Để trường nghề hấp dẫn học sinh
Mỗi năm, cả nước có hơn 300.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào THPT, hàng chục ngàn học sinh không tốt nghiệp THPT. Nhưng họ đã không chọn con đường học nghề.
Để trường nghề hấp dẫn học sinh
Mỗi năm, cả nước có hơn 300.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào THPT, hàng chục ngàn học sinh không tốt nghiệp THPT. Nhưng họ đã không chọn con đường học nghề.
Học sinh lớp 10 hệ trung cấp trường CĐ Kinh Tế Kỹ Thuật TPHCM trong giờ thực hành điện – điện tử – Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính là chính sách tiền lương hiện nay chưa khuyến khích đối với người lao động có tay nghề.
Lương không dựa vào giá trị lao động
Thực tế chênh lệch tiền lương giữa lao động phổ thông và lao động có tay nghề qua đào tạo hiện tại rất nhỏ, chỉ vài trăm ngàn đồng. Thậm chí, có doanh nghiệp tự xây dựng thang bảng lương lên đến vài chục bậc, mỗi bậc hơn nhau chỉ vài chục ngàn đồng.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh – phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Việt Nam, ở đây có vấn đề lớn về mối quan hệ giữa cung – cầu lao động, giữa đào tạo và việc làm cùng chính sách trả lương tương xứng cho lao động qua đào tạo.
“Ở nhiều nước, lương cho người lao động dựa vào giá trị sức lao động thông qua trình độ. Ở Việt Nam, khi nguồn lao động có tay tay nghề vượt quá nhu cầu, sử dụng lao động sẽ mua sức lao động ở mức dưới giá trị. Ví dụ, kỹ thuật viên chỉ cần người tốt nghiệp trung cấp hay CĐ, họ lại tuyển người tốt nghiệp ĐH.
Cũng có thực tế người học nghề không đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp, do rất nhiều nguyên nhân. Nhiều doanh nghiệp FDI chỉ thích tuyển người tốt nghiệp THPT, đào tạo kỹ năng 2-3 tháng rồi vào dây chuyền sản xuất chủ yếu là lắp ráp tự động” – ông Vinh nhận định.
Ông Trần Anh Tuấn – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế, giám đốc chương trình dự báo nhân lực – cho rằng tiền lương hiện nay tác động lớn đến việc chọn học nghề. Người có trình độ trung cấp được chi trả lương thấp hơn nhiều so với người có bằng ĐH và hiếm có cơ hội được bổ nhiệm vào vị trí quản lý trong doanh nghiệp.
Vẫn là chuyện xác định năng lực
“Nhu cầu thị trường lao động hiện nay đều cần đủ các trình độ từ sơ cấp, trung cấp, CĐ, đến ĐH… Các bạn trẻ cần biết lựa chọn bậc học nào phù hợp với năng lực của mình.
Bên cạnh lao động “trí thức” có bằng cấp cao, xã hội cần lao động có nghề nghiệp, kỹ năng, am hiểu về công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại và có thể tương tác được với robot.
Đây là nguồn nhân lực đang thiếu hụt lớn ở Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới. Cần xác định rõ những thông tin này khi phụ huynh và học sinh sẽ chọn học nghề” – ông Trần Anh Tuấn nói.
Doanh nghiệp đứng bên lề
Theo ông Nguyễn Thành Hiệp – nguyên trưởng phòng dạy nghề (Sở Lao đồng, Thương binh và Xã hội TP.HCM), chính sách tiền lương của Nhà nước không hấp dẫn được người lao động nhưng hiện một số doanh nghiệp tư nhân cũng đã trả lương theo năng lực chuyên môn, tay nghề của người lao động, theo đặc thù công việc.
Người có năng lực, tay nghề giỏi làm việc hiệu quả hơn sẽ được nâng lương. Mức lương tối thiểu theo vùng hiện nay được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra cũng chỉ là một mốc tương đối, còn lao động có tay nghề thực tế thu nhập vượt lên trên mức này rất xa.
Một thực tế khác là còn quá ít doanh nghiệp tham gia việc dạy nghề. Theo kinh nghiệm các nước, trường nghề không thể và không bao giờ đủ nguồn lực đầu tư thiết bị hiện đại như của doanh nghiệp được.
Doanh nghiệp và trường nghề luôn đi bên nhau hợp tác đào tạo và tuyển dụng theo trách nhiệm mỗi bên. Từ đó chất lượng đào tạo được cải thiện và đầu ra trường nghề sẽ gắn sát thực tế doanh nghiệp hơn, người học nghề có cơ hội tốt hơn.
Từ đó, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nên xem xét hình thành một số trường trung học kỹ thuật ở các khu công nghiệp, đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, có sự hỗ trợ doanh nghiệp cho đào tạo. Trường nghề cần cải thiện chất lượng đào tạo và truyền thông tốt sẽ giúp cho các trường nghề hấp dẫn hơn.
Nhiều nguyên nhân khác
Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, hiện các trường nghề thường lấy học bổng để “dụ” học sinh. Chính điều này vô tình góp phần hạ thấp nhận thức của người dân về chuyện học nghề. Vì thực tế người ta thường quan tâm việc học xong sẽ được làm gì, thu nhập ra sao chứ không phải được gì trong lúc học. ThS Nguyễn Xuân Toán – phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức – cũng nhìn nhận nguyên nhân học sinh ngại học nghề do vẫn nặng về tâm lý bằng cấp, việc truyền thông về học nghề chưa rõ.
Hơn nữa, với hệ trung cấp đầu vào THCS, học sinh phải học hơn 1.200 tiết các môn văn hóa. “Vừa học nghề vừa phải học văn hóa dẫn đến tâm lý chán nản, thời gian vừa học nghề và văn hoá gần 4 năm cũng quá dài, nhiều người chấp nhận bỏ học nghề, đi lao động thời vụ, phổ thông” – ông Toán nói.