12/01/2025

Dân Hà Lan chịu hết xiết những ‘binh đoàn du lịch mà như xâm lược’

Những bông hoa tulip bị giẫm nát. Rồi một ngôi làng nhỏ có nhiều cối xay gió đầy khách Trung Quốc. Dân bản địa cảm thấy lạc lõng giữa “rừng” ngoại ngữ và đang chịu hết xiết với du khách đang tràn vô nước mình…

 

Dân Hà Lan chịu hết xiết những ‘binh đoàn du lịch mà như xâm lược’

Những bông hoa tulip bị giẫm nát. Rồi một ngôi làng nhỏ có nhiều cối xay gió đầy khách Trung Quốc. Dân bản địa cảm thấy lạc lõng giữa “rừng” ngoại ngữ và đang chịu hết xiết với du khách đang tràn vô nước mình…


 

Dân Hà Lan chịu hết xiết những binh đoàn du lịch mà như xâm lược - Ảnh 1.

 

Người dân ở Barcelona (Tây Ban Nha) từng xuống đường phản đối nạn “du lịch mà như xâm lược” Ảnh: AFP

Người Hà Lan cho thấy họ không phải là những tay xoàng trong ngành du lịch. Năm 2018, tổng lượt khách quốc tế đến xứ sở hoa tulip chạm mốc 18 triệu người, nhiều hơn cả dân số nước này.

Lượng du khách sẽ tăng lên mức 42 triệu lượt vào năm 2030 – một con số khiến nhiều quốc gia đang ra sức quảng bá du lịch thèm khát. Nhưng với người Hà Lan bản xứ và giờ là cả chính quyền nước này, bấy nhiêu đó đã đủ.

Lạc lõng giữa chính quê hương

Số liệu từ Liên Hiệp Quốc cho thấy trong số 1,3 tỉ lượt khách quốc tế tính trên toàn cầu năm 2017, hơn 51% đổ dồn về châu Âu. Vẻ đẹp cổ kính xen lẫn hiện đại của lục địa già khiến du khách đổ về mê mẩn. Điều ngạc nhiên là sự phát triển của du lịch đang tỉ lệ thuận với những bất mãn của người dân.

“Những cửa hàng cho dân địa phương giờ bị thay thế bằng những cửa hàng bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Chúng tôi có cảm giác như mình đang là du khách tại chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Thậm chí giờ cả du khách cũng than phiền vì họ tới chỉ toàn thấy khách là khách – bà Els Iping, một cư dân của thủ đô Hà Lan, chia sẻ – Cuối tuần bây giờ bắt đầu từ chiều thứ năm. Những tiếng la hét, cụng ly bia ầm ầm qua đi là những đống rác ở lại”.

Một tài liệu của cơ quan du lịch Hà Lan nhấn mạnh: “Không phải lúc nào nhiều hơn cũng tốt hơn, chắc chắn không phải như vậy. Để kiểm soát luồng khách du lịch, chúng ta phải hành động ngay từ lúc này. Thay vì quảng bá chúng ta là một điểm đến hấp dẫn, đã tới lúc chúng ta phải nghĩ ra những biện pháp quản lý du khách ở các điểm đến”.

Một số thành phố và khu vực cực kỳ đông đúc, chẳng hạn như Amsterdam và Giethoorn – một ngôi làng nhỏ có nhiều cối xay gió. Ở đó đầy khách Trung Quốc bởi họ cực thích ngôi làng. Giethoorn, ngôi làng nhỏ vỏn vẹn khoảng 2.500 người sinh sống ở Hà Lan, đón hơn 350.000 du khách Trung Quốc vào năm ngoái qua các hệ thống kênh đào nhỏ, chằng chịt của nó.

Một câu chuyện tương tự khác đến từ Venice, thành phố của những kênh đào thơ mộng của Ý. Những du thuyền dềnh dàng đầy khách du lịch đang hủy hoại các kênh đào của Venice, sóng tạo ra do tàu chạy đập vào làm xói mòn các công trình cổ. 

Mỗi ngày, không đếm hết những đám đông liếm kem, chụp ảnh tự sướng và đi lang thang về phía cung điện Doge lướt qua Giovanni Bonazzon – một họa sĩ ngồi ở quảng trường San Marco để vẽ những bức tranh “không thực” về một Venice yên bình không bóng người.

Chúng tôi là một thành phố, không phải công viên giải trí theo chủ đề.

Bonazzon (hoạ sĩ Ý)

Hai mặt của đồng tiền

Amsterdam không phải là thành phố châu Âu duy nhất nơi người bản xứ phải gồng mình chịu luồng du khách đổ về đến mức không kiểm soát. Nhiều biện pháp đã được đưa ra, chẳng hạn thu phí hay đánh thuế như ở Ý, song hiệu quả vẫn còn đợi kiểm chứng.

Các biện pháp hạn chế khách du lịch và quản lý những điểm đến nổi tiếng của một số nước châu Âu đang bị chỉ trích là hai mặt. Những ý kiến này lập luận rằng trong giai đoạn khó khăn vì khủng hoảng tài chính toàn cầu, châu Âu đã xem du lịch như cái cần câu cơm và khi đã hồi phục, họ bắt đầu quay lưng với những người đã “cứu rỗi” họ. Những người chỉ trích có lý lẽ của họ và chính quyền cũng có bằng chứng cho các hành động của mình.

Du lịch đem về cho Hà Lan 87 tỉ euro trong năm 2018, tạo ra hơn 760.000 việc làm và được xếp vào một trong 13 lĩnh vực nhiều nhân lực nhất nước này. Nhưng nay các cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan đã bắt đầu được dựng hàng rào để ngăn dòng du khách giẫm đạp, tranh nhau chụp những bức ảnh đẹp.

Trong một động thái mang tính biểu tượng vào năm ngoái, một tác phẩm điêu khắc khổng lồ ghi chữ “Iamsterdam” cũng đã đem ra khỏi quảng trường Rijksmuseum. Các cửa hàng lưu niệm, khách sạn bị hạn chế cấp phép, sân bay Schiphol bị giới hạn công suất phục vụ. 

Một lập luận nghe có vẻ vĩ mô được đưa ra, đó là nếu số du khách tới Hà Lan đạt mức 42 triệu người vào năm 2030, mục tiêu giảm 49% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 như năm 2017 sẽ không thể đạt được.

Do nhiều thứ giá rẻ

“Những lý do cho sự bùng nổ du lịch đến châu Âu cũng nhiều như những người bán gậy chụp hình selfie ở quảng trường Piazza Navona (Roma, Ý)”, tạp chí TIME của Mỹ ví von. 

Cuộc cạnh tranh giữa các hãng hàng không giá rẻ như EasyJet, Ryanair và Vueling giúp hành khách hưởng lợi, ngành công nghiệp đóng du thuyền ở châu Âu tăng 49% trong giai đoạn 2008-2016. 

Airbnb, nền tảng cho thuê phòng ở, khiến chi phí lưu trú thấp xuống đáng kể. Quan trọng hơn là sự giàu có tăng nhanh ở các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ. 

Thậm chí, biến đổi khí hậu khiến mùa hè dài hơn cũng là một nhân tố không thể bỏ sót.

 

 

BẢO DUY