10/01/2025

Tranh cãi chiến dịch chống ấu dâm trên mạng

Chiến dịch truy quét đường dây ấu dâm trên mạng toàn cầu gây tranh cãi do nhiều nạn nhân được giải cứu thiếu nơi nương tựa an toàn.

 

Tranh cãi chiến dịch chống ấu dâm trên mạng

Chiến dịch truy quét đường dây ấu dâm trên mạng toàn cầu gây tranh cãi do nhiều nạn nhân được giải cứu thiếu nơi nương tựa an toàn.
 
 
 
 
Chuyên viên tâm lý trò chuyện cùng các nạn nhân được giải cứu bên trong một trung tâm ở Philippines /// AFP

Chuyên viên tâm lý trò chuyện cùng các nạn nhân được giải cứu bên trong một trung tâm ở Philippines  AFP

 
Một lực lượng toàn cầu mới được thành lập do cảnh sát Philippines dẫn đầu phối hợp với Anh và Úc có nhiệm vụ truy quét đường dây dụ dỗ trẻ em thực hiện hành vi khiêu dâm để ghi hình đăng lên mạng phục vụ những kẻ ấu dâm. Trong nhiều trường hợp, chính người thân gia đình, thậm chí cha mẹ là kẻ chăn dắt, ép các em trở thành “nô lệ tình dục thời hiện đại”, theo Reuters.
 
Chiến dịch toàn cầu này đã giải cứu được nhiều nạn nhân từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, số này ngày càng gia tăng dẫn đến tình trạng quá tải ở những trung tâm nuôi dưỡng do các tổ chức từ thiện hoặc phi chính phủ điều hành. “Các trung tâm đang trong tình trạng khủng hoảng, thiếu cơ sở vật chất, thuốc men cùng nhiều thứ khác”, phát ngôn viên của Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF) Zafrin Chowdhury nói.
 

Nhiều nạn nhân không biết đi đâu về đâu sau khi rời khỏi những trung tâm này, theo tờ The Philippine Star. Chẳng hạn, cô gái tên Chang (18 tuổi) đã sống trong một trung tâm suốt 4 năm qua sau khi được giải cứu khỏi động ấu dâm do người hàng xóm cầm đầu. Trong nhiều năm liền, tên hàng xóm dụ dỗ Chang với một ít tiền và quần áo mới để thực hiện hành vi khiêu dâm trước webcam cho những kẻ ấu dâm ở Anh và Úc theo dõi trực tuyến hằng ngày.

 
Chang chỉ là một trong số hàng ngàn bé gái đang được chăm sóc ở các trung tâm từ thiện. Chính phủ Philippines chưa có số liệu chính thức, nhưng các tổ chức bảo vệ quyền trẻ em cho biết có khoảng 60.000 trường hợp thiếu niên trở thành “nô lệ thời hiện đại” trong đường dây ấu dâm trực tuyến được ghi nhận ở nước này vào năm 2018. “Không phải tất cả mọi người muốn nhận nạn nhân làm con nuôi, trong khi khả năng của các trung tâm cũng chỉ có hạn”, Giám đốc Tổ chức phòng chống nô lệ thời hiện đại Voice of the Free, Sherryl Loseno cho hay.
 
Nhiều thiếu niên rời bỏ trung tâm và quyết định trở về gia đình, mặc dù người thân của các em từng nhận tiền khoảng 100 USD (2,3 triệu đồng)/lần từ bọn tội phạm ấu dâm để buộc các em thực hiện hành vi khiêu dâm. “Đây là thách thức rất lớn cho chúng tôi để giải thích rằng gia đình không còn là nơi an toàn. Nạn nhân còn quá nhỏ để hiểu và thậm chí nghĩ những gì người thân ép các em làm trước camera là chuyện bình thường”, Giám đốc Tổ chức chống buôn người Sứ mạng Công lý quốc tế (IJM) Delores Rubia chia sẻ.
 
Ngoài ra, mối tình thân gia đình cũng là rào cản để lực lượng chức năng truy tố những kẻ lạm dụng trẻ em. Hồi năm 2018, một bé gái bị lạm dụng nhiều năm kể từ hồi lên 8 tuổi đã từ chối cung cấp lời khai chống lại mẹ mình. Sau đó, người phụ nữ này được tòa tuyên trắng án. Bé gái được chăm sóc ở trung tâm của IJM và đang đợi toà ra quyết định ngày trở về với mẹ.
 
Quốc hội Ba Lan hôm qua nhất trí điều chỉnh luật hình sự, nâng hình phạt tù lên 30 năm đối với tội phạm ấu dâm và trong trường hợp cực kỳ nguy hiểm sẽ đối mặt án tù chung thân, theo AFP. Động thái này diễn ra giữa lúc dư luận bức xúc về tình trạng tội phạm ấu dâm gia tăng sau khi phim tài liệu Tell No One (tạm dịch: Đừng nói với ai) được phát trên YouTube tuần rồi, thu hút hơn 18 triệu lượt xem. Trong phim, hàng loạt nạn nhân hiện là người trưởng thành đối mặt với những linh mục cao tuổi đã lạm dụng tình dục họ lúc còn bé. Một số linh mục đã thừa nhận hành vi của mình và xin lỗi. Tổng giám mục Ba Lan Wojciech Polak cũng đã lên tiếng xin lỗi tất cả nạn nhân. Hồi tháng 3, Giáo hội Công giáo Ba Lan xác nhận hàng trăm tăng lữ đã lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong 3 thập niên qua ở nước này.

 

PHÚC DUY