11/01/2025

Hiểu đúng yêu cầu để viết đoạn văn đạt điểm cao

Qua hai kỳ thi THPT quốc gia 2017, 2018, còn nhiều thí sinh hiểu chưa đúng yêu cầu trọng tâm viết đoạn văn ngắn trong đề thi.

 

Hiểu đúng yêu cầu để viết đoạn văn đạt điểm cao

Qua hai kỳ thi THPT quốc gia 2017, 2018, còn nhiều thí sinh hiểu chưa đúng yêu cầu trọng tâm viết đoạn văn ngắn trong đề thi.
 
 
 

Học sinh lớp 12 ở Tiền Giang nghe tư vấn trong chương trình Tư vấn mùa thi năm 2019 /// Đào Ngọc Thạch

Học sinh lớp 12 ở Tiền Giang nghe tư vấn trong chương trình Tư vấn mùa thi năm 2019  ĐÀO NGỌC THẠCH

 
Câu hỏi viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) của đề thi THPT quốc gia môn văn được đưa vào cấu trúc đề thi từ năm 2017, thay thế cho câu hỏi viết bài văn (khoảng 600 chữ) của đề thi năm 2016 trước đó. Tuy nhiên, qua hai kỳ thi, còn nhiều thí sinh (TS) hiểu chưa đúng yêu cầu trọng tâm của đề.
 
Trọng tâm ở đây là gì? Trong đáp án chấm có yêu cầu đảm bảo về hình thức đoạn văn: viết theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành, khác với yêu cầu về hình thức của một bài văn. Về kiến thức và kỹ năng viết đoạn văn thì học sinh đã được học ở phổ thông khá kỹ. Như vậy, khi viết đoạn văn, TS phải vận dụng một trong các cách triển khai trên và trả lời trực tiếp vào yêu cầu của đề.
 

Chẳng hạn, với câu hỏi về ý nghĩa/tác dụng của vấn đề trọng tâm được nói đến trong văn bản, như “sự thấu cảm” (đề thi năm 2017), “sự trải nghiệm” (đề thi minh họa năm 2018), TS phải trả lời trực tiếp, đầy đủ về ý nghĩa/tác dụng của sự thấu cảm/sự trải nghiệm là đạt điểm. Không cần phải giải thích, bàn luận dài dòng. Đề thi minh họa năm 2019 yêu cầu: “Từ nội dung đoạn trích phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về điều bản thân cần thay đổi để có thể thành công trong cuộc sống”. Từ yêu cầu này, TS phải cho người đọc thấy được những điều cụ thể mà bản thân thay đổi để thành công là gì. Ở dạng câu hỏi bày tỏ ý kiến có sự lựa chọn: “Anh/chị có đồng ý với ý kiến “…” không” thì phải trả lời dứt khoát quan điểm và kèm giải thích cặn kẽ.

 
Tuy nhiên, yêu cầu viết đoạn văn khác với cách trả lời câu hỏi đọc hiểu. Nghĩa là TS phải đảm bảo về độ dài, viết thành một đoạn theo hình thức (như đã nói ở trên), triển khai đúng vấn đề cần nghị luận. Chú ý về chính tả, dùng từ, đặt câu và phải có sáng tạo ở cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc…
 
Theo kinh nghiệm chúng tôi, TS nên chọn cách triển khai theo hình thức tổng – phân – hợp. Ở phần “tổng” (chủ đề) nên nêu trực tiếp, dẫn lại ý kiến (nếu có); phần “phân” trả lời trực tiếp vào trọng tâm như đã nói ở trên; phần “hợp” tóm lược các ý trọng tâm đã triển khai. Có thể nêu thêm ý nghĩa, bài học… của vấn đề nghị luận.
 
Các lưu ý khi làm bài thi ngữ văn
Đối với phần đọc hiểu, để đạt điểm tối đa, khi làm bài TS cần đọc kỹ văn bản, nắm yêu cầu đề, trình bày đủ các ý, có thể dùng các gạch đầu dòng để nêu cụ thể ý, không nên viết lan man, dài dòng mất thời gian mà điểm không cao. Phần này TS cần phải nắm các bước sau: chú ý đến nhan đề đoạn trích; xác định hệ thống câu hỏi; xác định mục đích câu hỏi.
 
Đối với câu nghị luận văn học ngoài kiến thức đã học, TS cần nắm các bước làm bài. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Bài làm có đủ các phần mở bài, thân bài, kết luận. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đây là khâu quan trọng trong quá trình làm bài, nếu TS không xác định được vấn đề nghị luận sẽ làm cho bài viết lan man không có trọng tâm, thiếu ý hoặc xa đề, lạc đề. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng.
 
TS không nhất thiết phải làm theo cấu trúc của đề thi mà phải theo phương châm: Câu nào biết nên làm trước để kiếm điểm. Đề thi yêu cầu trình bày cái gì thì trả lời cái đó, không nên vòng vo. Để tránh tình trạng không kịp thời gian, những câu biết cần làm thẳng vào bài thi, không nên viết nháp để rồi mất thời gian chép lại.
Huỳnh Ngọc Toàn 
(Giáo viên Trường THPT Lê Thành Phương, Tuy An, Phú Yên)