ vững vàng, bản lĩnh để tự lập trong học hành, trong cuộc sống hay không? Nhưng đến tuổi này rồi, dù thương con, lo lắng, thì vợ chồng tôi vẫn phải tin vào con, cho con cơ hội tự lập thôi”, anh Hiển bùi ngùi.

 

MỸ QUYÊN